(HNMCT) - Hai thập niên đầu thế kỷ XXI, không ít cây bút đã và đang hướng đến việc sử dụng tư liệu chiến tranh để "chưng cất" thành những tác phẩm phi hư cấu. Những tư liệu đó góp phần không nhỏ làm phong phú hơn diện mạo văn học nước nhà, đồng thời giải mã thêm về chiến thắng vĩ đại của dân tộc trong các cuộc chiến tranh cách mạng, tiếp mạch nguồn sáng tạo cho văn học về một đề tài luôn tràn đầy cảm hứng và thách thức.
Trải nghiệm từ cuộc đời trận mạc
Từ đầu thế kỷ XXI trở lại đây, các tác phẩm văn học tư liệu đang nổi lên như một hiện tượng. Được nối dài từ sau chiến tranh ít lâu, trải qua hơn một thập niên cuối thế kỷ trước, trong không khí đổi mới với rất nhiều xu hướng tìm tòi và thể hiện khác nhau, mảng sách ra đời trên cơ sở tư liệu đã góp phần làm phong phú nền văn học đổi mới.
Còn nhớ khi tiểu thuyết Đất trắng mới ra đời, nó vừa được khen, đã đành, nhưng cũng bị “chê’ là chất ký còn nhiều. Nguyễn Trọng Oánh là nhà văn sống và hoạt động lâu năm ở chiến trường Nam Bộ nhưng khi bắt tay vào viết Đất trắng, hẳn thời gian chưa đủ cho ông chưng cất “tư liệu” mà ông như một nhân chứng vào những trang viết của mình, dù ở thời điểm ấy chất ký như một “bảo đảm” cho sự chân thực của cảm hứng.
Từ sau Đổi mới, nhiều nhà văn viết về đề tài an ninh đã có những thể nghiệm theo xu hướng phi hư cấu và sáng tác của họ đã có những thành công nhất định trong việc dựng lại chân dung một số nhân vật nổi tiếng ngoài đời như Phạm Xuân Ẩn, Vũ Ngọc Nhạ, Phạm Ngọc Thảo, Trần Quốc Hương... Trong đời sống văn học sau chiến tranh, hồi ký của một số tướng lĩnh như Nguyễn Chuông, Phạm Hồng Sơn... viết về những trải nghiệm từ cuộc đời trận mạc của mình, có thể coi đó như một góc nhìn khác về lịch sử chiến tranh.
Những năm đầu thế kỷ mới, rất nhiều nhật ký đã được xuất bản, trong đó có những cuốn đã trở thành “hiện tượng” trong đời sống xã hội như Nhật ký Đặng Thùy Trâm, Mãi mãi tuổi hai mươi. Đó là chưa kể đến nhiều cuốn khác do các liệt sĩ, chiến sĩ viết từ chiến hào, viết trong những ngày cầm súng, đồng hành cùng đồng đội chịu đựng bao mưa bom bão đạn, trở về sau chiến tranh mang theo ký ức không hề nhạt nhòa theo năm tháng như Tài hoa ra trận của Hoàng Thượng Lân, Hồi ức lính của Vũ Công Chiến, Chuyện lính Tây Nam của Trung Sỹ, Mùa chinh chiến ấy của Đoàn Tuấn...
Hơn chục năm về trước, việc nhật ký của những người tham chiến được đông đảo bạn đọc đón nhận, tạo được sức hấp dẫn thể hiện vai trò quan trọng của tư liệu trong đời sống văn học. Trong ý thức tôn trọng sự thật khách quan và tinh thần của cuộc chiến, tư liệu củng cố niềm xác tín trong khả năng đưa nhà văn hướng đến con người, đưa tác phẩm văn chương đến gần hơn với bạn đọc.
Chưng cất chất liệu thành rượu quý
Trên cơ sở sử dụng tư liệu, nhiều tiểu thuyết chiến tranh ra đời đã tạo được sự hấp dẫn như Đêm Sài Gòn không ngủ của Trầm Hương, Mùa hè giá buốt của Văn Lê... Các nhà văn không chỉ tái hiện sự khốc liệt của chiến tranh như mọi người viết bình thường mà điều quan trọng là đã hư cấu trên sự thật lịch sử - những tư liệu mà họ có được, đưa lại một dáng vẻ khác cho tác phẩm, tạo được độ tin cậy cao hơn cho công chúng đương thời, và cả về sau, cho những người làm văn, viết sử. Trong Mùa hè giá buốt, chiến tranh hiện lên một cách khốc liệt, đau đớn không chỉ qua chính số phận các nhân vật - những người tham gia chiến tranh, mà còn từ những tổn thất nặng nề về người và của trong từng trận đánh qua những con số biết nói để từ đó, Văn Lê đã khắc họa được hình ảnh chân thực về không gian chiến tranh, về tâm thế con người.
Trong các tiểu thuyết tham dự cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam (2006 - 2019) có nhiều tác phẩm viết về chiến tranh biên giới phía Bắc và Tây Nam, về các sự kiện ở Campuchia, về các nhân vật lịch sử như Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp. Viết về chiến tranh nói chung, về chiến tranh biên giới nói riêng, vai trò xác thực của tư liệu là những đóng góp quan trọng trong việc thể hiện sự dữ dội của cuộc chiến, tái hiện sinh động những giằng xé, hy sinh của người trong cuộc, mở ra những sự thật lâu nay còn khuất lấp.
Mùa khát của Nguyễn Việt Chiến, Đường 19 của Nguyễn Văn Hồng, Hùng binh của Đặng Ngọc Hưng... là những tiểu thuyết viết về chiến tranh biên giới, hải đảo mang âm hưởng này. Đường về Thăng Long của Nguyễn Thế Quang, Trông vời cố quốc của Hoàng Quảng Uyên, Võ Nguyên Giáp của Vũ Xuân Tửu là một hướng thể nghiệm, tìm tòi khi viết về các nhân vật lịch sử. Điều này không dễ, bởi những nhân vật tầm cỡ vốn đã trở thành huyền thoại trong ký ức của người đương thời, cần phải xử lý hài hòa mối quan hệ giữa tư liệu và hư cấu như thế nào để bảo đảm tố chất văn chương của một tác phẩm văn học.
Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2014 dành cho Biên bản chiến tranh 1,2,3,4.1975 của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh là một trong số những tiểu thuyết tư liệu tiêu biểu trong thời gian gần đây. Trần Mai Hạnh được đặt trước một thử thách là với nhiều nguồn tư liệu quý hiếm, cần hư cấu như thế nào để viết về cái hôm qua là vì hôm nay, cho hôm nay, trong xu hướng vừa muốn xóa bỏ hận thù nhưng cũng cần tiếp tục khẳng định giá trị lịch sử to lớn mà chiến thắng mang lại. Ông đã chọn góc nhìn ngược sáng để soi chiếu vào nhân vật ở thời khắc như một phép thử đó, và đạt được thành công nhất định.
Ngoài Trần Mai Hạnh với tiểu thuyết kể trên, Nguyễn Thị Ngọc Hải cũng là nhà văn có thế mạnh về xu hướng phi hư cấu mà tác phẩm tiêu biểu của chị là Phạm Xuân Ẩn - Tên người như cuộc đời. Phạm Xuân Ẩn là nhà tình báo cách mạng tài năng, yêu nước, là người có trái tim nhân hậu. Suốt hơn hai mươi năm trong chiếc vỏ bọc là phóng viên của một tờ báo lớn, ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một điệp viên nhờ cách ứng xử lịch lãm, thông minh của một trí thức thông hiểu văn hóa dân tộc, văn hóa Pháp và Mỹ. Nguyễn Thị Ngọc Hải đã tiếp cận và thuyết phục được Phạm Xuân Ẩn để ông sẵn sàng bước vào trang viết của chị. Có được tư liệu, chị đã đầu tư để “giải mã” một con người từng khiến báo chí phương Tây kinh ngạc khi gọi ông là “kẻ thù tuyệt vời của nước Mỹ”, một cách sinh động, chân thực.
Tên tuổi nhà tình báo, người anh hùng Phạm Xuân Ẩn được thế giới biết đến bởi nghiệp vụ tinh thông xuất sắc, bởi tính cách dí dỏm, trầm lặng và nhân bản, trong đó có sức lan tỏa của những tác phẩm viết về ông mà Phạm Xuân Ẩn - Tên người như cuộc đời là một ví dụ. Larry Berman - tác giả Điệp viên hoàn hảo đã viết tặng Nguyễn Thị Ngọc Hải: “Cuốn sách của bà về Phạm Xuân Ẩn đã mở đường cho tất cả chúng tôi. Trong tất cả những người viết về Phạm Xuân Ẩn, bà là người hiểu rõ chủ nghĩa nhân văn của ông ấy hơn ai hết”.
Cả Trần Mai Hạnh và Nguyễn Thị Ngọc Hải vừa là nhà báo, vừa là người viết văn. Nghiệp báo đã tạo cho họ cách lấy và khai thác tư liệu. Nghiệp văn giúp họ chưng cất chất liệu có được thành rượu quý.
Rõ ràng trong văn xuôi hai thập niên đầu thế kỷ XXI, xu hướng tư liệu đang có những ưu thế nhất định trong cả tác phẩm hư cấu và phi hư cấu. Những tư liệu đó không ngừng đóng góp cho việc làm phong phú hơn diện mạo văn học nước nhà.
Những năm qua, nhiều giải thưởng, cuộc thi, trại sáng tác về đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng đã được tổ chức có chiều sâu như Giải thưởng văn học, nghệ thuật, báo chí đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng của Bộ Quốc phòng, trại sáng tác của NXB Quân đội nhân dân và Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật, cuộc thi truyện ngắn Lửa Mới của Tạp chí Văn nghệ Quân đội...
Giai đoạn 2015 - 2019, NXB Quân đội nhân dân đã tổ chức thành công 5 trại sáng tác thường niên và 3 trại sáng tác chiều sâu về đề tài “Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng” với sự ra đời của hơn 70 bản thảo ở các thể loại như tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký, trường ca, thơ... Trong đó, NXB Quân đội nhân dân đã xuất bản và phát hành được 52 tác phẩm, còn lại tiếp tục hoàn thiện để xuất bản trong năm 2020 và những năm tiếp theo.
Nhiều tác phẩm sau khi được xuất bản như Mưa đỏ (Chu Lai), Xóm Chợ (Nguyễn Hiền Lương), Làng Ba Họ (Hoàng Giá), Dòng đời và chiến trận (Phùng Phương Quý), Đời bão (Đoàn Ngọc Minh), Những dấu chân qua (Nguyễn Ngọc Yến)... đã được trao các giải thưởng về văn học nghệ thuật của Trung ương và địa phương.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.