(HNM) - Trong một ngày chất vấn, tái chất vấn các nhóm vấn đề, nhóm vấn đề kinh tế và quản lý đô thị (gồm quản lý chung cư tái định cư, phòng cháy chữa cháy - PCCC) chiếm phần lớn thời gian của các đại biểu. Nếu phần trả lời về các biện pháp thực hiện bảo đảm nguồn thu và xử lý nợ đọng thuế được lãnh đạo Cục Thuế trả lời rõ thì các lĩnh vực còn lại chưa đáp ứng được yêu cầu…
Chất lượng các khu tái định cư là vấn đề được quan tâm chất vấn tại phiên họp. Ảnh: Viết Thành |
Triệt để thu nợ đọng thuế
Lĩnh vực thuế, nhất là quản lý thuế, phí, nợ thuế… được đặc biệt quan tâm. Các đại biểu (ĐB): Nguyễn Thị Thanh Mai (Tổ Hà Đông), Nguyễn Thị Thùy (Tổ Gia Lâm) đặc biệt quan tâm chất vấn về giải pháp thu nợ đọng thuế, xử lý nợ thuế bỏ địa chỉ kinh doanh, thực hiện "hậu kiểm" sau khi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Hà Minh Hải trả lời, đến nay nợ đọng thuế còn lại là 21.850 tỷ đồng, trong đó nợ khó thu là 2.557 tỷ đồng, nợ có khả năng thu là 19.292 tỷ đồng.
Về giải pháp thu nợ, lãnh đạo Cục Thuế cho biết, Cục Thuế Hà Nội đã triển khai 7 nhiệm vụ trọng tâm, 9 nhóm giải pháp. Trong đó, Cục tập trung giải quyết khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) của doanh nghiệp (DN), gia hạn nợ, xóa nợ thuế, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong quản lý thuế, tạo điều kiện cho người nộp thuế; thực hiện đôn đốc thu nợ thuế; công khai danh sách nợ thuế trên các phương tiện truyền thông… Kết quả, 11 tháng qua, ngành đã thu đạt 122.599 tỷ đồng, ước cả năm thu đạt 132.840 tỷ đồng. Đáng chú ý, 10 tháng 2015, Cục Thuế Hà Nội đã thu nợ được 8.137 tỷ đồng.
Về nợ thuế do DN bỏ địa chỉ SXKD, ông Hà Minh Hải cho biết, DN bỏ địa chỉ kinh doanh ở 3 trạng thái cơ bản. Thứ nhất, DN thành lập để buôn bán hóa đơn, làm ăn bất hợp pháp nên thành lập DN xong thì giải thể ngay, rất khó phát hiện. Cục Thuế Hà Nội đã phát hiện các DN nợ gần 400 tỷ đồng, chuyển hồ sơ sang cơ quan công an và đã xử lý một số trường hợp.
Nhóm đối tượng này thực hiện hành vi tinh vi như mượn CMTND của người khác để làm hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Thứ hai là những DN thành lập ra nhưng gặp khó khăn phải ngừng nghỉ hẳn. Thứ ba là có không ít DN có khó khăn, ngừng hoạt động rồi thành lập DN khác để trốn thuế, chiếm đoạt thuế. Ngành thuế cũng đã xác định các đối tượng này để phối hợp với cơ quan công an xử lý, thu thuế, bảo đảm công bằng với các DN khác. Cơ quan công an đã phối hợp với ngành thuế xác minh hơn 300 công ty bỏ trốn khỏi địa điểm kinh doanh và truy thu thuế bỏ trốn của các công ty này.
Việc DN bỏ địa chỉ kinh doanh có bắt nguồn từ chính sách thông thoáng của Luật Doanh nghiệp mới, tạo điều kiện tối đa về thủ tục hành chính tạo điều kiện cho DN (Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp phép). Làm rõ thêm về vấn đề này, Phó Bí thư Thành ủy, Giám đốc Công an thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, hoạt động quản lý DN đang bộc lộ những sơ hở: Việc xác minh nhân thân với các đối tượng thành lập công ty chưa chặt chẽ; cơ chế quản lý tiền mặt trong hệ thống ngân hàng còn lỏng lẻo, để DN rút tiền mặt quá quy định; việc quản lý hóa đơn do DN tự in còn sơ hở.
Sắp tới, khi Hà Nội có mạng dùng chung để quản lý hóa đơn của các DN thì sẽ giúp quản lý DN chặt chẽ hơn và các vi phạm cũng sẽ giảm. Giám đốc Công an thành phố khẳng định, các hành vi vi phạm liên quan đến việc thành lập công ty để bán hóa đơn sẽ bị xử lý nghiêm túc và sẽ được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian tới.
Vẫn là trách nhiệm quản lý
Các ĐB cũng đã chất vấn về nhóm vấn đề liên quan đến quản lý đô thị, như: Sai phạm về vượt số tầng tại các tòa nhà chung cư, biệt thự; việc đầu tư cho lĩnh vực PCCC so với nhu cầu… Trả lời về kết quả khắc phục sai phạm tại 18 dự án khu đô thị được UBND thành phố thanh tra năm 2015, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho biết, các chủ đầu tư đã tuân thủ khá tốt và cam kết thực hiện các mức xử phạt hành chính.
Còn theo Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Nguyễn Thế Hùng, những sai phạm trong quá trình thi công các dự án khu đô thị, nhà cao tầng, có nguyên nhân từ thái độ chấp hành pháp luật không tốt của chủ đầu tư. Bên cạnh đó, việc giám sát của các cơ quan chức năng, cán bộ, công chức cũng chưa hết trách nhiệm. Mặt khác, theo Luật Thanh tra, hiện lực lượng thanh tra chỉ còn ở cấp thành phố, không có lực lượng trực tiếp tại các quận, huyện, nên ảnh hưởng đến thanh tra xây dựng quản lý trực tiếp tại địa bàn.
Cũng liên quan đến vấn đề này, theo Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục, theo các quy định mới của Chính phủ cho phép các sai phạm về xây dựng nếu không ảnh hưởng đến quy hoạch thì vẫn cho tồn tại, quy định này không phù hợp với đặc điểm của Hà Nội. Do vậy, cả Giám đốc Sở Xây dựng và Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc cùng đề nghị thành phố kiến nghị Chính phủ có cơ chế áp dụng riêng với Hà Nội để không "phạt cho tồn tại" và cần có lực lượng thanh tra xây dựng trực tiếp bám địa bàn.
Trong quản lý chung cư, khu đô thị đã xuất hiện tình trạng chủ đầu tư không thực hiện các quy định, tự nâng tầng, không đáp ứng các yêu cầu về hạ tầng, đặc biệt là về PCCC gây bức xúc cho người dân, nhất là sau khi xảy ra cháy tại chung cư Xa La. Trả lời chất vấn của các ĐB, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Hồng Sơn khẳng định, thể chế pháp luật về PCCC rất đầy đủ, quy định rõ và cụ thể về trách nhiệm của các ban, ngành, đơn vị và người dân.
Do vậy, trong việc thực hiện các giải pháp thì phòng ngừa là chính và đây là biện pháp lâu dài, bền vững. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng thừa nhận tại nhiều công trình xây dựng, do nể nang, đơn vị giám sát bỏ qua hoặc không làm tốt chức năng của mình, còn chủ đầu tư, để tiết kiệm chi phí, đã không thực hiện nghiêm yêu cầu về PCCC và thành phố cũng đã xử phạt nhiều đơn vị không tuân thủ quy định.
Theo Phó Chủ tịch, UBND thành phố đã chi gần 1.200 tỷ đồng hỗ trợ trang thiết bị cho lực lượng PCCC và đã có 2 gói thầu thiết bị được bàn giao. Thành phố đang tổ chức đấu thầu trang thiết bị cho PCCC một số quận, huyện với tổng vốn đầu tư hơn 700 tỷ đồng. Đặc biệt, thành phố cũng đã có quy hoạch tổng thể phát triển cơ sở PCCC trên địa bàn, tất cả các quận, huyện đều sẽ có trụ sở của lực lượng PCCC. Dự kiến, trong tháng này, quy hoạch sẽ hoàn thiện và được phê duyệt. Phó Chủ tịch cũng nhấn mạnh, trong hơn 20 địa phương có thành lập riêng Cảnh sát PC&CC, thì Hà Nội là một trong những địa phương trang bị hiện đại, đầy đủ, đáp ứng được cơ bản yêu cầu PCCC.
Tuy nhiên, trong phần trả lời chất vấn cụ thể của các ĐB, Giám đốc Cảnh sát PC&CC trả lời còn chung chung, chưa đi thẳng vào vấn đề, trong đó chưa làm rõ được trách nhiệm thẩm định về thiết bị PCCC trong các dự án khu đô thị, chung cư. Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng đã phê bình phần trả lời của lãnh đạo Cảnh sát PC&CC.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.