Theo dõi Báo Hànộimới trên

Từ “chiếm giữ” đến “đóng cửa” phố Wall

Kim Phượng| 25/11/2011 06:51

(HNM) - Ngày 17-11, tròn hai tháng kể từ ngày bùng nổ phong trào "Chiếm lấy Phố Wall", những người biểu tình tại thành phố New York, Mỹ đã phát động một chiến dịch mới, đổi tên thành "Đóng cửa phố Wall".

Đây là làn sóng biểu tình mới trên toàn nước Mỹ, tiếp tục phản đối chính sách đã và đang mang lại lợi ích cho thiểu số 1% giới chủ ngân hàng và tầng lớp thượng lưu, trong khi gánh nặng nợ lại do người đóng thuế Mỹ phải trả. Ngày 17-11 vừa qua được coi là "Ngày hành động" phản kháng rầm rộ nhất với đỉnh điểm là các cuộc mít tinh và tuần hành quy mô lớn trên các đường phố và xe điện ngầm khắp tất cả 5 quận của thành phố New York.

Người biểu tình giương cao khẩu hiệu tại trung tâm tài chính của thành phố Chicago, Mỹ.

Biểu tình còn đồng loạt diễn ra ở nhiều thành phố và thủ đô của nước Mỹ. Những người biểu tình hưởng ứng phong trào "Chiếm lấy phố Wall" đã đặt chân đến thủ đô Washington DC để phản đối chính sách cắt giảm thuế dành cho người giàu dưới thời Tổng thống Bush sau đúng hai tuần đi bộ. Những người biểu tình cho rằng, chính sách này chỉ có lợi cho người giàu có. Bắt đầu rời Công viên Zuccotti ở New York, đoàn biểu tình đã đi bộ vượt chặng đường dài 370km qua các bang: Pennsylvania, Delaware và Maryland để đến thủ đô Washington DC, sớm hơn một ngày so với dự kiến và đặt lều trại gần tòa nhà Quốc hội Mỹ. Sáng 23-11, (giờ địa phương), các thành viên biểu tình cho biết: Sở Y tế thành phố Washington đã thông báo với họ rằng, có dấu hiệu bệnh lao đang tồn tại ở khu vực cắm trại của những người biểu tình "Chiếm Washington", nên Sở Y tế đang xem xét giải tán các lán trại ở đây.

Sức lan tỏa, sự phát triển của phong trào biểu tình "Chiếm lấy Phố Wall" khiến nhiều người phải ngạc nhiên. Khi gần 100 người dân Mỹ có mặt trước Sở Giao dịch chứng khoán New York (ngày 17-9) để phản đối bất công trong hệ thống tài chính Mỹ và những khó khăn mà người Mỹ đang trải qua, ít ai nghĩ rằng, sau hai tháng, phong trào "Chiếm lấy Phố Wall" đã lan rộng ra khắp thế giới và bùng phát thành một cuộc cách mạng làm rung chuyển nhận thức của nhân loại về sự công bằng xã hội. Lý tưởng phản đối sự bất công, chênh lệch giàu nghèo... của những người khởi xướng phong trào "Chiếm lấy Phố Wall" đã lôi cuốn thêm nhiều tầng lớp nhân dân, tổ chức công đoàn, tổ chức xã hội tham gia. Được sự tiếp sức của đông đảo người dân Mỹ, phong trào "Chiếm lấy Phố Wall" đã có thêm động lực để tiến thêm bước mới là "Đóng cửa Phố Wall" như tuyên ngôn của những người biểu tình: "Chúng tôi sẽ không nhổ trại cho tới khi đóng được cửa Phố Wall". Và như thế, những đánh giá ban đầu cho rằng cuộc biểu tình tự phát với vài chục người tham gia này sẽ nhanh chóng tan biến trong ngồn ngộn công việc và sự kiện diễn ra mỗi ngày tại quốc gia giàu mạnh nhất thế giới đã hoàn toàn sai lầm.

Thực tế, sự thất vọng của người dân Mỹ nói riêng và công chúng tại những nước mà phong trào "Chiếm lấy Phố Wall" đang diễn ra không tự nhiên mà bùng phát. Nó đã âm ỉ từ khi cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 xảy ra. Khi đó, nhiều người dân phải thắt lưng buộc bụng, tiếp tục thất nghiệp ngày một nhiều hơn. Họ phải thắt chặt hầu bao của mình để đóng thuế cho việc giải cứu các ngân hàng lớn, trong khi các chương trình y tế và phúc lợi xã hội thì ngày càng tệ hơn trong hàng thập kỷ qua. Những gói cứu trợ tài chính từ tiền thuế của người dân đã cứu các ngân hàng, và các ông chủ giàu có trong hệ thống tài chính này vẫn tiếp tục giàu lên trong quá trình suy thoái.

Trong khi đó, lượng người thất nghiệp gia tăng, khoảng cách giàu nghèo cũng gia tăng đã chứng minh rằng họ là nạn nhân của những chính sách bất công. Rõ ràng, chính sự tham lam của những người được xem là thuộc lớp người giàu có nhất nước Mỹ này đã gây ra cuộc khủng hoảng song người phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất lại là những người nghèo.

Hiện chưa rõ kết cục phong trào "Chiếm lấy Phố Wall" sẽ diễn tiến đến đâu, nhưng theo nhiều nhà phân tích, phong trào này đang đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử nước Mỹ. Hơn thế, "Chiếm lấy Phố Wall" không còn là câu chuyện riêng của nước Mỹ mà nó đã thực sự là tiếng chuông cảnh tỉnh nhiều nước trên thế giới về bộ mặt thật của giới tư bản tài chính cũng như mô hình phát triển theo chủ nghĩa tư bản. "Chiếm lấy Phố Wall" mang những thông điệp căn bản của xã hội. Đó là chấm dứt sự tham lam của các nhà tài phiệt, là tăng thuế người giàu, là việc làm cho người lao động. Đó là những vấn đề mà dù ở nền văn hóa nào, dù tôn giáo khác nhau, rất nhiều quốc gia trên thế giới đều đang phải đối mặt.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Từ “chiếm giữ” đến “đóng cửa” phố Wall

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.