Theo dõi Báo Hànộimới trên

Truyền thông: Đúng, đủ - tưởng dễ mà khó

Phương Nam| 08/05/2011 04:27

(HNM) - Thời gian gần đây lại rộ lên ý kiến xung quanh những clip (đoạn phim) nữ sinh đánh nhau, nữ sinh "lột đồ"… (xin gọi tắt là clip đen) tung lên mạng. Đó có thể coi là một thứ bệnh nhưng lại chiếm vị trí "hot" về mặt truyền thông. Bên cạnh vấn đề về đạo đức của một bộ phận giới trẻ, còn một khía cạnh khác ít được đề cập tới, đó là truyền thông có góp phần lan truyền clip đen?

1. "Góc nhạy cảm" của truyền thông

Đã có nhiều tổ chức phi chính phủ về chăm sóc bảo vệ trẻ em từng tổ chức tọa đàm về tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục và trách nhiệm của giới truyền thông. Việc truyền thông góp phần lan truyền rộng rãi một cách quá chi tiết, rõ tính "giật gân, câu khách" về các trường hợp đau lòng này chẳng khác nào một lần nữa xâm hại trẻ. Đưa thế nào là vừa đủ mà vô tình hay hữu ý tiếp tay lan truyền những hình ảnh tệ hại?

Việc truyền thông có vai trò quan trọng, giúp cho học sinh định hình lối sống. 
Ảnh: Thái Hiền

Các tờ báo in, báo điện tử, báo hình… nằm trong hệ thống báo chí Việt Nam (có giấy phép hoạt động báo chí do Nhà nước cấp) giữ dòng truyền thông chủ lưu và có sức ảnh hưởng lớn tới dư luận. Nhưng, đáng tiếc, như một nhà báo nhận định là: "Chỉ cần "râm ran" đâu đó trên các blog cá nhân là có một clip đen, thế là xuất hiện cả một cuộc chạy đua nước rút của nhiều tờ báo, nhất là báo điện tử để tìm ngay ra clip đó, đưa lên trang báo của mình. "Tác phẩm" lên mạng rồi tiếp tục được cư dân mạng truy cập, tải về trang cá nhân hay chuyển tiếp đến các trang cá nhân khác".

Có gì đáng vui khi tin được đọc nhiều nhất là tin có hình ảnh "sống" cảnh nữ sinh đánh nhau dã man, nữ sinh lột đồ, cảnh "chuyện ấy" của nam - nữ sinh…? Sự thật trần trụi được phơi bày, kéo theo hàng loạt bài viết đi tìm nhân chứng, vật chứng, thủ phạm… với đường link dẫn đến clip đen để minh họa… Cũng có báo in, ngoài đưa tin còn trích vài cảnh "nóng" nhất hay "bạo lực" nhất trong clip đen để bày trên mặt báo.

Không quá khắt khe khi nói rằng: chính cách thức truyền thông nói trên đã góp phần thỏa mãn cái thú "được nổi tiếng" theo lối tự hủy hoại mình của một bộ phận giới trẻ. Góc nhạy cảm của truyền thông là ở đây: Lan truyền điều tốt đẹp để hạn chế điều xấu sẽ tốt hơn, hiệu quả hơn là lan truyền cái xấu dù là để cảnh báo. Đưa tin kiểu "giật gân, câu khách" có thể không gây "chết người" ngay, nhưng nó sẽ gặm nhấm dần chính hình ảnh của đơn vị truyền thông và ảnh hưởng tiêu cực tới giới trẻ.

2. Luật pháp và đạo đức

Trong Điều 10 của Luật Xuất bản - Những hành vi bị cấm trong hoạt động xuất bản, ở khoản 2 có ghi rõ: "…kích động bạo lực; truyền bá tư tưởng phản động, lối sống dâm ô, đồi trụy, hành vi tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục". Trong Điều 10 của Luật Báo chí - Những điều không được thông tin trên báo chí, ở khoản 2 cũng ghi rõ: "Không được kích động bạo lực (…) kích động dâm ô, đồi trụy, tội ác". Nếu chiểu theo quy định này, rõ ràng việc các báo điện tử đưa lại các clip đen là hành vi rất gần với những điều bị cấm nói trên. Vô tình hay cố tình phạm luật? Có phải vì thời buổi có sự cạnh tranh khốc liệt về thông tin, kể cả cạnh tranh độc giả (ngay cả trong một tòa báo giữa báo in và báo mạng) mà những dạng tin về clip đen trở thành tin "hot"?

Cuốn "Cẩm nang đạo đức báo chí" do Bộ Thông tin và Truyền thông và Đại sứ quán Thụy Điển ấn hành (GS-TS Tạ Ngọc Tấn và PGS-TS Đinh Thị Thúy Hằng biên soạn) đã nêu và phân tích một tình huống thông tin về các vấn đề tội phạm xã hội. Xử lý tình huống này, cuốn sách nêu rõ: "Báo chí cần phản ánh các vụ việc, hành động bạo lực xảy ra hằng ngày…, nhưng vấn đề là đưa với liều lượng, cách thức như thế nào cho phù hợp với văn hóa tiếp nhận thông tin của độc giả và yêu cầu giáo dục về con người". Cuốn sách nhấn mạnh: "Đưa tít và nội dung giật gân, các chi tiết miêu tả hành động rùng rợn để câu khách không những vi phạm quy định của Luật Báo chí mà còn gây phản cảm với độc giả".

Việc đưa công khai hình ảnh, clip đen lên mạng được một bộ phận giới trẻ lợi dụng làm phương tiện nhân rộng những hành vi tệ hại của mình và đó quả là điều khó chấp nhận. Càng khó chấp nhận hơn khi truyền thông sa đà vào đề tài đó, lợi dụng nó để "câu bạn đọc, bất kể hệ lụy sau đó đối với cá nhân có liên quan, nhất là người bị hại. Về điều đó, Tuyên ngôn các quy tắc nhà báo của Liên đoàn Nhà báo quốc tế nêu thế này: "Nhà báo phải nhận thức rõ nguy cơ khiến một số người sẽ bị phân biệt đối xử do báo chí gây ra…".

Những quy chuẩn đạo đức muốn thực hiện đòi hỏi phải có ý thức cao của người trong cuộc. Vì vậy, để các clip đen không bị "nhân rộng" vì sự "vô tư" của truyền thông nữa, có lẽ cần thêm một quy định cụ thể từ các nhà quản lý báo chí. Đưa tin về các vấn đề xã hội phải có liều lượng ra sao, như thế nào để bảo đảm thông tin đúng luật, đúng mực, không gây phản cảm và ảnh hưởng tới đạo đức, lối sống trong cộng đồng xã hội, nhất là với giới trẻ.

Câu hỏi này thực sự không khó trả lời!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Truyền thông: Đúng, đủ - tưởng dễ mà khó

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.