(HNM) - Ngày 24-3, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 20/2011/QĐ-TTg ban hành "Quy chế quản lý hoạt động truyền hình trả tiền" (gọi tắt là QĐ 20), chính thức có hiệu lực từ ngày 15-5-2011. Khoảng 50 đơn vị hoạt động và cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền (gồm cáp, truyền hình số, truyền hình theo công nghệ IPTV, Molbie TV…) và chừng 2,5 triệu thuê bao dịch vụ này sẽ chịu sự điều chỉnh của quy chế này.
Ưu tiên quản lý nội dung
Nếu lấy mốc năm 1997, khi Đài THVN chính thức cung cấp dịch vụ PayTV với 9 kênh chương trình truyền hình quốc tế và một kênh biên tập tiếng Việt thì tính đến nay, truyền hình trả tiền ở nước ta đã có một thập kỷ rưỡi phát triển. Một khoảng thời gian đủ "vỡ" ra nhiều điều, đòi hỏi tiến tới một giai đoạn phát triển quy củ hơn, đặc biệt là không theo kiểu "mạnh ai nấy đi", quên mất tính đặc thù của một loại hình dịch vụ có tính báo chí và xã hội rõ nét.
Cần xây dựng được một văn bản chính quy để quản lý và phát triển các kênh truyền hình trả tiền. |
QĐ 20 ra đời (thay thế QĐ số 79 năm 2002 về việc "Thu các chương trình truyền hình nước ngoài") không chỉ vì những "lình xình" liên quan đến sự cạnh tranh khốc liệt giữa các đơn vị dịch vụ PayTV gần đây, mà hơn hết là một yêu cầu thực tế nhằm phát triển loại hình dịch vụ đặc thù này với các loại hình truyền hình cáp, truyền hình kỹ thuật số mặt đất, truyền hình trực tiếp qua vệ tinh và truyền hình di động. Không chỉ quy định việc quản lý, cung cấp, sử dụng hạ tầng kỹ thuật dịch vụ truyền hình trả tiền, QĐ này sẽ quản lý cả về nội dung thông tin trên hệ thống PayTV tại nước ta…Nghĩa là, sẽ có hành lang cho một hướng đi đang trở thành xu thế chung của thế giới cũng như Việt Nam.
Giám đốc một Đài truyền hình địa phương, trả lời báo giới đã nói: "Bên cạnh chất lượng về hình ảnh, thì chất lượng về nội dung là rất quan trọng. Làm sao thông qua truyền hình trả tiền, các kênh trong và ngoài nước vẫn giữ được bản sắc văn hóa khi hội nhập, tiếp thu tinh hoa văn hóa của thế giới. Điều đó phụ thuộc vào trình độ và bản lĩnh của đội ngũ biên tập". Ông cũng khẳng định, "có hành lang về quản lý hoạt động truyền hình trả tiền thì cứ thế mà đi, đi đúng sẽ phát triển!".
Thực tế, mặc dù PayTV bùng nổ tại Việt Nam trong thời gian gần đây, song rõ ràng sự phát triển về số lượng đơn vị cung cấp dịch vụ, số lượng kênh sóng, số lượng chương trình…không phải lúc nào cũng tỷ lệ thuận với chất lượng. Những ì xèo về sự nghèo nàn của nội dung, chất lượng biên tập trên các kênh nước ngoài, đặc biệt là kênh thiếu nhi và cả chậm khắc phục sự cố…là có thật và vẫn xảy ra. Gần đây, khi Đài TH Việt Nam và Tập đoàn Canal+ của Pháp lập liên doanh, hình thành nên thương hiệu truyền hình trả tiền K+ với chất lượng được cam kết, thì ngay lập tức nảy sinh chuyện "có độc quyền hay không" gói dịch vụ liên quan tới các giải bóng đá lớn…
Những vấn đề cơ bản trên đã được đề cập khá toàn diện trong Quy chế ban hành tại QĐ 20. Liên quan tới PayTV, sẽ không chỉ có sự điều chỉnh theo Luật Báo chí mà còn có các luật khác liên quan như Luật Cạnh tranh, Luật Viễn thông…
Hợp tác để lớn mạnh
Truyền hình trả tiền ngày càng được nhiều người lựa chọn, chủ yếu là nhờ lợi thế về sự đa dạng trong nội dung, tiện ích sử dụng cũng như chất lượng cao nhờ áp dụng công nghệ tiên tiến… Song, trên thực tế, có những ý kiến cho rằng, truyền hình trả tiền mới chỉ dành cho một bộ phận người có thu nhập khá, cao. Còn một lượng lớn công chúng, do vị trí địa lý, điều kiện kinh tế nên chưa được tiếp cận với dịch vụ này.
Nếu như chỉ riêng tập đoàn Canal+ (Pháp) đã có hơn 10,6 triệu thuê bao PayTV (trên tổng số hơn 64 triệu dân), tức chiếm 1/6 dân số Pháp, thì 2,5 triệu thuê bao của tất cả đơn vị dịch vu PayTV, trên tổng số hơn 86 triệu dân ở nước ta quả là con số nhỏ bé. Điều đó cho thấy, để phát triển, truyền hình trả tiền phải tính tới một lượng lớn dân cư bằng cách tính toán mức phí vừa phải. Và đó mới chỉ là một trong số nhiều việc phải làm để gia tăng lượng thuê bao ở Việt Nam.
Trong quá trình phát triển dịch vụ truyền hình trả tiền vấn đề lớn là hợp tác để phát triển thay vì cạnh tranh khốc liệt kiểu "mạnh ai nấy đi". Ông Phạm Thái Hùng, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Truyền hình Cáp Việt Nam từng nói, "thị trường truyền hình trả tiền tại Việt Nam đang cạnh tranh ngày càng gay gắt. Đầu tư cho truyền hình trả tiền rất tốn kém. Nếu chỉ dựa vào nội lực, nhà cung cấp đơn lẻ khó có thể giữ vững được thị phần. Hợp tác toàn diện là một trong các giải pháp trong chiến lược phát triển thị trường của VCTV".
Hợp tác là cách tận dụng triệt để những lợi thế của nhau, vừa tránh đầu tư chồng chéo, lãng phí, vừa tránh tình trạng cạnh tranh không cần thiết…
Các thuê bao được quyền khiếu nại Quyền lợi và trách nhiệm của thuê bao được ghi trong hợp đồng dịch vụ, tuy nhiên với QĐ 20, các thuê bao có thêm "tay vịn" để trong những trường hợp "yếu thế" có thể bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Theo QĐ này, các đơn vị cung cấp phải công bố chất lượng dịch vụ, cũng như chịu sự thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng dịch vụ. Thuê bao được quyền yêu cầu đơn vị cung cấp dịch vụ cung cấp thông tin liên quan đến việc sử dụng dịch vụ cũng như khiếu nại về giá cước, chất lượng dịch vụ; được hoàn trả giá cước và bồi thường thiệt hại trực tiếp khác do lỗi của đơn vị cung cấp dịch vụ trong trường hợp dịch vụ không được cung cấp theo đúng hợp đồng, trừ một số trường hợp bất khả kháng đã được quy định trong hợp đồng. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.