(HNM) - Cuộc đối thoại trực tuyến giữa lãnh đạo Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) với các doanh nghiệp (DN) và đại diện Hiệp hội Kinh doanh vận tải tổ chức chiều 3-7 đã thu hút sự quan tâm, đánh giá cao của dư luận.
Trước hết, phải khẳng định rằng, sau khi thực hiện chủ trương siết chặt quản lý vận tải hàng hóa và xe khách thời gian qua, chính sự bất nhất của các văn bản và sự thay đổi quá nhanh các chính sách của cơ quan quản lý nhà nước đã khiến các DN hoạt động trong lĩnh vực này không kịp trở tay. Bởi vậy, cuộc đối thoại - với sự tham gia của đích thân Bộ trưởng Bộ GTVT và cả 6 thứ trưởng bộ này - đã tạo cơ hội cho các DN phản ánh những bức xúc về chính sách quản lý. Đáng chú ý là tại cuộc đối thoại, sau khi lắng nghe các DN giãi bày, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã thay mặt lãnh đạo Bộ thẳng thắn xin lỗi các DN vận tải về những thiếu sót, bất cập, tồn tại đã gây ảnh hưởng xấu, gây bức xúc cho các DN, và hứa "sẽ xử lý ngay những vấn đề trong thẩm quyền, những vấn đề vượt quá thẩm quyền cũng sẽ báo cáo Chính phủ ngay"…
Lời xin lỗi của Bộ trưởng vào lúc này được cho là cần thiết, vì đó là thể hiện sự cầu thị và trách nhiệm với những vấn đề quốc kế dân sinh thuộc ngành mình quản lý. Song, lời xin lỗi ấy sẽ vô giá trị nếu như nó chỉ được phát ra để làm yên lòng DN. Tuy nhiên, trong trường hợp này lại không như vậy. Ngay tại cuộc đối thoại, Bộ trưởng Thăng khẳng định: Siết chặt vận tải không có nghĩa là "bóp chết" DN. Quản lý vận tải chặt, nhưng cũng phải thúc đẩy vận tải phát triển, tạo điều kiện tốt nhất cho các DN hoạt động một cách lành mạnh".
Sau mỗi ý kiến của DN, Bộ trưởng đã giải đáp hoặc yêu cầu các cơ quan chức năng của Bộ trả lời thỏa đáng. Thậm chí có vấn đề liên quan đến quy định về tải trọng xe đã được "tư lệnh ngành" xử lý ngay tại chỗ bằng thái độ quyết đoán: "Chính phủ đã đồng ý về chủ trương rồi, không chờ văn bản nữa, Bộ GTVT sẽ có văn bản đề nghị Bộ Công an và các cơ quan không phạt nữa, tôi chịu trách nhiệm điều đó". Khi nghe cấp dưới hứa sáng hôm sau có văn bản, Bộ trưởng Đinh La Thăng bày tỏ thái độ quyết liệt: "Không sáng mai gì hết, mà tối nay phải có văn bản để trên bàn tôi!". Và ông nêu vấn đề: "Như vậy việc xử phạt các DN trước đó có sai không? Nếu sai phải trả lại tiền cho các DN"…
Có thể thấy, thời gian qua trên các diễn đàn Quốc hội hay mỗi lần phát biểu trước công chúng, có một số "tư lệnh ngành" còn e dè, tiết kiệm những lời xin lỗi đối với những tồn tại, nhược điểm của ngành mình, cơ quan mình. Cũng có trường hợp nói vài lời cho qua chuyện để rồi đâu lại vào đó. Chính vì vậy mà sự thẳng thắn nhận lỗi, quyết liệt sửa sai của lãnh đạo Bộ GTVT đã khiến các DN và người dân tin tưởng và hy vọng…
Trong một cuộc tiếp xúc cử tri mới đây, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nói: "Những ai có lỗi mà không nhận, không sửa là sẽ mất uy tín; còn những ai có lỗi dám nhận, dám sửa thì nhân dân sẽ hết sức tha thứ". Việc người lãnh đạo nhận lỗi trước dân và giải quyết bức xúc của dân kịp thời là điều đáng trân trọng. Nhưng quan trọng nhất là đội ngũ "công bộc" phải nhận thức được điều này, tức là phải hết sức lắng nghe dân, không hình thức, phải thực tâm, thực lòng và xuất phát từ lợi ích của dân. Có như vậy mới nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.