Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trượt đại học: Tại sao phải sốc?

Theo Hoài Nam| 07/08/2014 11:22

Vẫn biết rằng các em chịu một sức ép lớn phải vào đại học, nhưng phải xác định cho mình, có sức chơi thì có sức chịu, nếu không thì phải biết lượng sức mà chơi. Trước khi đăng ký thi, các em cần lựa chọn trường thi phù hợp với đam mê, cân nhắc khả năng vượt vũ môn của mình...

Đó là chia sẻ của TS Tâm lý Huỳnh Văn Sơn (ĐH Sư phạm TPHCM) tại tọa đàm hướng nghiệp do Thành đoàn TPHCM tổ chức gần đây.

Cứ vào mùa thi, đặc biệt là thời điểm các trường đại học thông báo điểm thi tuyển sinh, các chuyên gia tâm lý, hướng nghiệp lại nhận được không ít cuộc gọi của thí sinh tâm sự "muốn chết vì mọi thứ đã chấm hết khi trượt đại học".

Chết vì trượt ĐH hay vì áp lực?

Như đã đưa tin, chiều ngày 2/8, tại huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi) xảy ra vụ tự thiêu ngay tại nhà riêng. Em Nguyễn T.T. đã dùng 4 lít xăng đem vào phòng ngủ khóa trái rồi tự thiêu dẫn đến tử vong.

Theo thông tin từ gia đình, những ngày trước đã thấy T. suy sụp khi biết tin không đỗ ĐH. Trước lúc tự thiêu, em T. nhắn tin cho bố và một số người bạn nói về nỗi thất vọng khi không thi đậu đại học, thấy nhục nhã vì làm xấu hổ gia đình, chỉ muốn chết…

Trường hợp đau lòng của em T., đánh đổi bằng tính mạng do trượt ĐH không nói chung cho sự “sự yếu đuối” của các em thí sinh thi trượt. Nhưng năm nào, vào dịp công bố điểm thi cũng xảy ra những câu chuyện tương tự. Các năm trước, đã có HS nhảy cầu, uống thuốc ngủ… vì mục tiêu vào ĐH chưa thành.

Không ít học trò gánh áp lực phải vào ĐH rất nặng nề (Ảnh minh họa)


Chưa kể đến một phận không nhỏ rơi vào khủng hoảng trầm trọng khi không biết phải đối diện ra sao. Không ít em phải nhập viện tâm thần trước và cả sau kỳ thi.

Thạc sĩ Huỳnh Anh Bình (Chuyên gia tư vấn tư lý - hướng nghiệp, ĐH Bình Dương) cho biết, năm nào cũng vậy, thời điểm này ông nhận được vô số cuộc gọi của các em HS thi trượt nói rằng mình chỉ muốn… chết vì mọi thứ đã chấm dứt, không còn gì nữa. Các em rơi vào tâm trạng căng thẳng đáng ngại, có thể làm liều bất cứ lúc nào.

“Mong muốn vào ĐH là chính đáng sau 12 năm ăn học. Nhưng nhiều em khó khăn như vậy là do chưa thật sự có sự chuẩn bị về mặt tâm thế. Đồng thời kỳ vọng quá cao từ chính bản thân, gia đình và mọi người xung quanh đẩy các bạn đến những suy nghĩ tiêu cực”, ông Bình nói.

Những năm học ở phổ thông, nhiều em xem vào ĐH là mục tiêu cao nhất, cao đến mức nếu không vào ĐH thì không sống nổi, sinh mạng không có giá trị bằng. Mà mục tiêu này của các em chủ yếu được xây dựng từ các áp lực gia đình, nhà trường, xã hội, đặc biệt là phía gia đình. Sự kỳ vọng và cả sự hy sinh của gia đình luôn là động lực cho con trẻ nhưng cũng là áp lực mà các em khó đối diện mỗi khi mục tiêu không thành.

Cũng phải nhìn thẳng, các em đến cái chết, khủng hoảng tâm lý chưa hẳn là do nguyên nhân trượt ĐH. Hình như điều các em sợ hãi hơn là không biết phải đối diện với sự thất vọng của bố mẹ, mọi người xung quanh như thế nào.

Lâu nay, các bài học giáo dục trong gia đình và nhà trường chú trọng dạy các em chiến thắng - nhất là chiến thắng về điểm số, thi cử. Lạ lùng là đi cùng với những bài học chiến thắng lại không trang bị cho trẻ sự mạnh mẽ, tính chủ động mà ngược lại dường như các em trẻ càng trở nên yếu đuối, bị động và thiếu trách nhiệm hơn.

Tại sao phải sốc?

Áp lực của gia đình, xã hội đối với việc con cái học hành thành tài hình thành từ lâu đời và không dễ thay đổi trong ngày một ngày hai. Và chính các em HS, có nhiều điều kiện tiếp cận với thông tin cần chủ động hơn trong việc xác định con đường cho mình để không tránh rơi vào ngõ cụt.

Trả lời câu hỏi của nhiều HS “Làm sao để vượt qua cú sốc rớt đại học?” tại tọa đàm hướng nghiệp do Thành đoàn TPHCM tổ chức gần đây, TS Tâm lý Huỳnh Văn Sơn (ĐH Sư phạm TPHCM) đặt lại vấn đề “Tại sao lại phải sốc?”.

“Các em chịu một sức ép lớn phải vào ĐH từ gia đình, xã hội. Nhưng phải xác định cho mình, có sức chơi thì có sức chịu, nếu không thì phải biết lượng sức mà chơi. Trước khi đăng ký thi, các em cần có sự lựa chọn trường thi phù hợp với đam mê, cân nhắc khả năng vượt vũ môn của mình và đặt ra các tình huống có thể xảy ra để tránh sốc tâm lý khi không đỗ. Tuy vậy, các em vẫn rất cần điểm tựa vững chắc, nhất là gia đình khi mọi việc không như ý”, TS Huỳnh Văn Sơn chia sẻ.

Theo số liệu của Bộ Lao động Thương binh & Xã hội, Tổng cục thống kê và Tổ chức lao động quốc tế, trong quý 1/2014, cả nước có trên 162.000 người có trình độ ĐH trở lên thất nghiệp, lực lượng có trình độ cao đẳng thất nghiệp cũng chiếm một tỷ lệ không nhỏ (trên 6,8%).

Cử nhân ĐH thuộc đối tượng thất nghiệp và có nguy cơ thất nghiệp rất cao chủ yếu do SV ra trường không đáp ứng được yêu cầu công việc thực tế vì kém chuyên môn, yếu kỹ năng. Để giải cứu mình, không ít cử nhân giấu bằng học trung cấp, học nghề để tăng cơ hội tìm kiếm việc làm.

ThS Huỳnh Anh Bình nhấn mạnh, HS và phụ huynh cần nhìn thẳng vào thực tế đang diễn ra là đậu ĐH không đồng nghĩa với việc sẽ thành công. Ngày càng nhiều các bạn trẻ đậu ĐH, ra trường mà rồi thất nghiệp hoặc đi làm nhưng vẫn thất bại. Bạn có thể thi ĐH để thử sức mình nhưng đồng thời cần xác định cho mình những con đường khác, phải có trách nhiệm hơn với lựa chọn của mình.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trượt đại học: Tại sao phải sốc?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.