(HNM) - Năm học 2014 - 2015 ghi dấu mốc quan trọng đối với Trường Trung cấp Nông nghiệp Hà Nội khi được nâng cấp, đổi tên thành Trường Cao đẳng Công nghệ và Môi trường Hà Nội. Đây là niềm mong đợi của nhiều thế hệ cán bộ, giáo viên của trường, là bước ngoặt lớn trên chặng đường hơn 50 năm
Vẻ vang một chặng đường
Trường Trung cấp Nông nghiệp Hà Nội thành lập tháng 12-1961, tiền thân sáp nhập từ Trường Công nhân cơ khí nông nghiệp (NN), Trung cấp Quản lý kinh tế NN và Trung cấp Thủy lợi Hà Nội. Nhiệm vụ chính của nhà trường là đào tạo nguồn nhân lực cho nông nghiệp - nông thôn ở nhiều mảng lĩnh vực, ngoài ra còn triển khai bồi dưỡng ngắn hạn và liên kết đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng KHCN.
Mô hình Trường CĐ Công nghệ và Môi trường Hà Nội. |
Hơn 50 năm xây dựng và phát triển, đến nay, ngoài trụ sở chính rộng 1,7ha ở số 30 phố Vũ Hữu (Thanh Xuân), nhà trường còn phát triển 2 khu thực hành (ở Mỹ Đình và Tây Mỗ) với tổng diện tích gần 30ha, gồm phòng thí nghiệm vi sinh, vật lý, môi trường; khu thực nghiệm động vật, thực vật; khu bảo quản, chế biến sản phẩm sau thu hoạch; xưởng cơ khí; khu chăn nuôi, trồng trọt; khu thực nghiệm cây ăn quả; khu dịch vụ sinh thái… So với nhiều cơ sở đào tạo khác, đây là một cơ ngơi đáng nể và đặc biệt hữu ích, thiết thực cho học sinh trong việc gắn "học" với "hành", vừa có thể thực học, thực nghiệm, nghiên cứu và ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, tăng hiệu quả sản xuất.
Từ năm 1986 đến nay là giai đoạn đánh dấu bước chuyển mạnh trong quá trình xây dựng và phát triển của trường, mà nền tảng là văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (12-1986), trong đó nhấn mạnh vị trí đặc biệt quan trọng của sản xuất NN, coi NN là mặt trận hàng đầu quyết định đường lối đổi mới toàn diện đất nước. Quán triệt Nghị quyết của Đảng, tập thể nhà trường đã tích cực chủ động, đổi mới tư duy, đổi mới phong cách làm việc, đổi mới phương pháp dạy học, tập trung đào tạo chuyên sâu nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo, đáp ứng yêu cầu giai đoạn mới.
Quy mô học sinh (HS) và địa bàn đào tạo của trường ngày càng mở rộng, chất lượng đào tạo có bước chuyển biến mạnh. HS ra trường được các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp đánh giá cao về năng lực chuyên môn và phẩm chất đạo đức. Đến nay, chỉ tính riêng hệ trung cấp, mỗi năm trường đào tạo khoảng 800-1.000 HS. Tỷ lệ HS tìm được việc làm sau một năm tốt nghiệp đạt 50%, trong đó các ngành như: trồng trọt, chăn nuôi, quản lý đất đai đạt tới 80%.
Tự tin bước tiếp
Với những cống hiến trong sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực NN nông thôn cho Thủ đô và các vùng lân cận, nhà trường đã được tặng nhiều phần thưởng cao quý, trong đó có Huân chương Độc lập hạng Ba; Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; nhiều năm được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Cờ thi đua, Bằng khen tập thể lao động xuất sắc của thành phố… Đây không chỉ là sự ghi nhận đối với thành quả đào tạo, mà còn là nền tảng để nhà trường tự tin đảm nhận trách nhiệm nặng nề giai đoạn mới, khẳng định vị thế của mình trong hệ thống các trường đào tạo nghề của Thủ đô và đất nước.
Ông Hoàng Đức Khiêm - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Việc được nâng cấp thành Trường Cao đẳng Công nghệ và Môi trường Hà Nội là niềm mong mỏi của tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường gần chục năm qua, vì vậy đã đồng lòng, quyết tâm thực hiện bằng những bước đi vững chắc, có mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về chất lượng nguồn nhân lực. Khi được hỏi, có khi nào cảm thấy ngần ngại vì mảng lĩnh vực ít "thời thượng" này hay không, Hiệu trưởng nhà trường tự tin khẳng định: NN Việt Nam đang trong quá trình xây dựng nông thôn mới với hơn 70% người dân lao động ở lĩnh vực này, thì một trong những điều kiện để phát triển kinh tế ổn định, bền vững, không có con đường nào khác ngoài việc đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học vào NN. Đây cũng chính là kim chỉ nam cho sự đầu tư, phát triển của trường nhiều thế hệ qua.
Trong hành trình sắp tới, tập thể nhà trường quyết tâm xây dựng trường thành trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ chất lượng cao; mở rộng số chuyên ngành đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, gắn đào tạo với sản xuất một số sản phẩm hàng hóa có giá trị mang thương hiệu của trường. Đây cũng sẽ là địa chỉ đào tạo đa cấp, đa ngành tin cậy để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô và các tỉnh lân cận. Năm học tới, ngoài 9 chuyên ngành đào tạo hệ trung cấp, nhà trường mở 4 chuyên ngành hệ cao đẳng gồm: Dịch vụ thú y, bảo vệ thực vật, kế toán và quản lý đất đai. Việc mở rộng cơ ngơi đào tạo, thực nghiệm được coi là một trong những giải pháp trọng tâm, là niềm mong mỏi của tập thể nhà trường nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo trong bối cảnh mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.