Theo dõi Báo Hànộimới trên

Truyền hình thực tế: Vẫn còn trong mơ!

Hoàng Lân| 14/03/2012 15:11

(HNMO) – Như trong bài “Gameshow Việt: Nhàm chán và mất điểm” mà HNMO đã phân tích, nhiều gameshow trên truyền hình có tuổi thọ lâu đời đang trở nên “mất giá”.



Đài PTTH Hà Nội dường như là đơn vị mở đầu cho sự xuất hiện của những chương trình truyền hình thực tế khi mua bản quyền chương trình “Nào hãy mời tôi vào nhà” vào năm 2008, kế đến là một loạt chương trình như “Love bus” (Hành trình kết nối những trái tim)… Kể từ đó, hàng loạt chương trình mang tên “thực tế” ra mắt.

Nhưng những chương trình truyền hình thực tế thật sự gây ấn tượng mạnh với khán giả khi những gameshow giải trí “hot” vẫn đang thịnh hành ở các Đài truyền hình nước ngoài được lên sóng ở Việt Nam. Đó là “Thần tượng âm nhạc Việt Nam” (Vietnam Idol – bản quyền từ America’s Idol) và “Bước nhảy hòan vũ” (mua bản quyền chương trình “Dacing with the star” của Mỹ), “Vietnam’s next top Model“ (mua bản quyền từ America’s next top Model). Năm 2011 có thêm gameshow “Cặp đôi hoàn hảo” (mua bản quyền từ chương trình “Just the two of us” của Hàn Quốc). Đến năm 2012, sự ra mắt của gameshow “Tìm kiếm tài năng – VN’s Got Talent”, sắp tới là “The Voice”… đã khiến cho thực đơn trên truyền hình thêm phần phong phú.

Gameshow "Cặp đôi hoàn hảo" từng lùm xùm vì bị cho là có dàn dựng kết quả


Không thể phủ nhận những hiệu quả tích cực của các chương trình này mang lại, đó là đã kéo được người xem truyền hình chịu ngồi trước màn hình ti vi theo dõi hơn. Nhưng cũng vì yếu tố buộc phải làm cho chương trình hấp dẫn, nhiều gameshow buộc phải đẩy mạnh kịch tính, cao trào cho chương trình. Từ đó, yếu tố “dàn dựng” trong những chương trình mang danh “thực tế” càng lộ rõ.

Ngay cả ở nước ngoài, nhiều chương trình truyền hình thực tế đã bị “vạch trần” là có tính toán dàn dựng. Heidi Montag từng đã thú nhận rằng đám cưới của cô trong tập cuối của “The Hills” là một kịch bản dựng sẵn và nó tác động không nhỏ vào hạnh phúc của hai người. Hay như mới nhất đây, “Susan Boyle” của Hàn Quốc cũng bị phát giác rằng đã từng theo học thanh nhạc tại một trường trung cấp trước khi đến với cuộc thi tìm kiếm tài năng của Hàn Quốc và vẽ lên câu chuyện cổ tích về anh chàng bán sing-gum cảm động cả thế giới.

Ở Việt Nam, có không ít chương trình truyền hình thực tế bị khán giả hòai nghi về tính dàn dựng. Chương trình Vietnam Idol 2010 cũng từng dấy lên vấn đề này khi ở tập Uyên Linh đột ngột bị loại và Đăng Khoa xin rút lui để cứu nguy cho “đàn chị”. Kế đến cuộc chơi “Cặp đôi hòan hảo” vừa kết thúc năm 2011 cũng để lại nhiều dư vị trái chiều. Hàng loạt scandal xảy ra trong cuộc thi mà đỉnh điểm là ở đêm cuối cùng kết quả cuộc thi bị nghi là đã được sắp xếp từ trước. Điều này càng thêm được khẳng định khi cư dân mạng truyền tay nhau một đoạn ghi âm giọng nói của giám khảo Siu Black quay sang hỏi một giám khảo khác trong giờ phút cho điểm: “chọn áo đỏ phải không?”.

Vừa qua, 2 gameshow đang đình đám trên sóng tryền hình là “Vietnam’s next top Model” và “Tìm kiếm tài năng – VN’s Got Talent” cũng bị cho là đã lừa dối khán giả, gây nên nhiều ồn ào, lùm xùm trong giới showbiz. Bỏ qua những cãi vã căng thẳng của giám khảo Hà Anh và BTC chương trình “Vietnam’s next top Model”, người xem truyền hình phát hiện ra rằng ngay trong đêm chung kết cuộc thi BTC đã có sự sắp xếp từ trước, từ đó đã biết chắc chắn người thắng cuộc là Hoàng Thùy.

Một bức ảnh chụp đối chiếu giữa hình ảnh Hoàng Thùy biểu diễn với vũ công nam trên sân khấu trực tiếp và chụp trước đó đã tố giác sự dàn dựng này. Tất nhiên, BTC và những người trong cuộc đã từ chối trả lời những vấn đề liên quan đến bức ảnh, song công chúng lại có thêm cơ sở để hồ nghi tính trung thực của những chương trình tưởng là giải trí nhưng nặng về ganh đua này.

Sau khi cuộc thi "VN's next top Model" 2012 kết thúc, cư dân mạng đã có bức hình so sánh để khẳng định đêm chung kết có sự dàn dựng từ trước chứ không phải là chương trình có tính thực tế



Gameshow “Tìm kiếm tài năng – VN’s Got Talent” cũng khiến không ít khán giả truyền hình mệt mỏi về những ồn ào xung quanh trường hợp thí sinh Quỳnh Anh và lời tố cáo của gia đình thí sinh này. Theo lời tố cáo của gia đình thí sinh, BTC chương trình đã cố tình cắt ghép để tiết mục, khiến cho phần thi của thí sinh này trở nên lố bịch. Thông tin này tất nhiên chưa thể kiểm chứng, nhưng ở tập phát sóng đầu tiên vòng bán kết, đã có nhiều chứng cứ cho thấy chương trình truyền hình thực tế này rõ ràng có quá nhiều khiếm khuyết. Âm thanh và kỹ thuật thu trực tiếp quá kém khiến cho nhiều tiết mục khi lên truyền hình ra mắt khán giả bị mất hẳn sự hấp dẫn.

Từ những dẫn chứng này có thể thấy, tính “thực tế” của gameshow truyền hình mới vẫn chỉ trên lý thuyết. BTC chương trình vẫn phải sử dụng những tiểu xảo, công nghệ để đạt được mục đích nhất định mà ở đó, lợi nhuận mà chương trình mang lại được đặt lên trên hết.

* Mong lắm sự thuần Việt

Đó là ý kiến của rất nhiều bạn xem truyền hình khi theo dõi các cuộc thi, chương trình giải trí mua bản quyền ở nước ngoài. Thực tế là khi các chương trình mua bản quyền ở nước ngoài về đến Việt Nam vẫn phải tuân thủ theo những nguyên tắc bắt buộc của đối tác nước ngoài như format sân khấu, cách thức chơi, tuyển chọn… Khi chấp nhận tham gia vào cuộc chơi chung với các chương trình nước ngoài thì đương nhiên ta phải đáp ứng. Tuy nhiên, cũng vì việc quá tuân thủ một cách máy móc, rập khuôn này mà một số chương trình đã tạo sự “chướng tai gai mắt” cho khán giả Việt.

Đơn cử như cuộc thi “Vietnam’s next top Model” trong những ngày đầu phát sóng đã bị khán giả phản ứng vì cách ứng xử, nói năng của các thành viên trong giám khảo quá “đốp chát”, bề trên với thí sinh. Cho dù đại diện BTC của chương trình giải thích, đó là theo phong cách nước ngoài, nhưng với người Việt vốn quen văn hóa xưng hô có có “chủ - vị” rõ ràng thì những câu nói “cộc lốc” (giống phương Tây) không phù hợp với đại đa số người xem Việt Nam.

BGK cuộc thi VN's next top Model bị khán giả lên án vì những lời nhận xét cộc lốc, khó nghe


Gameshow “Tìm kiếm tài năng – VN’s Got Talent” đang phát sóng trên truyền hình cũng là đang khiến người xem thất vọng. Sự thất vọng ấy một phần bởi các tài năng đang cố gắng tìm kiếm trên truyền hình chưa thật sự thuyết phục, phần khác bởi nhiều phần thi được cho là “tài năng” lại đến từ những phần thi hát tiếng Anh.

Xem lại tất cả những phần thi ở vòng ngoài và ngay cả ở hai đêm thi bán kết vừa qua, có thể dễ dàng nhận thấy phần lớn tiết mục ca hát lại là tiếng Anh. Trong hai tập bán kết đã phát trên truyền hình, có tất cả 7 tiết mục thi hát thì chỉ có 2 tiết mục ở tập thứ 2 là hát tiếng Việt, đó là phần thi của cậu bé Vũ Song Vũ (ca khúc “Bà tôi”) và cô gái Vũ Khánh Vân (thể hiện “Họa mi hót trong mưa)…

4 tiết mục trong tập 1 vòng bán kết cuộc thi "VN's Got Talent" đều hát tiếng Anh (ảnh). Chỉ có 2 tiết mục ở tập 2 của thí sinh Vũ Song Vũ và Vũ Vân Khánh là hát tiếng Việt


Điều đáng nói là trong khi có rất nhiều ca khúc Việt Nam hay nhưng các thí sinh lại lựa chọn hát tiếng Anh và coi hát tiếng Anh là tài năng, và lại sợ hát tiếng Việt. Nhiều thí sinh tâm sự rằng, chỉ hát hay được tiếng Anh còn tiếng Việt hát rất dở. Nếu đã thật sự là tài năng ở lĩnh vực ca hát, thì lẽ thường thí sinh phải thể hiện tốt được cả tiếng mẹ đẻ và tiếng Anh, không thể vì bắt chước hát tiếng Anh sõi mà được tung hô “tài năng”. Có lẽ, chính vì thiếu sự “thuần Việt” mà hiện nay sân chơi này đến nay vẫn chỉ đơn thuần mang tính giải trí chứ chưa thật sự là cuộc kiếm tìm tài năng cho người Việt.

Vẫn biết khi mang một cuộc thi có nguồn gốc, xuất xứ ở nước ngoài vào Việt Nam, BTC sẽ gặp nhiều khó khăn để truyền tải đến khán giả Việt Nam. Một nhà tổ chức chương trình giỏi là phải biết cách dung hòa được những yếu tố bắt buộc của format nước ngoài với bản sắc văn hóa bản địa. Đó mới là cách níu giữ khán giả ở lâu với chương trình chứ không phải vì những chiêu trò gây sốc. Tiếc là ở Việt Nam, những gameshow như thế lại quá ít.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Truyền hình thực tế: Vẫn còn trong mơ!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.