Những ngày áp Tết Canh Dần này, khi nhà nhà quần tụ chuẩn bị đón Xuân mới thì ở nơi đầu sóng, rất nhiều chiến sỹ đã gác lại niềm vui để giữ vững chủ quyền biển đảo quê hương. Dù xa nhà, xa người thân, nhưng cái Tết đảo luôn tràn ngập nụ cười, tiếng nói, ấm đượm tình quê. Chúng tôi cảm nhận rõ ràng điều đó trong chuyến đi Trường Sa những ngày cuối năm Kỷ Sửu.
Gói bánh chưng trên đảo Trường Sa Đông. Ảnh: Đức Thuật
1. Không khí đón Tết, mừng Xuân ở Trường Sa thật đặc biệt. Điều này có thể cảm nhận qua nụ cười, ánh mắt của nhân dân, chiến sỹ trên từng đảo ngay khi đón Đoàn công tác Vùng D Hải quân đưa quà Tết ra đảo. Đã thành thông lệ cũng như truyền thống tốt đẹp nhiều năm qua, mỗi độ Xuân đang về, hàng loạt chuyến tàu chở hàng nghìn tấn quà Tết của Bộ Quốc phòng, các cấp, ngành, chính quyền, nhân dân các địa phương trong cả nước lại hướng ra biển Đông, đến với Trường Sa thân yêu. Phó Chủ tịch UBND huyện Trường Sa, Khánh Hòa Nguyễn Viết Thuân, Trưởng đoàn công tác phía Nam tới các đảo: Trường Sa lớn, Đá Lát, Đá Đông, Đá Tây, Thuyền Chài, Trường Sa Đông và An Bang, người đã có “thâm niên” gần chục năm ăn Tết ở đảo cho biết, mỗi chuyến hàng thực sự là nguồn động viên rất lớn đối với đồng bào, chiến sỹ nơi đầu sóng, ngọn gió. Đó thực sự là nguồn sức mạnh cả về vật chất và tinh thần tiếp sức cho các đảo từ đất Mẹ.
Cuối năm, biển động. Việc vận chuyển hàng hóa ra đảo vì thế rất khó khăn. Nhưng đoàn công tác và mỗi thuyền viên trên tàu Trường Sa 20 xác định, chuyển hàng Tết là nhiệm vụ quan trọng không kém việc đưa cánh phóng viên ra đảo. An toàn luôn được đặt lên hàng đầu. Mỗi kiện hàng thực sự là hơi ấm từ đất Mẹ dành cho những đứa con nơi đảo xa. Chẳng thế mà đàn lợn chuyển ra đảo được chăm sóc hết sức chu đáo để bảo đảm còn sống khi chuyển tới các chiến sỹ. Anh em nói vui, lợn trên tàu sướng chẳng kém ai. Trường Sa đã thay đổi nhiều. Đời sống của nhân dân và bộ đội đã được cải thiện đáng kể về mọi mặt, nhưng so với đất liền thì vẫn khó khăn, đặc biệt là về thực phẩm tươi sống. Mỗi chuyến xuồng chuyển hàng Tết cập đảo, các chiến sỹ ùa ra bốc vác. Cánh phóng viên cũng vui lây, hùa vào cùng bốc hàng lên đảo. Nụ cười, tiếng nói râm ran một góc trời. Đúng là Tết đã về. Đúng là vui như Tết.
2. Chúng tôi may mắn được đón Tết sớm cùng các chiến sỹ trên đảo Trường Sa Đông. Đủ cả những hương vị Tết truyền thống với bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành, câu đối… Sau hành trình dài, lá dong không còn giữ được nguyên vẹn màu xanh mướt mắt, nhưng không sao. Có là quý rồi. Ngoài những chiến sỹ đang trực, còn lại, mỗi anh, mỗi việc. Anh rửa lá, anh mổ lợn, thái thịt; anh vo gạo, đãi đỗ. Những anh khéo tay thì bày mâm ngũ quả, trang hoàng nhà cửa, “chăm sóc” cây mai giấy. So với các đảo khác, Trường Sa Đông có “điều kiện” hơn hẳn. Ngoài thực phẩm đất liền gửi ra, tại đây còn trồng được rất nhiều rau, đặc biệt là nuôi được nhiều gia cầm. Cái Tết vì thế cũng “xôm” hơn. Một số đảo chìm không có điều kiện chăn nuôi, nhờ xin ở Trường Sa Đông con gà làm mâm cúng tất niên trên đảo. Tết trên đảo gợi nhớ về Tết quê nhà. Đầm ấm, tình cảm. Đơn vị thực sự là một đại gia đình. Cái thiếu duy nhất có chăng chỉ là phiên chợ Tết tấp nập.
Lính đảo Trường Sa. Ảnh: Thu Giang
3. Lần đầu đón Xuân trên đảo, cái gì cũng mới, lạ, nhưng cũng thật gần. Ra đảo, tôi có dịp thưởng thức Đêm văn nghệ mừng Xuân, đón Tết. Thật cảm động. Tất cả các tiết mục đều là “cây nhà lá vườn”, nhưng chẳng kém gì ca sỹ chuyên nghiệp. Khi hệ thống âm thanh gặp trục trặc, tất cả đồng thanh ca vang “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”, “Hát mãi khúc quân hành”… Chương trình văn nghệ thực sự là bữa ăn tinh thần phong phú, sinh động. Không chỉ những bài ca cách mạng, ca ngợi Tổ quốc, quê hương được cất lên mà còn có cả những điệu nhảy hiện đại, trẻ trung; thi vẽ tranh, sáng tác thơ, câu đối. Cánh phóng viên được phen “lác mắt” với những câu đối rất giàu ý nghĩa như:
Đảng sáng, dân trung, đời thịnh trị
Quân tinh, tướng mạnh, nước trường tồn.
Hay:
Đứng gác trên biển, hoa nở cùng sao treo ngọn súng
Tuần canh đất Tổ, lá vờn với gió đón trăng về.4. Tết đảo vui, nhưng cũng bịn rịn lắm, điều mà Tết đất liền không thể có. Theo phong tục truyền thống, ai cũng muốn sum họp gia đình đầu năm. Các chiến sỹ cũng vậy, nhưng vì trách nhiệm với Tổ quốc thiêng liêng, họ tạm gác tình cảm riêng sang một bên. Đón Tết sớm trên đảo có cả lính mới và những chiến sỹ sẽ trở về đất liền đoàn tụ với gia đình. Người về đương nhiên là vui, nhưng nhìn vào ánh mắt mới thấy họ cũng chẳng muốn rời xa anh em đã gắn bó bao năm tháng ở nơi chỉ có sóng và gió. Lênh đênh sóng gió gần 1 tháng trời đến một số đảo giúp chúng tôi hiểu được điều đó. Biển đảo quê hương đã thực sự “ngấm” vào mỗi chiến sỹ. Và chúng ta, những người sống ở đất Mẹ, đặc biệt là nơi phồn hoa, đô thị hoàn toàn có thể gửi trọn niềm tin vào họ. Vào giờ khắc giao thừa, họ vẫn đang bồng súng canh gác vì sự bình yên của Tổ quốc.