(HNM) - Đúng 6h30 phút sáng hôm qua (1-8), kỳ họp lần thứ 34 của Ủy ban Di sản thế giới (thuộc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc - UNESCO) tại Brasilia, Thủ đô nước Brazil đã thông qua nghị quyết chính thức công nhận Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long là Di sản văn hóa thế giới.
Đây là sự kiện đặc biệt có ý nghĩa đối với đất nước Việt Nam nói chung cũng như đối với Thủ đô Hà Nội nói riêng. Và niềm vui, lòng tự hào về sự kiện quan trọng này càng nhân lên gấp bội khi Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội chỉ còn cách đúng 70 ngày nữa.
Trong hệ thống các danh hiệu của UNESCO, Di sản thế giới là danh hiệu danh giá nhất và lâu đời nhất. Từ năm 2006, Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long đã được bảo vệ nghiêm ngặt, xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Tiếp đó, với sự nỗ lực, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Hà Nội và các cơ quan chức năng của Trung ương, sự vào cuộc tận tình, tâm huyết, đầy trách nhiệm của các nhà khoa học trong nước và quốc tế, hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long là Di sản văn hóa thế giới đã khẩn trương được hoàn chỉnh và chính thức đệ trình lên cơ quan này từ tháng 1-2009.
Những di tích về kiến trúc, khảo cổ trên mặt đất và trong lòng đất tại Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long (bao gồm Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu và Thành cổ Hà Nội) là minh chứng đặc sắc về quá trình giao lưu văn hóa lâu dài, là nơi tiếp nhận nhiều ảnh hưởng văn hóa bên ngoài, nhiều học thuyết, tư tưởng có giá trị toàn cầu của văn minh nhân loại để tạo dựng nên những nét sáng tạo độc đáo của một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của một quốc gia vùng châu thổ sông Hồng. Đồng thời đây cũng chính là bằng chứng của việc giao thoa văn hóa và tiếp thu, dung hợp những giá trị nhân văn và văn hóa của các nước trong khu vực và thế giới...
Với người dân nước Việt, đặc biệt là với người dân Hà Nội tầm quan trọng của khu vực Hoàng thành Thăng Long đã được khẳng định trong suốt chiều dài lịch sử của mảnh đất nghìn năm tuổi. Và chúng ta tự hào khi tiếp thu những thành quả mà tổ tiên để lại, tiếp tục bồi đắp và xây dựng giá trị của Hà Nội, giá trị của Thủ đô nước Việt đang phát triển mạnh mẽ để hội nhập với châu lục và thế giới.
Nay, niềm tự hào đó không còn thuộc trong khuôn khổ đất nước hình chữ S bên bờ biển Đông, mà đó là niềm tự hào của toàn nhân loại. Để công nhận Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long là Di sản văn hóa thế giới, trong hơn một năm rưỡi vừa qua, UNESCO đã tiến hành hàng loạt các quy trình thẩm định chặt chẽ của cơ quan tư vấn ICOMOS (Hội đồng Quốc tế về Di tích và Di chỉ) trước khi được Ủy ban Di sản thế giới (gồm 21 nước thành viên) chính thức thông qua. Giá trị nổi bật mang tính toàn cầu của Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long đã được UNESCO ghi nhận bởi 3 đặc điểm quan trọng, đó là chiều dài lịch sử văn hóa; tính liên tục của tài sản với tư cách là một trung tâm quyền lực và các tầng di tích, di vật đa dạng, phong phú...
Với tư cách là một Di sản văn hóa thế giới, giá trị của Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long đã được khẳng định. Cùng với niềm tự hào của cả quốc gia, nhiệm vụ và trách nhiệm của các cấp chính quyền và từng người dân Hà Nội giờ đây càng nặng nề hơn khi gánh vác việc quản lý, bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị của di sản. Những giá trị này còn lại cho tới ngày hôm nay là mồ hôi, công sức, thậm chí cả xương máu của bao thế hệ đi trước. Sở hữu những giá trị đã được cả thế giới công nhận là vinh dự cho thế hệ hôm nay, song kế thừa, gìn giữ để di sản trở thành tài sản cho những thế hệ sau này hiểu về truyền thống lịch sử, văn hóa của đất nước Việt Nam, về Thủ đô có bề dày nghìn năm tuổi là trách nhiệm của từng người phải được thể hiện bằng những hành động, việc làm cụ thể và trước hết phải đối xử với di sản văn hóa của nhân loại bằng một thái độ văn hóa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.