Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Tứ hải giao tình": Cuộc gặp gỡ giữa nhạc truyền thống và pop

Yên Nga| 31/12/2015 10:01

(HNMO) - Những nghệ sĩ gắn bó với âm nhạc truyền thống ở Hà Nội như Phạm Thị Huệ, Phạm Thị Mận, Mai Tuyết Hoa, Nguyễn Quang Long, Giáng Son, Khôi Minh cùng kết hợp trong đêm nhạc

Ca sĩ Khôi Minh (tên thật là Nguyễn Mạnh Hà, phóng viên văn nghệ của Báo Tiền phong) chia sẻ rằng, gần đây, anh có mấy người bạn ở nước ngoài về, tha thiết muốn nghe âm nhạc cổ truyền Việt Nam, được gặp gỡ các nghệ sĩ còn giữ nghề và phát triển chúng. Thế là, anh cùng với những nghệ sĩ từ giáo phường ca trù Thăng Long, nhóm xẩm Hà Thành có ý định thực hiện đêm nhạc.

Nhiều người biết Phạm Thị Huệ của giáo phường ca trù Thăng Long hay Mai Tuyết Hoa, Nguyễn Quang Long của nhóm xẩm Hà Thành, và cả nhạc sĩ Giáng Son nữa, đều được đào tạo tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Vì vậy, ngoài khả năng chơi cổ nhạc, họ còn có thể biến tấu, kết hợp nhạc mới rất nhuần nhuyễn. Mỗi lần xuất hiện, họ luôn khiến khán giả ngạc nhiên, thích thú với nhạc truyền thống từ những sáng tạo của mình. Và chương trình này cũng vậy.


Ở đêm nhạc này, khán giả sẽ được thưởng thức âm sắc dân gian Việt Nam từ đầu tới cuối. Phần cổ nhạc gồm những tiết mục mà các nghệ sĩ từ giáo phường ca trù Thăng Long và nhóm xẩm Hà Thành đã mất rất nhiều công sức và thời gian để sưu tầm, phục hồi theo nguyên bản. Chẳng hạn như "Hát Chúc hỗ", "Múa bỏ bộ", "Tỳ bà hành" trong ca trù, "Giăng sáng vườn chè", "Dứa dại không gai", "Quyết chí tu thân" ở xẩm. Nhóm xẩm Hà Thành cũng sẽ mang đến những bài xẩm đặt thơ mới dựa trên những làn điệu cổ, như "Quê choa"… để khán giả ngày nay thấy gần gũi hơn.

Đặc sắc nhất có lẽ là phần biểu diễn những ca khúc nhạc pop mang âm hưởng truyền thống theo nhiều cách chuyển thể và phối khác nhau, mang đậm dấu ấn tìm tòi của ca sĩ Khôi Minh. Cách nay chừng 5 năm, còn nhớ, ca sĩ Khôi Minh kết hợp với nghệ sĩ Phạm Thị Huệ thể hiện ca khúc "Chiều phủ Tây Hồ" của nhạc sĩ Phú Quang dựa trên nền nhạc ca trù, đem tới biểu diễn ở nhiều đình tại Hà Nội, được khán giả chú ý. Sau đó, họ tiếp tục kết hợp thể hiện bài "Độc huyền cầm" của Trần Tiến. Tuy nhiên, ca khúc này chưa được biết đến rộng rãi, trừ một lần diễn cho cố GS Trần Văn Khê nghe, được ông động viên. Gần đây nhất, hai người lại cùng thực hiện bài "Mái đình làng biển" của Nguyễn Cường.

"Trước đây, nghệ thuật truyền thống thường được làm mới để dễ tiếp cận với khán giả hơn bằng cách biến tấu, pha trộn với các thể loại âm nhạc hiện đại, lần này thì chúng tôi làm ngược lại. Ca khúc dân gian đương đại được chuyển hoàn toàn thành thể hát nói của ca trù, chỉ lấy một vài nét gốc để gợi và dẫn dắt khán giả nhớ về nó", nghệ sĩ Phạm Thị Huệ, người chuyển soạn ca khúc "Mái đình làng biển" nói.

Tiết mục sẽ lần đầu tiên được công diễn với sự tham gia biểu diễn của nghệ sĩ Phạm Thị Huệ (đàn tỳ bà), ca nương Phạm Thị Mận (hát), Nguyễn Văn Tuyến (đàn), Khôi Minh (vocal), Đoàn Văn Hựu (trống chầu) và một số ca nương của giáo phường ca trù Thăng Long. Bên cạnh đó, khán giả còn được thưởng thức một số sáng tác nổi tiếng mang âm hưởng dân gian đương đại như "Cũng sẽ chìm trôi" (Trịnh Công Sơn), "Tiếng Việt " (Nguyễn Lê Tâm), "Giấc mơ trưa" (Giáng Son).

Đêm nhạc "Tứ hải giao tình" sẽ dành 30% số tiền bán vé để hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn qua "Vòng tay mẹ" - chương trình do các nhà báo và các nghệ sĩ tâm huyết lập ra, chuyên tổ chức các sự kiện nghệ thuật nhằm gây quỹ từ thiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Tứ hải giao tình": Cuộc gặp gỡ giữa nhạc truyền thống và pop

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.