(HNM) - Chỉ trong chưa đầy một tuần (từ ngày 25-9 đến 29-9) các tỉnh ven biển của nước ta đã phải gồng mình chống dồn dập ba cơn bão, cơn trước chưa qua, cơn sau đã tới với cường độ mạnh hơn.
Hiện tượng bất thường của thiên nhiên trải rộng lên cả ba miền Bắc - Trung - Nam. Theo các nhà khí tượng Việt Nam, đây là một hiện tượng hiếm gặp. Đến hôm nay, bão số 6 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, nhưng vẫn đủ sức gây ra những trận mưa lớn kéo theo vô vàn hệ lụy.
Ngay từ đầu năm, các nhà khí tượng đã cảnh báo: Năm 2011 sẽ là năm rất phức tạp trong việc đối phó với diễn biến bất thường của thời tiết và biến đổi khí hậu. Trong khi đó, với điều kiện kỹ thuật, công nghệ như hiện nay, nhân loại vẫn chưa thể dự báo được những hiện tượng nguy hiểm như lũ quét, mưa lớn cục bộ, dông, tố lốc. Và thực tế đã chứng minh điều đó.
Hiện tượng lũ lớn và liên tục ít xảy ra trong lịch sử. Những năm trước, tại khu vực miền Trung, mỗi năm chỉ một đến hai tỉnh bị bão lũ làm ngập nặng. Nhưng đến thời điểm này, mọi quy luật của thời tiết gần như đã bị phá vỡ. Bão hình thành liên tục cùng sức tàn phá lớn của mưa lũ không chỉ nhấn chìm khúc ruột miền Trung, mà còn quét đổ hàng chục nghìn hécta lúa mùa ở Đồng bằng Bắc bộ, gây lũ quét làm sạt lở nhiều nơi tại Quảng Ninh. Rồi những cơn lũ lớn chưa từng có trong mấy thập niên gần đây đang đổ về đầu nguồn sông Cửu Long, hàng ngàn hécta lúa đã ngập chìm dưới nước, nhiều nông dân trắng tay trong nợ nần. Chưa kể thủy triều bị thay đổi chế độ, làm cho TP Hồ Chí Minh ứ nước sông, phố phường ngập lụt.
Biến đổi khí hậu đã tác động mạnh mẽ, thế nhưng trong tư duy của nhiều người, đó chỉ là con "ngáo ộp" núp sau cảnh báo nước biển dâng. Thậm chí, không ít người còn tỏ ra thờ ơ, bởi mỗi năm nước chỉ dâng lên 1cm - còn lâu mới đến "nhà mình", rồi mãi đến năm 2050, biến đổi khí hậu mới tác động đến Đồng bằng sông Cửu Long… Đó là lối tư duy "cháy nhà hàng xóm, bình chân như vại". Cái giá phải trả cho lối tư duy đó không thể cân đong, đo đếm…
Cùng với những biến đổi bất thường của thời tiết là những tác động chủ quan của con người đối với thiên nhiên. Bao nhiêu năm qua, người dân Đồng bằng sông Cửu Long đã quen "sống chung với lũ". Nước về thau rửa ruộng đồng, bồi đắp phù sa, cho tôm, cho cá… Thế rồi cùng với khát vọng chinh phục thiên nhiên, người dân Nam bộ đã tìm cách ngăn lũ, kiểm soát lũ để có thể làm thêm một vụ lúa thứ ba trong năm, tạo những mùa vàng mới. Mươi năm về trước, một hệ thống đê bao khép kín dài hàng trăm cây số đã được dựng lên để bảo vệ những cánh đồng cò bay thẳng cánh. Có điều, lúc đó không mấy người tính đến những biến đổi bất thường của thời tiết sẽ đẩy lũ lên những đỉnh mới.
Theo một số chuyên gia của ngành khí tượng, tính chất và diễn biến lũ năm nay khác với năm 2000. Lúc đó chưa có hệ thống đê bao nên lũ lớn tràn cả đồng bằng, năm nay hệ thống đê bao khép kín, dòng lũ chảy mạnh theo sông ngòi. Sau 10 năm Đồng bằng sông Cửu Long chưa có lũ lớn, hệ thống đê bao không được gia cố để chống lũ. Do vậy khi bão lớn, mưa to ở vùng đầu nguồn, nước lớn tràn về, nhiều đoạn trong hệ thống đê bao không đủ sức chống đỡ, bị lũ nhấn chìm.
Đối mặt với thiên tai phía trước, không thể không nghĩ tới hiểm họa kép là sự bất thường của thời tiết và sự chủ quan của mỗi con người với lối tư duy "cháy nhà hàng xóm"… trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu. Để chống lại tác động của biến đổi khí hậu, trước hết phải thay đổi tư duy của cả cộng đồng, của những người có trách nhiệm với xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.