(HNMO) - Chiều 9-6, Bộ Tài chính đã tổ chức họp báo chuyên đề về tình hình thực hiện thu, chi ngân sách 5 tháng đầu năm và giải pháp điều hành ngân sách nhà nước từ nay đến hết năm 2015.
Báo cáo cho thấy, tổng thu NSNN 5 tháng ước đạt 380,76 nghìn tỷ đồng, bằng 41,8% dự toán, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, thu nội địa đạt 44,3% dự toán, tăng 16,3% ; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 37,7% dự toán, tăng 6,5% so với cùng kỳ.
Riêng giá dầu thô đạt 32,6% dự toán, giảm 34% so với cùng kỳ năm 2014 do giá dầu giảm (theo dự toán giá dầu là 100 USD/thùng, bình quân 5 tháng chỉ đạt 57,8 USD/thùng, giảm 42,2 USD/thùng so với giá dự toán). Bộ Tài chính cũng cho biết, tổng chi NSNN 5 tháng ước đạt 455,6 nghìn tỷ đồng, bằng 39,7% dự toán, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2014. Trong những tháng cuối năm, Bộ Tài chính sẽ tổ chức điều hành thu-chi NSNN theo hướng linh hoạt, bảo đảm cân đối thu chi NSNN. Bộ sẽ tạm giữ lại 10% chi thường xuyên trong 8 tháng cuối năm 2015 của các đơn vị sử dụng ngân sách và 50% nguồn dự phòng của ngân sách các cấp để chủ động xử lý khi nguồn thu NSNN giảm lớn.
Tại buổi họp báo, các cơ quan báo chí đã nêu nhiều câu hỏi xung quanh việc bồi thường oan sai tại vụ án của ông Nguyễn Thanh Chấn tại Bắc Giang, vụ xây Văn Miếu bằng nguồn ngân sách địa phương hơn 200 tỷ đồng tại tỉnh Vĩnh Phúc cũng như việc kiểm soát và điều hành nợ công trong bối cảnh dư nợ tăng cao…
Đại diện Bộ Tài chính cho biết, tại vụ án của ông Nguyễn Thanh Chấn, trách nhiệm của Nhà nước là bồi thường cho người bị oan sai theo đúng quy định. Đồng thời, Nhà nước cũng sẽ có những quyết định xử lý và thu hồi tiền phạt với những cán bộ đã trực tiếp làm trái pháp luật khiến ông Chấn bị oan, sai. Mức xử phạt theo quy định từ 1 đến 3 tháng lương và nặng nhất là truy cứu trách nhiệm theo luật hình sự.
Đối với vụ xây Văn Miếu tại Vĩnh Phúc, đại diện Bộ Tài chính cho biết, công trình này sử dụng ngân sách địa phương nên thông tin cụ thể sẽ do UBND tỉnh cung cấp theo đúng quy định.
Liên quan đến việc xử lý nợ công, Bộ Tài chính sẽ quản lý, kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm không vượt mức trần cho phép là 65% GDP. Bộ cũng sẽ cơ cấu lại các khoản nợ, tăng các khoản vay trung và dài hạn nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.