(HNM) - Tuần này, thông tin Hà Nội sẽ phá bỏ ba cây cầu vượt mới xây dựng chưa lâu ở ba điểm nút giao thông quan trọng để phục vụ một dự án giao thông khác khiến nhiều người thảng thốt, dư luận xôn xao. Ngay sau đó, TP Hà Nội cũng như các đơn vị liên quan đã sớm có khẳng định chính thức phủ nhận thông tin này, giải tỏa mối hoài nghi trong dư luận.
Nhưng có thể thấy sau "sự kiện" này chúng ta có thêm nhiều bài học đáng giá. Điều đầu tiên phải nói đến chính là "thông tin". Chỉ từ một quan điểm tham khảo tại một cuộc hội thảo, tác giả nhận định nếu xây dựng đường bộ trên cao dọc tuyến Vành đai 2, Vành đai 3 thì có thể phải phá 3 cầu vượt Mai Dịch, Ngã Tư Sở và Ngã Tư Vọng. Thông tin này được một số báo trích dẫn và bình luận như thể 3 cây cầu vượt đã nằm trong kế hoạch phá bỏ. Nhiều trang thông tin điện tử đưa ra các tít khẳng định đến lạnh lùng như "Hà Nội sẽ phá ba cây cầu vượt nghìn tỷ mới xây"; "Phá ba cầu vượt xây đường trên cao sẽ rẻ hơn"; "Đề xuất phá ba cây cầu vượt vừa xây"... Tam sao thất bản. Từ một ý kiến nhỏ đã được "dư luận" thổi lên thành sự kiện gây hoang mang trong nhân dân, khiến không ít người hiểu lầm là UBND TP Hà Nội có chủ trương hoặc đã dự tính giải pháp phá bỏ 3 cây cầu vượt này. Đây quả là bài học rất lớn về truyền thông.
Trở lại câu chuyện khởi đầu là việc triển khai các dự án giao thông mới ở Hà Nội. Lúc này sẽ là chủ quan để bàn tính việc có đập bỏ 3 cầu vượt hay không khi mà còn chưa có những nghiên cứu khả thi. Có điều, sau "sự cố thông tin" này cũng đặt ra một vấn đề về quy hoạch và dự án, không chỉ ở Hà Nội mà cả với các địa phương khác. Tình trạng dự án chồng dự án là tồn tại thực tế. Ông Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội, cho rằng không chỉ cầu vượt mà tình trạng này có ở nhiều lĩnh vực giao thông, đô thị. Thực trạng một tuyến đường, một nút giao thông đang có từ 2 đến 3 dự án chồng chéo và kéo lùi tiến độ của nhau là chuyện phổ biến.
Ngoài ra, còn một yếu tố cũng không kém phần quan trọng. Đó là việc ứng xử trong từng tình huống cụ thể. Khi quy hoạch chưa thống nhất, chúng ta phải đứng trước nhiều lựa chọn, thì sự chồng lấn là không thể tránh khỏi. Vấn đề là trong từng tình huống cơ quan hữu trách sẽ giải quyết ra sao.
Xét cho cùng, cũng thật khó để nói rằng việc phải phá đi ba cây cầu kia là không thể chấp nhận được. Trong một giai đoạn lịch sử nào đó, những dự án (các cây cầu) trên là phù hợp, đáp ứng được những tiêu chí, tiêu chuẩn cũng như những đòi hỏi nhất định của xã hội. Vì thế, có lẽ chúng ta cũng không nên vội vàng phản bác ý tưởng "phá" nói trên của chuyên gia nào đó. Tức là khi chúng ta bắt buộc phải làm một dự án mới qua các nút giao thông nói trên thì mọi khả năng, mọi phương án đều cần thiết được cân nhắc. Đặt giả thiết, chọn giải pháp nút "ba tầng" thì với khoảng cách ngắn giữa hai nút Ngã Tư Sở và Ngã Tư Vọng mà có liên tiếp hai đoạn "chạy vút lên cao" có lẽ cũng chưa ổn, nhất là về thẩm mỹ và hiệu quả giao thông. Thế nhưng thực tế, trên thế giới chuyện nút 3-4 tầng cũng chẳng có gì lạ. Hay tại các điểm giao cắt này có thể thực hiện ba cách là: vượt lên trên, đi ngầm xuống dưới hoặc phá bỏ. Giả dụ, cách phá bỏ lại tiết kiệm nhất, hiệu quả nhất, bảo đảm mỹ quan nhất thì sao? Có nghĩa rằng, dù là phương án nào thì cũng phải được tính toán cụ thể, đập bỏ thì hết bao nhiêu tiền, không đập thì hết bao nhiêu, giải pháp kỹ thuật nào dễ thi công hơn, có hiệu quả xã hội hơn.
Chính vì thế, vấn đề của chúng ta lúc này không phải là nặng lời chỉ trích hay đánh giá gây nhiễu, mà là cùng tìm giải pháp tối ưu với những gì đang và có thể sẽ có.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.