Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tư lự lễ Xên đông ở Mường Lò

Đức Trường| 20/02/2014 06:26

(HNM) - Tờ mờ sáng, khi ranh giới giữa trời và đất còn chưa tỏ, mưa xuân giăng mắc khắp cánh đồng Mường Lò (Văn Chấn, Yên Bái), thầy mo Lò Văn Phong đã dậy để sắp sửa cho lễ Xên đông (cúng rừng) của người Thái ở bản Đường, xã Hạnh Sơn.


Cầu cho mưa thuận, gió hòa

Khi thầy mo Lò Văn Phong đến địa điểm khai hội, đông đảo người Thái trẻ già, gái trai ở các bản trong xã và các xã lân cận đã kéo đến đông vui. Mật độ người Thái ở Hạnh Sơn khá đông, chiếm đến 1/10 tổng số người Thái ở cả vùng Văn Chấn - Mường Lò. Những người già ở đây kể rằng, theo sách Thái cổ "Quámk tố mướng" (Kể chuyện bản mường), quãng 1000 năm trước, tổ tiên người Thái di cư vào vùng Văn Chấn - Mường Lò đã định cư tại vùng đất bây giờ là xã Hạnh Sơn cùng một số xã lân cận và đặt tên là Mường Chà.

Thầy mo Lò Văn Phong đang cúng rừng.


Rồi lời ca của bài hát "Lông tông tọc con poong", nghĩa là "Xuống vui chơi cây nêu" cất vang, mọi người trở nên rộn ràng. Trẻ con thì hát theo. Người lớn túm năm tụm ba nhún nhảy theo điệu nhạc cổ. Khách từ nơi xa đến cứ ngửa cổ nhìn lên cây nêu thẳng tắp cao chót vót giữa khung trời xuân, giữa lời ca, tiếng hát của các cô gái Thái. Cây nêu càng cao thì những mong ước về mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, đời sống sung túc, nòi giống sinh sôi của con cháu sẽ càng dễ đến với tổ tiên, thần linh ở trên trời.

Anh Hoàng Văn Vạn, nhà ở thôn Lò Gạch tự hào khoe, cây pheo (tre) dựng làm nêu này chặt ở nhà anh. Anh hơn 50 tuổi, cây pheo này cũng đã hơn 20 năm rồi. Ngày mới lấy vợ, anh trồng một bụi pheo ở góc vườn. Năm nay Xên đông lại được tổ chức, anh Vạn được giao việc tìm chặt cây pheo đủ tiêu chuẩn về để dựng cây nêu và cây mỡ. Anh Vạn vui vẻ nhận lời và thầm nhủ năm nay Xên đông của xã Hạnh Sơn được nâng lên cấp huyện, anh sẽ phải dựng cây nêu thật cao, thật đẹp. Sau khi nghĩ đi nghĩ lại, anh hạ luôn hai cây to, cao, thẳng nhất ở bụi pheo già nhất trong vườn nhà mình.

Anh Vạn nhớ lại, ngày còn nhỏ, anh thường theo chân bố mẹ và các anh đi xem Xên đông, Xên bản, Xên mường. Sau này, khi đến tuổi thanh niên, Xên đông nào anh cũng chơi cũng ở trong đội thanh niên chuẩn bị cho lễ hội. Đã bao lần ném còn mà chả trúng, leo cột mỡ mà chả lên được. Khi có bạn gái, anh rủ bạn gái đi chơi hội, xem lễ. Giờ đã có cháu trong nhà, anh lại tham gia vào những việc mà hồi thanh niên anh được những người lớn tuổi chỉ bảo.

Thầy mo Lò Văn Phong kể rằng, ngày xưa dưới gốc cây nêu bao giờ cũng có bàn thờ. Trên đó để các thủ lợn, đuôi, 4 chân giò lợn, 1 bát tiết, 1 đĩa lòng, đĩa thịt, đĩa muối, đĩa trầu cau, 8 chén rượu, 8 đôi đũa để mời 8 vị tổ tiên, thần thánh về. "Bây giờ người ta đơn giản đi nhiều chứ" - Thầy mo Phong thừa nhận.

Xong phần khai mạc, thấy thầy mo Phong loay hoay dắt chiếc xe máy ra khỏi bãi xe đông đúc, tôi chạy đến dắt hộ rồi "đề xuất" được đưa thầy mo ra chỗ cúng. Ngồi sau tôi, mo Phong bảo rằng Xên đông lần này sẽ được làm ở dưới gốc cây đa trên Pu Luông (đồi rồng). Người Thái có câu "Tai pá phăng, nhăng pá liệng", nghĩa là "sống rừng nuôi, chết rừng chôn". Với người Thái, giữ rừng đầu nguồn, rừng thiêng đã thành lệ của bản mường. Từ đời này sang đời khác, người già vẫn nhắc người trẻ rằng, phải giữ rừng để mó nước tuôn trào, để đời đời sinh sôi. Nếu không có rừng, muôn loài sẽ bỏ đi. Ai nhớ được câu ấy thì mới thành người. Ngày xưa, những khu rừng cấm không ai dám xâm phạm, dù chỉ hái một ngọn măng, chặt một cành cây, săn bắt một con chim con thú. Ai đi qua rừng cấm cũng phải cúi lạy. Đến chúa đất cũng phải xuống ngựa. Những con thú bị thương trong cuộc săn bắn nếu chạy vào đây thì không ai được quyền đuổi theo. Có khu rừng, mỗi năm mọi người chỉ được phép vào hái măng một vài lần sau những cơn mưa rồi lại đóng rừng. Rừng để khai thác vật liệu dựng nhà thì cấm không được phát, đốt làm nương. Đặc biệt, những khu rừng bảo vệ nguồn nước thì tuyệt đối cấm khai thác. Cứ vài năm một lần, bản mường lại tổ chức Xên đông.

Khi mo Phong đến thì bàn thờ, đồ tế lễ đã sẵn sàng. Hai thầy mo cúng phụ cũng đã có mặt chỉ chờ thầy mo cúng chính đến. Chỉ cần cởi cái áo comple bên ngoài, chiếc áo thầy cúng màu đỏ đã bật hẳn lên giữa hai thầy cúng và những quan khách xung quanh. Mo Phong cùng hai thầy cúng đại diện cho cộng đồng cầu khấn các đấng siêu nhiên ban cho mưa thuận gió hòa, mùa vụ tươi tốt, cuộc sống no ấm…

Chút tư lự giữa Pu Luông

Cúng thì cúng vậy, nhưng bao năm nay rừng Văn Chấn vẫn bị phá. Nhiều khu rừng đầu nguồn bị tàn phá trầm trọng, những khu rừng thiêng cũng chịu chung số phận. Nhiều người già ở Mường Chà lo sợ sẽ bị thần linh trừng phạt. Họ đã thấy những đợt nắng hạn kéo dài làm cho ngòi Thia không còn đủ nước để tưới cho mùa màng. Người ở vùng trong Văn Chấn - Mường Lò vẫn còn nhớ trận lũ quét kinh hoàng ở ngoài thị tứ Ba Khe, Cát Thịnh (cũng thuộc địa bàn huyện Văn Chấn) vào tháng 9-2005 đã cướp đi hơn 50 mạng người. Số rừng được trồng lại chưa thấm tháp gì so với số đã bị chặt phá. Mối lo vẫn còn đó.

Con đường đến Pu Luông cũng là đường đi qua bản Đường rồi lên Trạm Tấu. Mấy năm nay, bản Đường "mở" hết cỡ trước sự xâm thực của một cuộc sống được coi là hiện đại. Nhà sàn gỗ đa phần lợp mái phibrô xi măng đen xỉn, đôi cái giữ lại được phần hiên lợp gỗ pơ mu, chắc đã quá dăm chục năm nên nứt nẻ. Xe máy, ti vi là tiện nghi bình thường nhưng phong cảnh vườn trên ao dưới đã hiếm. Bảo vệ, dân phòng đều đồng phục kiểu cơ quan, đàn ông mặc chả khác người dưới phố. Thanh niên càng sành điệu, bao nhiêu nam thì bấy nhiêu quần bò. Đàn bà có chồng đỡ hơn, với búi tóc cao vói trên đầu, gọi là "tằng cẩu", váy nhung dài mềm mại đung đưa khi cất bước. Nhưng giờ những bà, những cô biết dệt vải, may đệm chắc chả còn mấy.

Trên đồi, xung quanh đám cúng, "chi chít" những thanh niên "tân tiến". Ông Hà Đình Phanh đã trung tuổi kể rằng, xưa, vào giờ khắc cúng rừng, cầu giời cầu đất thiêng liêng, đàn bà không được héo lánh. Giờ thì ai xem cũng được, chả kiêng cữ gì sất. Một thanh niên mặc bu dông xù, ăn nói mạnh dạn, tên là Hoàng Văn Phong, kể đang theo người trong bản đi làm thợ xây dưới Hà Nội, kiếm được dăm bẩy triệu đồng mỗi tháng nhưng chả dành dụm được mấy, Tết chỉ đưa mẹ được hai triệu. Kể đến đây rồi Phong rầu rầu bảo: "Em cũng chả thích làm ruộng. Đi xây mãi thế này vất lắm, chỉ muốn học cái nghề gì đó rồi đi xa, như anh trai lái máy xúc…". Những tâm sự của Phong gợi lên một "vấn đề", thanh niên thời nay chả mấy ai muốn ở nhà. Một bản toàn người già kể chuyện xưa sẽ ra sao, nền văn hóa sông suối của người Thái, những câu khấn của thầy mo ai sẽ nghe sẽ tiếp thu để làm theo? Đâm ra giữa hội cúng rừng lại có chút tư lự…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tư lự lễ Xên đông ở Mường Lò

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.