Cách tính lương hưu của quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu sẽ được điều chỉnh theo Luật Bảo hiểm xã hội mới với lộ trình thực hiện nguyên tắc bình đẳng với các đối tượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội khác.
(Ảnh chỉ mang tính minh hoạ. Nguồn: PV/Vietnam+) |
Đây là nội dung của Nghị định 33/2016/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một sô điêu của Luật Bảo hiễm xã hội về bảo hiểm xã hội băt buộc đối với quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân bắt đầu có hiệu lực từ 26/6 tới.
Tăng thời gian tương ứng tỷ lệ hưởng lương hưu
Nghị đinh 33/CP cũng quy định lộ trình tăng dần thời gian đóng bảo hiểm xã hội để đạt tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa đối với quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu. Quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tiến tới đủ 30 năm đối với nữ và 35 năm đối với nam thì đạt tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa 75%.
Từ ngày 1/1/2016 đến ngày 1/1/2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ, mức tối đa bằng 75%.
Từ ngày 1/1/2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội được tính theo lộ trình: Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm; lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm. Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
Mốc tuổi tính chế độ nghỉ hưu trước tuổi
Mốc tuổi để tính số năm nghỉ hưu trước tuổi làm cơ sở tính giảm tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu được xác định lấy mốc tuổi để tính là đủ 55 tuổi đối với nam và đủ 50 tuổi đối với nữ nếu làm việc trong điều kiện bình thường.
Đối với người làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục nghề, công việc do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên thì lấy mốc tuổi để tính là đủ 50 tuổi đối với nam và đủ 45 tuổi đối với nữ.
Trường hợp hồ sơ của người lao động không xác định được ngày, tháng sinh thì lấy ngày 1/1 của năm sinh để tính tuổi làm cơ sở tính số năm nghỉ hưu trước tuổi.
Tỷ lệ giảm trừ do nghỉ hưu trước tuổi tăng từ 1% lên 2% tương ứng với mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi theo Luật Bảo hiểm xã hội mới. Trường hợp tuổi nghỉ hưu có thời gian lẻ đến đủ 06 tháng thì mức giảm là 1%.
Bình đẳng trong tính lương hưu
Cũng như các đối tượng người lao động khác, Nghị định 33 cũng xây dựng lộ trình tiến tới việc tính bình quân tiền lương, tiền công cả quá trình đóng bảo hiểm xã hội đối với lao động là quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu như những người lao động trong khu vực ngoài nhà nước.
Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu, trợ cấp một lần được quy định như sau:
Quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trước ngày 1/1/1995 thì tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 5 năm cuối trước khi nghỉ hưu hoặc phục viên, xuất ngũ, thôi việc.
Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/1995 đến ngày 31/12/2000, tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 6 năm cuối trước khi nghỉ hưu hoặc phục viên, xuất ngũ, thôi việc.
Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2001 đến ngày 3/12/2006 thì tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 8 năm cuối trước khi nghỉ hưu hoặc phục viên, xuất ngũ, thôi việc.
Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2007 đến ngày 31/12/2015, tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 10 năm cuối trước khỉ nghỉ hưu hoặc phục viên, xuất ngũ, thôi việc.
Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/ 2016 đến ngày 31/12/ 2019, tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 15 năm cuối trước khi nghỉ hưu hoặc phục viên, xuất ngũ, thôi việc.
Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2020 đến ngày 31/12/ 2024 thì tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 20 năm cuối trước khi nghỉ hưu;
Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 1/1/2025 trở đi, tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.