Ở Berlin, cả thế giới đã nhìn anh nâng cao chiếc Cúp vàng cao quý. Ở Paris, cả thế giới sẽ lại được thấy anh nâng cao một danh hiệu khác, QBV châu Âu.
Ở Berlin, cả thế giới đã nhìn anh nâng cao chiếc Cúp vàng cao quý. Ở Paris, cả thế giới sẽ lại được thấy anh nâng cao một danh hiệu khác, QBV châu Âu.
Hãy gọi anh là "Cannavoro"!
Đừng gọi anh là Cannavaro, vì cái tên đó không còn hợp với trung vệ xuất sắc nhất thế giới vào thời điểm hiện nay nữa. Hãy gọi anh là Cannavoro, một sự kết hợp giữa Cannavaro và Oro (vàng).
4 tháng sau ngày nâng cao chiếc Cúp vàng thế giới ở Berlin, Cannavaro sẽ có cơ hội nâng cao quả bóng vàng châu Âu ở Paris.
Sau Omar Sivori (1961) là Gianni Rivera (1969), sau Paolo Rossi là Roberto Baggio (1993) và bây giờ là Fabio Cannavoro (hãy cứ gọi anh như thế). Trong một năm mà Calcio gặp quá nhiều nỗi đau bởi vụ Calciopoli, Italia đã VĐTG bằng những trái tim sắt đá (ai có thể làm được thế khi mà những án phạt đang treo lơ lửng trên đầu?) và Cannavoro giành QBV.
Trước Cannavoro, đã có hai hậu vệ được trao tặng danh hiệu cao quý này là Frank Beckenbauer và Matthias Sammer, nhưng cả hai đều là người Đức. Italia từng có những bậc thầy về phòng ngự như cố chủ tịch Inter Facchetti, Baresi, Maldini,… nhưng đây mới là lần đầu tiên một “đặc sản” của Catenaccio được tôn vinh.
Sivori là một “khẩu đại bác” trước khung thành đối phương. Rivera là một nghệ sĩ với đôi chân ma thuật, người sinh ra để chiến thắng. Rossi là đơn giản nhưng hiệu quả. Baggio mang những gì lãng mạn và thơ mộng nhất đến với Calcio. Còn với Cannavoro, những hậu vệ không chỉ là chiến binh mà còn có thể trở thành nghệ sĩ sân cỏ.
Ở Berlin, Cannavoro chơi trọn 7 trận đấu của Azzurri với số phút xuất hiện trên sân kỷ lục: 723 phút. Sự có mặt của Cannavoro đã biến hàng phòng ngự Italia trở thành một bức tường thành thực sự. Tại World Cup, không một tiền đạo nào xuyên qua được bức tường này, ngoại trừ một… hậu vệ Italia (Zaccardo) và một pha đóng kịch của Malouda đem lại quả penalty cho Pháp.
Với Cannavoro và Azzurri, phòng ngự không phải là kéo tất cả các cầu thủ về để “đóng đinh” trước khung thành như người ta vẫn làm, mà nó được nâng cao lên thành một thứ nghệ thuật. Để nghệ thuật đó tạo ra được những tuyệt tác, cần phải có được cái đầu lạnh và tinh thần chiến đấu không biết mệt mỏi.
Không giành được danh hiệu “cầu thủ xuất sắc nhất World Cup 2006” đã là một bất công với Cannavoro sau những gì anh thể hiện ở nước Đức. QBV như một sự đền bù cho những gì người đội trưởng của Azzurri đã cống hiến, đã mang lại cho người hâm mộ trên khắp thế giới cũng như các tifosi cuồng nhiệt.
Những gì Calcio đã và đang trải qua đã khiến những trái tim của các tifosi nhói đau. Chiến thằng của Azzurri, và bây giờ là Cannavoro đã mang lại những nụ cười và niềm hạnh phúc vô bờ. Dù Cannavoro không còn ở Serie A, vì anh đã rời con tàu đắm Juve từ mùa Hè qua, nhưng chiến thắng này sẽ mở ra tương lai mới cho Calcio, một tương lai đầy những màu hồng!
Giấc mơ thành hiện thực
Khi Maradona đưa Napoli lên đỉnh cao Serie A lần đầu tiên vào năm 1987, Fabio Cannavaro chỉ là cái tên trong trường đào tạo của đội bóng thành phố cảng miền Nam Italia và công việc chủ yếu của anh là nhặt bóng cho các bậc đàn anh. Lúc ấy, cậu bé Fabio ước mơ sẽ có một ngày mình cũng được nâng cao chiếc khiên ba màu.
Khi Italia thất bại tại VCK World Cup 1990 ngay trên sân nhà, Fabio cũng có mặt trên sân San Paolo và nhiệm vụ của anh vẫn chỉ là nhặt bóng cho các bậc đàn anh. Với những mộng mơ của một cầu thủ trẻ, Fabio mơ đến ngày cùng Italia nâng cao chiếc Cúp vàng, phần thưởng cho đội bóng xuất sắc nhất thế giới.
Khi Baggio trở thành cầu thủ Italia thứ 4 giành được danh hiệu QBV châu Âu vào năm 1993, Fabio mới chỉ xuất hiện trong đội hình lớn của Napoli được 1 năm. Lần này, cầu thủ trẻ của Napoli mơ đến một ngày được chạm tay vào danh hiệu cao quý đó.
Phải đến khi Cannavaro đến với Juve anh mới được tận hưởng niềm vui khi cầm trong tay chiếc khiên 3 màu (Scudetto). Nhưng hai danh hiệu anh giành được cùng Juve đã bị tước sau vụ scandal Calcipoli. Rồi đến tuổi 33, hai giấc mơ sau của Cannavaro mới trở thành hiện thực sau rất nhiều nỗ lực và nước mắt.
Cái tuổi 33 đã khiến rất nhiều cầu thủ nghĩ đến việc treo giày để chăm sóc gia đình. Nhưng Cannavaro thì chưa, vì Daniela, vợ anh, cùng ba đứa con Christian, Martina và Andrea vẫn luôn ủng hộ anh. Cannavaro vẫn còn muốn chinh phục danh hiệu còn thiếu trong bộ sưu tập của mình: chức VĐ Champions League, danh hiệu mà anh đã không thể có cùng Inter và Juve.
Sau 105 trận trong màu áo Azzurri, một cột mốc khác mà Cannavaro đang hướng tới: vượt qua đàn anh Maldini (126 lần) về số lần khoác áo ĐTQG. Trước hết, Fabio cần vượt qua người thầy của anh ở Azzurri tại EURO 2000, Dino Zoff. Chỉ còn 7 trận nữa thôi mà Cannavaro thì chưa phải là đã già ở tuổi 33.
Napoli nổi tiếng vì những khu ổ chuột, trộm cắp và chết chóc giữa ban ngày, một thế giới nằm dưới quyền kiểm soát của mafia. Nhưng không thể phủ nhận Napoli vẫn còn có những vẻ đẹp đầy lãng mạn, cổ kính và huyền bí. Napoli không chỉ có đặc sản Pizza nổi tiếng khắp thế giới mà còn có “đặc sản” mang tên Cannavoro!
Theo VNN
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.