(HNM) - Đầu năm 2010, hai cuộc khai quật quy mô được triển khai tại di chỉ Đình Tràng và Thành Dền nhằm có thêm những hiện vật quý phục vụ cho việc trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Dẫu chỉ là công việc tiếp nối những lần khai quật trước nhưng qua hiện vật tìm thấy ở đây cho thấy Đình Tràng, Thành Dền vẫn ẩn chứa nhiều điều kỳ thú.
Các nhà khảo cổ đang xem xét các hiện vật tìm được tại Thành Dền. |
Với diện tích hố đào hơn 300m2 và là lần khai quật thứ bảy trong vòng 40 năm trở lại đây, di chỉ Đình Tràng (xã Dục Tú, huyện Đông Anh) đã phát lộ cả bốn tầng văn hóa của nền văn minh sông Hồng: Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun và Đông Sơn. Các chuyên gia cho rằng đây là điều hiếm gặp và chỉ được phát hiện lần thứ hai tại Việt Nam, trước đó là ở di chỉ Đồng Đậu (Vĩnh Phúc).
Tại Đình Tràng, một hệ thống lò nung kim loại quy mô lớn gồm 45 bếp lò bố trí dày đặc theo hướng Tây bắc - Đông nam, niên đại từ 3.500 đến 4.000 năm đã được tìm thấy. Bếp được đắp bằng đất nhưng bên trong được gia cố bằng một hệ thống tre đan thành khung. Cách sắp xếp cũng như số lượng bếp lò cho thấy đây chính là một công xưởng đúc đồng rèn đúc vũ khí của cư dân Việt cổ. Ngoài ra, ở tầng văn hóa sâu nhất (Phùng Nguyên), các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều đồ đá, gốm tinh xảo. Tiêu biểu nhất trong số này là những mảnh gốm có hình con rùa đang bơi, điều hiếm gặp ở các di chỉ khảo cổ tại miền Bắc. Những vũ khí tìm thấy qua các lần khai quật như mũi giáo, mũi tên, rìu chiến đồng... với nhiều hình dáng đã đưa đến nhận định, khu vực Đình Tràng thời An Dương Vương còn là nơi diễn ra các cuộc chiến đấu để bảo vệ Loa Thành.
Tại Đình Tràng, các chuyên gia của Viện Khảo cổ học đã tìm thấy một số ngôi mộ táng thời Phùng Nguyên, trong đó có một ngôi hài cốt còn khá nguyên vẹn. Trao đổi với báo giới, PGS-TS Nguyễn Lân Cường (Hội Khảo cổ học Việt Nam) cho biết: "Ngôi mộ là của một phụ nữ khoảng 30-35 tuổi. Căn cứ vào văn hoa gốm, vết thổ hoàng và đặc biệt là tục nhổ răng để làm đẹp chỉ có trong văn hóa Phùng Nguyên, đây chắc chắn là một ngôi mộ táng có niên đại hơn 4.000 năm. Ngôi mộ được bảo toàn đến ngày nay bởi người xưa đã chôn sâu vào lớp đất sinh thổ, dân gian vẫn gọi là đất cái, vi khuẩn không thể xâm hại". Ngoài ra, đợt khai quật lần này còn tìm thấy 10 ngôi mộ cổ thuộc nhiều tầng văn hóa khác nhau, giúp ích cho việc nghiên cứu nhân chủng học về thời kỳ này.
Trong khi đó, cuộc khai quật lần thứ bảy với diện tích 300m2 tại Thành Dền (xã Tự Lập, Mê Linh) tìm thấy rất nhiều hạt thóc bảo toàn nguyên vẹn, trong đó có hơn 10 hạt đã nảy mầm và đang phát triển tốt. Nếu chứng minh được đây là hạt thóc có tuổi đời hơn 3.000 năm thì đó sẽ là một sự kiện chấn động làng khảo cổ học thế giới.
Khá tương đồng với di chỉ Đình Tràng, Thành Dền cũng phát lộ nhiều hiện vật của bốn tầng văn hóa gồm: Phùng Nguyên muộn, Đồng Đậu, Gò Mun sớm và Bắc thuộc sớm. Kết quả thêm một lần khẳng định Thành Dền là một trong những trung tâm chế tác đồng lớn của người Việt cổ. Chứng cứ về sự phát triển của nghề đúc đồng thể hiện ở các mẩu xỉ đồng xuất hiện rất nhiều và phân bố ở hầu hết ba khu vực khai quật, ở tất cả lớp đất, kể cả lớp đất sâu. Đặc biệt, chất liệu đồng tìm thấy không bị oxy hóa nhiều, cho thấy trình độ luyện kim của người Thành Dền rất phát triển với những hiểu biết về luyện kim đồng, pha chế hợp kim.
PGS-TS Lâm Thị Mỹ Dung - người chủ trì cuộc khai quật Thành Dền cho biết: Lần khai quật này cũng tìm thấy nhiều hiện vật độc đáo như đục bằng đồng 1,5x0,5cm có niên đại văn hóa Đồng Đậu dùng trong chế tác gỗ tinh xảo; đồ trang sức bằng đá, mảnh xỉ đồng được cho là lớn nhất Việt Nam thời tiền sử. Ngoài ra, cuộc khai quật cũng giúp xác định cụ thể hơn dấu tích của lớp văn hóa thế kỷ IX-X thông qua gạch, gốm và đồ kim loại. Trong 2 hố khai quật cũng đã phát hiện 3 mảnh gốm Islam có nguồn gốc Trung Cận Đông niên đại thế kỷ IX-X... Điều này cho thấy những mối quan hệ thương mại của người Việt thời trung cổ với thế giới thời bấy giờ.
Không có được tiếng vang lớn như những lần khai quật tại Cổ Loa, 18 Hoàng Diệu nhưng những gì tìm thấy tại Thành Dền, Đình Tràng thêm minh chứng khẳng định về việc Thăng Long - Hà Nội đã từng là trung tâm, nơi hội tụ nhiều nền văn hóa từ hàng nghìn năm trước. Những di vật này sẽ góp phần làm phong phú thêm kho tàng hiện vật được trưng bày của Bảo tàng Hà Nội nhân Đại lễ 1000 năm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.