Theo dõi Báo Hànộimới trên

Truyền cảm hứng nghệ thuật cho trẻ tự kỷ

Thụy Du| 21/09/2021 07:07

(HNM) - Nhiều khán giả nhớ đến Lương Giang với vai trò là một diễn viên trẻ trung trong những bộ phim được yêu thích trên truyền hình. Song, chị còn là một họa sĩ và giảng viên Trường Đại học Sư phạm nghệ thuật trung ương. Không chỉ vẽ, mở phòng tranh, nghệ sĩ Lương Giang còn gieo ước mơ hội họa, truyền cảm hứng nghệ thuật cho các em nhỏ, đặc biệt là trẻ tự kỷ.

Nghệ sĩ Lương Giang say sưa hoàn thiện tác phẩm nghệ thuật.

Là một gương mặt sáng của điện ảnh, với phong cách diễn tự nhiên, nhẹ nhàng qua hàng chục bộ phim, như: “Hành trình bí ẩn”, “Khát vọng Thăng Long”, “Hoa cỏ may”, “Nhà có nhiều cửa sổ”, “Cầu vồng tình yêu”, “Hoa hồng trên ngực trái”..., nhưng thực ra Lương Giang là một diễn viên "tay ngang". Chị đến với điện ảnh tình cờ, từ khi còn là sinh viên Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, tham gia thi sinh viên thanh lịch và lọt vào “mắt xanh” của các đạo diễn. Với sự nỗ lực và chịu khó học hỏi, chị dần dạn dày trong diễn xuất, vào những vai “nặng ký” và để lại sự yêu mến trong lòng khán giả.

Diễn viên Huyền Trang, bạn thân của nghệ sĩ Lương Giang cho biết, ngoài khả năng trời phú thì Lương Giang đã phải rèn luyện rất nhiều về giọng nói, diễn xuất hình thể trước ống kính để vào được nhiều dạng vai, màu vai ấn tượng.

Xác định theo đuổi nghệ thuật, nhưng điện ảnh chỉ là mối duyên tình cờ, với Lương Giang, hội họa mới là niềm đam mê và con đường tương lai. Quê ở tỉnh Lào Cai, cô gái sinh năm 1986 có năng khiếu hội họa từ nhỏ. Khi về Hà Nội, được tiếp xúc với hoạt động mỹ thuật chuyên nghiệp, chị càng yêu thích và quyết tâm đến với hội họa.

Không chỉ dành thời gian theo học hội họa bài bản tại Trường Lasalle College of the Art của Singapore, Lương Giang còn miệt mài học hỏi từ họa sĩ Vĩnh Phối khi ông còn sống. Hai năm đi về giữa thành phố Hà Nội và tỉnh Thừa Thiên Huế để được thầy trực tiếp chỉ dạy, với nghệ sĩ Lương Giang, đó là khoảng thời gian đáng giá, bởi chị không chỉ học về hội họa, mà còn nhận ra nhiều điều về cuộc sống và hướng đi tích cực.

Với hội họa, nghệ sĩ Lương Giang thường vẽ về thiên nhiên, vẻ đẹp quê hương, đất nước, đặc biệt có nhiều tác phẩm vẽ thiếu nữ trong tà áo dài. Chị cũng tham gia nhiều triển lãm tranh trong nước và quốc tế, được giới mỹ thuật yêu thích. Họa sĩ Lê Văn Nhường nhận xét: “Lương Giang là họa sĩ giàu cảm xúc, có tinh thần cầu tiến, luôn luôn lắng nghe. Tâm hồn của chị trải trong tác phẩm với đầy năng lượng tích cực. Đây là điều đáng quý và là bước đà để họa sĩ tiến xa”.

Bên cạnh việc say sưa vẽ hằng ngày, nghệ sĩ Lương Giang còn mở phòng tranh Megan Gallery tại Hà Nội và tổ chức các lớp dạy vẽ truyền cảm hứng nghệ thuật cho mọi người, đặc biệt là trẻ tự kỷ. “Ban đầu tôi định mở lớp dạy vẽ thiện nguyện cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn hoặc khuyết tật ở Hà Nội. Ba học viên đầu tiên đến với lớp học đều là trẻ tự kỷ. Sau thời gian tiếp xúc, tôi thấy các em tiến bộ và yêu quý các em, nên quyết định mở lớp lâu dài”, nghệ sĩ Lương Giang chia sẻ.

Dạy hội họa cho trẻ em không dễ, đặc biệt là với trẻ mắc chứng tự kỷ, nghệ sĩ cho biết, với đối tượng học trò này, người dạy phải cực kỳ kiên nhẫn, thấu hiểu, dịu dàng và bao dung thì mới mở được cánh cửa bước vào thế giới của các em.

Chị Nguyễn Thị Ngát (huyện Hoài Đức, Hà Nội) có con trai 12 tuổi mắc hội chứng tự kỷ tham gia lớp học vẽ của nghệ sĩ Lương Giang, nói: “Con tôi theo học được một năm đã tiến bộ rất nhiều, vẽ được những bức hoạt hình, tranh phong cảnh sinh động. Đặc biệt, con đã nền tính hơn, say sưa bên giá vẽ”.

Sau hơn 5 năm gắn bó với việc dạy vẽ cho trẻ tự kỷ, giữa tháng 1-2021, nghệ sĩ Lương Giang đã tổ chức triển lãm tranh mang tên “Sắc màu - Những mảnh ghép” tại Megan Gallery, với hơn 40 bức tranh sinh động, đẹp mắt của các học trò đặc biệt và nhận được nhiều sự đồng cảm của người yêu nghệ thuật.

Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, nghệ sĩ Lương Giang dành nhiều thời gian ở nhà vẽ tranh, tổ chức các lớp học trực tuyến về hội họa. Nghệ sĩ Lương Giang cũng rất vui khi liên tục nhận được những bức ảnh chụp tranh vẽ của các học trò gửi về email hay Zalo để nhận góp ý. Với nghệ sĩ giàu lòng nhân ái này, đây chính là nguồn động lực để chị đi đường dài trong nghệ thuật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Truyền cảm hứng nghệ thuật cho trẻ tự kỷ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.