(HNM) - Khi vua Minh Mạng tiến hành cải cách hành chính, chia lại tỉnh, Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, thuộc về tỉnh Hà Nội...
Nghệ nhân khảm trai. |
Charles Thomas de Saint Phalle (1701-1766), một giáo sỹ Pháp, tới Đàng Ngoài (miền Bắc hiện nay) năm 1732 và sống ở Thăng Long 8 năm. Sau một thời gian học tiếng Việt, Charles Thomas nói trôi chảy nên giao tiếp thoải mái với người dân. Ông chịu khó đi và quan sát rồi ghi chép rất nhiều về xứ Đàng Ngoài. Trong bản tường trình lên quan Chưởng ấn Silhouette, ông cho rằng các công ty Pháp có thể buôn bán và trao đổi các mặt hàng mà An Nam khá dồi dào gồm tơ lụa, sơn, chè, khảm trai... Về khảm trai, ông viết "đó là thứ sản phẩm tuyệt vời". Như vậy, sản phẩm khảm trai chắc chắn đã bán ở Thăng Long trước khi Charles Thomas đến đây, tuy nhiên ông lại không biết xuất xứ của các sản phẩm này.
Tương truyền, vào thời Lý, ở phường Ngọ thuộc Chuyên Mỹ, huyện Quảng Nguyên, kinh thành Thăng Long, có vị tướng là Trương Công Thành. Ông được cử đi bình Chiêm và sau khi chiến thắng trở về, ông xin phép ngao du thắng cảnh; khi đến bãi sông, bãi biển thấy vỏ trai, vỏ ốc bị mưa gió bào mòn lớp vỏ bên ngoài lộ ra phần lõi nhiều màu sắc óng ánh rất đẹp. Thấy lạ, ông chọn một số mảnh mang về chơi. Là người có hoa tay, ông mày mò cưa cắt và ghép các mảnh trai ốc nhiều màu sắc đó thành hình hoa, lá khiến nhiều người ngạc nhiên và không ngớt lời ca ngợi. Khi về thăm quê, ông cho dân làng xem và dạy cho họ cách làm, nghề khảm trai xuất hiện ở Chuôn Ngọ từ đó. Để tưởng nhớ công ơn của vị tướng đã mang nghề về cho quê hương, dân Chuôn Ngọ tôn ông làm thành hoàng làng, thờ ông trong đình. Cho đến hôm nay, dân Chuyên Mỹ lấy ngày sinh mùng 9 tháng Giêng và ngày mất mùng 9 tháng Tám của ông làm ngày giỗ tổ.
Thế nhưng trong vài cuốn sách và các bài viết của một số tác giả người Pháp cuối thế kỷ XIX lại cho rằng, nghề khảm xà cừ du nhập từ Trung Hoa hoặc từ Trung kỳ lan ra. Sự thực là thế nào? Trong cuốn "Xứ Đông thuộc Pháp - Những kỷ niệm" xuất bản ở Paris năm 1905, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer (1897-1902) khẳng định "Tủ chè, đồ gỗ nhỏ khảm xà cừ thật sự được chú ý và nổi tiếng ở vùng Viễn đông. Những thợ khảm Trung Hoa ở Quảng Châu hình như đã học tập nghệ thuật của người An Nam nhưng tài nghệ còn kém xa". Còn trong lời nói đầu của bản hương ước làng Chuôn Trung xã Chuyên Mỹ thì "Thời Nguyễn, nhiều tốp thợ của làng đã vào làm cho cung đình Huế và cụ Phạm Văn Xiêm đã được vua nhà Nguyễn phong chức Cửu phẩm". Sự nhầm lẫn của các tác giả Pháp có lẽ do họ nhìn thấy bàn ghế, hoành phi, câu đối, khay đựng chén trà... trong cung đình Huế được khảm trai nên cho rằng người Trung kỳ đã làm ra nó. Tương tự, họ cũng nhìn thấy nhiều bức tranh khảm thể hiện các tích truyện của Trung Hoa, không tìm hiểu kỹ đã vội vã đưa ra nhận định không đúng.
Nhưng Thăng Long - Hà Nội cũng có nghề khảm trai. Tại làng Cựu Lâu (nay là khu vực phố Tràng Tiền) từng có đình thờ thành hoàng là Nguyễn Kim (đình này đã bị phá khi thực dân Pháp xây khu nhượng địa Đồn Thủy năm 1876), người được cho là ông tổ nghề khảm trai đất Thăng Long - Hà Nội vào đời vua Lê Hiển Tông (1740-1768). Theo dân gian, Nguyễn Kim là dân thuyền chài quê Thuận Nghĩa - Thanh Hóa và trong một lần đi đánh cá thấy vỏ trai có màu sắc ánh lên đã mang về gắn lên gỗ, sau đó ra Chuyên Mỹ dạy cách làm cho dân chúng vùng này. Và cuối cùng thì mang ra Thăng Long. Căn cứ vào tài liệu của Charles Thomas, dân gian đã nói không đúng về Nguyễn Kim vì trước khi Nguyễn Kim ra Thăng Long thì dân Kẻ Chợ đã bán sản phẩm khảm trai rồi. Tuy nhiên, truyền thuyết về Trương Công Thành và Nguyễn Kim có điểm chung là đều nhắc đến Chuyên Mỹ. Nhưng thợ khảm trai ở Cự Lâu có phải là người Chuyên Mỹ?
Bản đồ Hà Nội do Phạm Đình Bách vẽ năm 1873 không có phố Hàng Khảm hay Thợ Khảm dù thời kỳ này ở các thôn Cựu Lâu, Thị Vật, Vũ Thạch (Hàng Khay và một phần phố Hai Bà Trưng) đầu phố Tràng Thi hiện nay có nhiều thợ làm khảm trai. Họ sản xuất khay, hộp, tranh khảm... rồi bày bán trước nhà. Audré Masson, tác giả cuốn "Hà Nội giai đoạn 1873-1888" viết "Từ năm 1873 đến 1883, nghề khảm trai và hàng thêu rất phát đạt vì binh lính và nhân viên người Pháp tham gia xây dựng các công trình trong khu Đồn Thủy mua rất nhiều". Bản đồ vẽ năm 1883 của trung úy Launay thấy có tên phố Thợ Khảm (Rue des Incrusteurs), phố này bắt đầu từ Đồn Thủy kéo dài ra đến tận Cửa Nam ngày nay. Launay đặt tên Thợ Khảm vì có quá nhiều gia đình làm nghề khảm trên trục đường này. Song người Hà Nội lại không gọi là phố Thợ Khảm mà gọi là Hàng Khay như một sự tiếp nối các phố bắt đầu từ chữ hàng đã có từ lâu. Sở dĩ họ gọi như vậy vì tất cả đồ nghề của thợ khảm từ cưa, đục nhỏ, dũa, mảnh trai đã mài, sơn... tất cả đều để trong khay gỗ. Sau khi Thợ Khảm được mở rộng, lát vỉa hè, nó được đặt tên chính thức là Paul Bert (trú sứ Pháp tại Hà Nội chết ngày 11-11-1886 vì kiết lỵ) vào ngày 20-11-1886. Phố Paul Bert bắt đầu từ vị trí Nhà hát Lớn đến đầu phố Gia Long (bao gồm Tràng Tiền và Hàng Khay hiện nay). Nhân sự kiện này, hào mục làng Vũ Thạch là Bá Hộ Kim tặng 2 biển tên phố được khảm trai trên vóc bằng chữ Pháp và Hán. Ngày 9-7-1887,chính quyền đã cho treo ở đầu phố và cuối phố, đây là biển tên phố đầu tiên ở Hà Nội. Tên phố Paul Bert tồn tại cho đến tháng 7-1945 khi bác sỹ Trần Văn Lai lên làm thị trưởng, ông đã cho đổi tên đoạn từ Nhà hát Lớn đến phố Hàng Bài là phố Tràng Tiền và đoạn từ phố Hàng Bài đến đầu Bà Triệu là phố Hàng Khay.
Vì bề ngang của đường và vỉa hè lên đến 20 mét nên dân khảm trai làng Cựu Lâu, đặc biệt là vài chục cửa hàng ven Hồ Gươm thuộc làng Thị Vật và Vũ Thạch bị giải tỏa. Còn bên số chẵn phố Paul Bert, người Pháp và người Hoa nhảy vào mua đất mở cửa hàng, bán hàng hóa nhập khẩu từ phương Tây. Dân Thợ Khảm buộc phải đi nơi khác, có người thì trở về quê sản xuất theo đơn đặt hàng. Trong cuốn "Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX", phần về làng Vũ Thạch đầu thế kỷ XX, Nguyễn Văn Uẩn viết: "Đoạn đầu phố Gia Long còn sót lại một số dân gốc làng Vũ Thạch. Di tích còn lại là ngôi đình. Những ngôi nhà bên số chẵn từ số 2 đến số 10, số 24 và 28 là nhà của người làng Chuôn vẫn giữ nghề, làm và bán đồ khảm. Nhiều người làng Chuôn bị mất đất đã trở về quê tiếp tục làm theo đơn đặt hàng của các chủ cửa hàng bán đồ lưu niệm". Như vậy, có thể khẳng định thợ khảm ở Hàng Khay xưa là người Chuyên Mỹ. Ông Vũ Mạnh Hùng, năm nay đã ngoài 60 tuổi, người làng Chuôn Trung (xã Chuyên Mỹ) kể rằng, trước năm 1954, cha ông có cơ sở khảm trai ở phố Huế. Cũng theo ông Hùng, trước năm 1954 "các cụ đã sang tận Singapore bán hàng và mua nguyên liệu từ đây chuyển về Việt Nam".
Chuyên Mỹ là xã rộng về diện tích, đông về dân. Hiện, cả 7 thôn của xã đều có nghề khảm trai cho ra đủ các loại sản phẩm từ: sập gụ, tủ chè, tranh khảm, khay, đến các đồ lưu niệm xinh xắn như hộp đựng danh thiếp. Dù xã hội có đổi thay thì mạch ngầm thương mại vẫn cứ âm thầm chảy, thế nên suốt thời kỳ bao cấp và cho đến hôm nay rất nhiều cửa hàng mỹ nghệ ở phố Hàng Khay vẫn là nơi bán các sản phẩm khảm trai tinh xảo của Chuyên Mỹ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.