(HNMCT) - Văn học kỳ ảo luôn là đề tài hấp dẫn đối với bạn đọc. Ngay từ những năm 1930, văn học kỳ ảo Việt Nam đã có những tác phẩm được thể hiện dưới hình thức mới, đáp ứng được thị hiếu của bạn đọc, tạo được chỗ đứng riêng trong lòng độc giả.
“Truyện đường rừng”, “Vàng và máu”, “Ai hát giữa rừng khuya”... từ lâu đã là danh tác trong lòng độc giả yêu văn học Việt. Trên các diễn đàn đọc sách hay các trang thương mại điện tử, không khó bắt gặp những lời khen về sự cuốn hút, hấp dẫn của những tác phẩm trên. Song, những năm gần đây, khi văn học kỳ ảo - trinh thám - kinh dị ngày càng được nhìn nhận giá trị thì những tác phẩm truyện đường rừng của các tác giả Lan Khai, Thế Lữ, TchyA mới thực sự được “gọi tên” thể loại.
PGS.TS Trần Mạnh Tiến, Đại học Sư phạm Hà Nội, cho rằng: “Đồng hành với những cuốn tiểu thuyết đường rừng, tâm lý - xã hội và lịch sử, tác phẩm lý luận phê bình, các bài ký, các công trình sưu tầm văn học dân gian, những bản dịch, những tác phẩm hội họa, còn xuất hiện hàng loạt truyện ngắn truyền kỳ và truyện cổ tích thần kỳ của “nhà văn đường rừng” với các chủ đề và kiểu dạng khác nhau, góp phần vào cuộc cách tân thể loại văn học, để lại ấn tượng sâu đậm trong bạn đọc hơn tám thập niên qua”. Nhà văn đường rừng mà PGS.TS Trần Mạnh Tiến nhắc đến chính là Lan Khai, cây bút đã kế thừa và sáng tạo các yếu tố hoang đường kỳ ảo của văn học trong nước và văn học nước ngoài, tạo nên “chuyện lạ đường rừng” nổi tiếng một thời. Lan Khai đã tạo ra thế giới nghệ thuật mới lạ, góp phần làm thay đổi cách tiếp nhận truyền thống, thu hút nhiều bạn đọc, đồng thời cũng vấp phải không ít phản ứng trái chiều.
Chín truyện ngắn của Lan Khai trong “chuyện lạ đường rừng” (sau được tuyển lại thành tập “Truyện đường rừng”) gồm “Người lạ”, “Ma thuồng luồng”, “Con bò dưới Thủy tề”, “Con thuồng luồng nhà họ Ma”, “Đôi vịt con”, “Mũi tên dẹp loạn”, “Người hóa Hổ”, “Tiền mất lực”, “Gò Thần”. Mỗi câu chuyện mang màu sắc kỳ bí riêng, có khi pha chút truyền thuyết thần thoại, có lúc rõ nét tâm linh tín ngưỡng, hoặc có khi là tâm lý, hoang tưởng. Đặc biệt, văn phong của Lan Khai rất tự nhiên và khá mềm mại, lồng vào mỗi câu chuyện là thông tin về phong tục tập quán đầy lý thú khiến nhiều độc giả gập sách lại rồi mà vẫn cảm thấy “đọc không đã thèm”.
Cũng viết trinh thám theo cách “dung hợp được văn Thái Tây với văn Á Đông, để gây một lối văn viết theo óc khoa học mà vẫn giữ được sự thi vị của văn Tàu”, theo nhà văn Khái Hưng, người đó chính là Thế Lữ, tác giả của nhiều bộ tiểu thuyết trinh thám sớm nhất Việt Nam. Phong cách tiêu biểu của Thế Lữ là kinh dị pha lẫn trinh thám, đồng thời mang đến một vẻ đẹp của ngôn từ đầy thi vị qua cách miêu tả thiên nhiên, cảnh vật, kể chuyện... Khéo léo đặt cốt truyện vào nơi rừng rú sâu thẳm, thâm u, những tác phẩm của Thế Lữ “không ghê gớm tuy vẫn làm cho ta phải rùng mình”, không huyễn hoặc nhưng vẫn cho độc giả “có cái cảm giác như sống trong một thế giới thần tiên, ma quỷ”.
Chia sẻ với độc giả trong tác phẩm “Thần Hổ”, nhà văn TchyA khẳng định: “Phàm các truyện quái dị, huyễn hoặc, có tự xưa đến nay, truyện nào cũng phát nguyên ở một hiện trạng - mắt tác giả đã thấy hoặc tai tác giả đã nghe - cũng do sự thực mà ra. Vẫn biết người viết truyện, tựa như cô ả thêu hoa dệt gấm, vẽ vời thêm cho ly kỳ, đẹp đẽ, song câu chuyện không phải chỉ toàn ở trong trí tưởng tượng của văn sĩ mà thôi. Cốt truyện vẫn là một việc có thực, nhưng đó là một trường hợp lạ lùng, hoặc một trường hợp ít người được trải nên ta hay cho là vô lý, hoang đường”.
Xuất phát từ việc có thực, nên nhiều tác phẩm kinh dị - kỳ ảo thời kỳ này không đơn thuần mang yếu tố kinh dị - kỳ ảo mà còn là những bức tranh về vẻ đẹp thiên nhiên trù phú, về đời sống văn hóa, phong tục tập quán, niềm tin và nỗi sợ của con người Việt Nam đầu thế kỷ XX. Những tác phẩm như “Kho vàng ở Sầm Sơn” của TchyA còn là truyện dã sử, “có liên lạc rất mật thiết với chính sử nước nhà” mà tác giả viết “một là để tưởng nhớ lại một thời oanh liệt đã qua, hai là để hiến các bạn một thể truyện lịch sử mới”.
Mang đến những thể nghiệm mới cho độc giả đương thời, nhưng gần trăm năm qua đi, những tác phẩm kinh dị - kỳ ảo này vẫn có sức hấp dẫn. Dù có thể, với dân “nghiền” trinh thám hiện đại, những yếu tố kinh dị - kỳ ảo ở những bộ truyện thập niên 1930 này khá “nhẹ tay”, nhưng theo Tiến sĩ văn học Nguyễn Thị Năm Hoàng (Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội), độc giả ngày nay vẫn có thể khám phá nhiều giá trị từ bộ sách này ngoài sự hấp dẫn của cốt truyện trinh thám bí hiểm hay vẻ đẹp ngôn ngữ văn chương. Đây là những cuốn sách của gia đình mà người lớn có thể đọc để tìm hiểu về thiên nhiên và bản sắc văn hóa dân tộc, vùng miền hoặc để nhớ về tuổi thơ, còn thanh, thiếu niên có thể đọc để tăng năng lực cảm thụ văn chương, kích thích trí tưởng tượng, bồi dưỡng đời sống tinh thần qua vẻ đẹp của ngôn từ, và thêm những trải nghiệm để hiểu biết sâu rộng hơn về đời sống, thiên nhiên, con người.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.