Chuyện: Tết đến, xuân về là dịp các làng quê Việt Nam đua nhau mở hội. Làng mở hội nhỏ thì một ngày, lớn thì hai, ba hay nhiều ngày. Ngày trước, nhất là những năm được mùa, làng vui không sao kể xiết.
Giống như các lễ hội truyền thống, hội làng bao gồm phần lễ và phần hội, song phần hội thường nổi trội hơn. Lễ thể hiện sự tôn kính, ngưỡng vọng của con cháu hôm nay đối với tiên tổ và các bậc anh hùng có công với nước; hội thể hiện các sinh hoạt văn hóa đa dạng và phong phú, như múa hát, diễn xướng tích trò dân gian, thi tài...
Hội làng cũng là dịp khích lệ lòng tự hào dân tộc, hướng con cháu nhớ về quê hương đất nước cũng như giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn. Theo thống kê, cả nước có hàng nghìn hội làng được tổ chức quanh năm suốt tháng.
Câu hỏi đặt ra: Hội làng như một mạch ngầm chảy mãi làm bừng lên sức sống, bản sắc của người Việt. Không chỉ đối với người Việt, hội làng còn có ý nghĩa với rất nhiều du khách nước ngoài bởi đây là một hình thức sinh hoạt cộng đồng có một không hai. Hầu như người nước ngoài nào đến Việt Nam đều bị cuốn hút bởi các lễ, trò đặc sắc trong các lễ hội làng.
Hội làng không chỉ là hình ảnh của một làng quê mà còn góp phần tạo nên diện mạo văn hóa một dân tộc. Tuy nhiên, cùng với thời gian, hội làng đã và đang bị mai một đi nhiều khi ngày một bị "thương mại hóa", "biến tướng"... với nhiều tệ nạn mới.
Khôi phục hội làng, với đúng bản sắc, nguyên gốc của nó liệu có còn là công việc dễ dàng?
Điều này chưa ai dám chắc, ngay cả các nhà nghiên cứu văn hóa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.