(HNM) - Những câu chuyện kể về con đường lập nghiệp trong đó có cả những sự rủi ro hoặc thất bại cay đắng đã được các doanh nhân trẻ chia sẻ với thanh niên, sinh viên TP Hải Phòng vào cuối tháng 4-2011.
Đây là nội dung cơ bản khóa huấn luyện, đào tạo khởi sự doanh nghiệp và lập nghiệp do Hội Doanh nhân trẻ phối hợp với Cổng tri thức Thánh Gióng thuộc Hội LHTN Việt Nam tổ chức nhằm truyền kinh nghiệm, kiến thức quản lý giúp thanh niên vươn lên làm giàu chính đáng.
"Ngày mai trời lại sáng"
Đây là câu nói của nhiều doanh nhân từng thất bại nhưng biết vượt qua khó khăn và trở thành chủ doanh nghiệp lớn chia sẻ với thanh niên, sinh viên TP Hải Phòng. Trong số 10 doanh nhân các tỉnh, thành phố như Hà Nam, Hải Phòng, Hà Nội, Thanh Hóa… nói chuyện với các bạn trẻ, thì hầu hết họ đều đã có ít nhất một lần thất bại trong kinh doanh, nhưng bằng mọi cách vượt qua khủng hoảng, vững chí, tự tin đi tiếp trên con đường lựa chọn.
Anh Đỗ Minh Phương, Công ty cổ phần Truyền thông Thương hiệu vàng (TP Hải Phòng), năm 26 tuổi đã từng thua lỗ hơn một tỷ đồng do không hiểu biết lĩnh vực kinh doanh, trắng tay và trở thành "con nợ". Khi còn đi học, anh Phương mơ ước được làm chủ một nhà hàng, vì thế sau khi tốt nghiệp đại học, anh đã huy động vốn của bạn bè, người thân để thuê đất, xây dựng nhà hàng, thuê đầu bếp. Thiếu kiến thức quản lý, thiếu mối quan hệ xã hội, hiểu biết về văn hóa ẩm thực hạn chế và không có kế hoạch chi tiết, đầu tư theo kiểu "ăn xổi ở thì", khiến anh Phương sụp đổ nhanh chóng ngay sau khi nhà hàng hoạt động được một năm. Sau nhiều năm suy ngẫm, tìm cơ hội, năm 2010, anh Phương được Công ty cổ phần Truyền thông thương hiệu vàng tuyển dụng. Rút kinh nghiệm vấp ngã, anh Phương chăm chỉ làm việc, có nhiều sáng kiến và nhanh chóng trở thành người quản lý của công ty.
Câu chuyện khởi nghiệp của anh Lê Vĩnh Sơn, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ TP Hà Nội, Tổng giám đốc Công ty cổ phần quốc tế Sơn Hà cũng lắm gian nan. Thời điểm đang là sinh viên, anh Sơn ao ước sẽ trở thành chủ một doanh nghiệp. Khi ra trường, không có tiền làm vốn mở cửa hàng kinh doanh, anh Sơn đã tích góp số tiền ít ỏi của gia đình, mua những mảnh tôn vụn ( bọc thùng đóng hàng của các gia đình có người thân ở nước ngoài gửi về Việt Nam) gò, hàn những vật dụng nhỏ gia đình, bán lấy tiền. Sau nhiều năm lăn lộn với nghề, nếm trải nhiều thất bại do không tìm hiểu kỹ thị trường, đối tác, huy động vốn… năm 1998 anh mới có cơ hội và thành lập doanh nghiệp. Anh Sơn cho biết: "Tôi thất bại nhiều hơn thành công, điều quan trọng là sau mỗi lần thất bại rút ra được điều gì cho bản thân".
Hai câu chuyện khởi sự doanh nghiệp trên giúp các bạn trẻ thấy rằng, không phải cứ có ý tưởng hoặc nhiều vốn là có thể làm giàu nhanh, mà phải cần có sự cọ xát thực tế, nâng cao năng lực của bản thân cũng như trau dồi kiến thức về doanh nghiệp, quản lý, kỹ năng giao tiếp và có sự ủng hộ của người thân, xã hội. Chỉ khi nào thanh niên có đủ tự tin, sự chín chắn từ suy nghĩ đến hành động, nhạy bén với thị trường, thời cuộc thì mới bắt đầu khởi sự doanh nghiệp, còn không hãy làm một người thợ giỏi, cần mẫn.
Vạn sự khởi đầu nan
Trong khóa huấn luyện, truyền đạt kinh nghiệm kinh doanh, rất nhiều sinh viên bày tỏ, học xong ra trường cũng muốn làm một cái gì đó, có thể bắt đầu từ một cửa hàng kinh doanh quần áo nhỏ, hay chung vốn để mở xưởng cơ khí… tuy nhiên họ đều rất lúng túng, không biết bắt đầu từ đâu? Nguyễn Mai Phượng, Phạm Trà My và Nguyễn Văn Thanh (Đại học Dân lập Hải Phòng) đều chung ý tưởng, tốt nghiệp sẽ cùng nhau mở một quán giải khát, nhưng trăn trở liệu có cạnh tranh được với các đối thủ khi mà vốn ít, kiến thức quản lý chỉ có trên lý thuyết?
Chia sẻ với các bạn trẻ, chị Thái Thị Thúy Hằng, Phó Giám đốc Công ty Tâm Việt Hà Nội, giảng viên dạy Elearning về Khởi sự doanh nghiệp và lập nghiệp của Hội LHTN Việt Nam cho rằng, muốn khởi nghiệp thành công thì trước hết mỗi bạn trẻ phải có quyết tâm, lòng dũng cảm và cả sự may mắn.
Còn theo Giáo sư Hà Tôn Vinh, giảng viên cao cấp Đại học Quốc gia Hà Nội, tất cả mọi quy trình đều phải học, tìm hiểu kỹ càng trước khi bắt tay vào thực hiện thì " không có việc gì là không làm được". Theo ông, có thể học mô hình kinh doanh của người đi trước, nhưng phải có phương pháp, hướng đi riêng biệt, tạo phong cách, dấu ấn riêng thì sẽ dễ thành công.
Bằng phương pháp vừa giảng lý thuyết, vừa chia sẻ kinh nghiệm thực tế, khóa huấn luyện, đào tạo khởi sự doanh nghiệp và lập nghiệp đã giúp hơn 1.000 thanh niên, sinh viên TP Hải Phòng nắm bắt kiến thức cơ bản về khởi sự và điều hành doanh nghiệp; mục tiêu, công việc và trách nhiệm của doanh nhân khi tham gia hoạt động kinh doanh; trình tự công việc cần thiết khi khởi tạo doanh nghiệp. Ngoài ra, các sinh viên còn được chia nhóm thảo luận, phân tích, lựa chọn cơ hội kinh doanh phù hợp với thực tế của bản thân, nhu cầu xã hội; xây dựng các tình huống như khủng hoảng tài chính, khách hàng phàn nàn… và cách xử lý ra sao; phương pháp marketing và khả năng bán hàng; tuyển chọn nhân sự...
Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHTN Việt Nam Nguyễn Mạnh Cường cho biết, từ năm 2009 đến nay, TƯ Hội LHTN Việt Nam, Hội Doanh nhân trẻ và Cổng thi thức Thánh Gióng đã tổ chức đào tạo trực tuyến về khởi sự doanh nghiệp và lập nghiệp cho hơn 11.000 thanh niên, sinh viên trong cả nước. Theo kế hoạch đến năm 2015, sẽ đào tạo thêm một vạn thanh niên, sinh viên bằng phương pháp trực quan và trực tuyến.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.