Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tự chủ tuyển sinh: Có chắc là bước tiến?

Quỳnh Phạm| 26/04/2011 06:50

(HNM) - Tự chủ tuyển sinh không phải là ý tưởng mới mẻ, đã manh nha vài năm gần đây khi hình thức thi "3 chung" (chung đề, chung đợt, chung kết quả xét tuyển) bộc lộ một số bất cập. Tuy nhiên, vấn đề này vừa được xới xáo một cách sôi nổi khi công tác tuyển sinh vào mùa.

"3 chung " và những được - mất

Mặc dù đã giao cho 6 trường ĐH xây dựng các phương án tự chủ tuyển sinh để Bộ GD-ĐT tham khảo, song Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga vẫn khẳng định, phương án "3 chung" được áp dụng từ 10 năm nay ngày càng thể hiện tính ưu việt và có rất nhiều lợi thế. Kỳ thi ĐH trở nên đơn giản hơn với một đề thi chung của Bộ cho các trường để xếp loại học sinh trên một nền kiến thức. Các trường đỡ được gánh nặng ra đề thi, nếu các trường tự tổ chức thì sẽ phải có rất nhiều đợt thi tuyển. Trước ý kiến cho rằng "3 chung" khiến cho nhiều trường gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh, không tuyển đủ chỉ tiêu, một số ngành học đóng cửa vì không có thí sinh, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng, đánh giá như vậy là không khách quan. Việc tuyển không đủ chỉ tiêu còn phụ thuộc vào nhiều vấn đề khác chứ không chỉ là "3 chung". Nhiều trường có uy tín nhưng ngành nghề đó không tạo được sức hút bởi học sinh có xu hướng chọn ngành dễ kiếm được việc làm.

Thí sinh xem thông tin tuyển sinh tại Trường ĐH Xây dựng. Ảnh: Khánh Nguyên

Điểm yếu dễ nhận thấy của "3 chung" là sức ép đối với xã hội, với thí sinh khi tập trung thi trong 2 đợt. Nhiều trường, nhất là những trường thuộc "nhóm trên" thì phàn nàn rằng, việc áp dụng một đề thi chung khiến cho việc phân loại học sinh khó khăn. Hiệu trưởng Bùi Thiện Dụ của Trường ĐH Dân lập Phương Đông cho rằng: Điểm dở nhất của phương án "3 chung" là đã mang cả triệu học sinh lên một cái cân và lựa chọn các thí sinh vào ĐH, CĐ rồi trung cấp theo thước đo chung ấy.

Không thể cào bằng

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Xã hội, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, GS Đào Trọng Thi cũng khẳng định: Phương án "3 chung" có một số điểm tốt nhưng cái mất nhiều hơn, khi việc tuyển sinh không có đặc trưng gì của ĐH, mà ĐH lại rất đa dạng về ngành nghề, về nhu cầu cũng như chất lượng.

Kèm theo yêu cầu bỏ "3 chung", nhiều nhà quản lý giáo dục muốn bỏ quy định về điểm sàn cũng như chỉ tiêu tuyển sinh. Điều này được đại diện Bộ GD-ĐT khẳng định là khó thực hiện bởi sẽ không bảo đảm được chất lượng đầu vào. Nhưng theo GS Trần Phương, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, không có lý luận nào chứng minh phải hạn chế chỉ tiêu mới bảo đảm chất lượng đào tạo. Chất lượng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như hệ thống thư viện, máy tính, ký túc xá cho SV... Hơn nữa, sự khống chế chỉ tiêu kìm hãm phát triển nhân lực của các vùng khó khăn khi thí sinh ở các vùng này rất khó đạt được điểm sàn.

Nhìn vào trường công lập, lại càng không nên hạn chế chỉ tiêu bởi năng lực của các trường công lập rất lớn, giảng viên trường công được quy định số giờ giảng thấp, thường đi thỉnh giảng cho các trường tư, GS Trần Phương nói. Việc khống chế chỉ tiêu như hiện nay là một sự lãng phí lớn cả về cơ sở vật chất lẫn đội ngũ giảng viên. Hiệu trưởng Trường Dân lập Phương Đông Bùi Thiện Dụ cũng đồng quan điểm: Nên để các trường tự biết lấy học sinh nào, ở mức độ nào, chọn bao nhiêu môn thi để phù hợp với ngành đào tạo.

Trao đổi bên lề hội nghị góp ý cho Luật Giáo dục đại học vừa được tổ chức vào tuần qua, GS Đào Trọng Thi cũng cho rằng phải tiến nhanh tới việc giao quyền tự chủ tuyển sinh để các trường tuyển được học sinh có năng lực, đáp ứng với yêu cầu cụ thể của từng ngành học vốn rất đa dạng. Ủng hộ quyền tự quyết tuyển sinh của các trường nhưng theo GS Đào Trọng Thi, vẫn nên sử dụng những gì tốt đẹp của "3 chung". Ví dụ, các trường có thể tự nguyện dùng đề thi chung của nhóm trường chứ không dùng đề thi chung cấp quốc gia nữa. Ngoài ra, các trường cũng nên được lựa chọn thời điểm tuyển sinh thích hợp thay vì buộc phải tổ chức thi vào một đợt, một ngày nhất định.

Có quan điểm rằng "chúng ta tôn trọng quyền tự quyết của các trường, nhưng không phải các trường đều tự lực làm được tất cả mọi việc. Đó là 2 vấn đề khác hẳn nhau. Không thể áp dụng tự chủ như nhau cho mọi trường mà phải căn cứ vào vị trí, năng lực của trường đó". Điều đó cho thấy, nếu có giao quyền tự chủ trong tuyển sinh thì vẫn nên làm thí điểm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tự chủ tuyển sinh: Có chắc là bước tiến?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.