(HNM) - Sau 40 năm giải phóng (29/4/1975 - 29/4/2015), cuộc sống ở Trường Sa đang thay đổi từng ngày như một sự khẳng định sức mạnh trường tồn của dân tộc.
Nhân dịp Đoàn công tác của TP Hà Nội tới thăm hỏi, động viên quân dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 vào những ngày cuối tháng 4 này, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc phỏng vấn Chuẩn Đô đốc Nguyễn Viết Nhiên, Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân.
Đảo Trường Sa Lớn sau 40 năm giải phóng. Ảnh: Lê Văn Hùng |
- Thưa Chuẩn Đô đốc Nguyễn Viết Nhiên, 40 năm đã qua, Trường Sa đang từng ngày đổi thay cùng với cuộc sống nơi đất liền. So sánh Trường Sa của hiện tại với Trường Sa của nhiều năm trước, ông có cảm nghĩ gì?
- 40 năm qua, Trường Sa bây giờ và ngày xưa khác nhau nhiều lắm. Từ chỗ các đảo của chúng ta còn rất sơ khai, chưa có điện, nước ngọt rất hiếm, thì nay chúng ta có hệ thống điện mặt trời, nước ngọt nhiều hơn. Chúng ta có khu quy hoạch trồng cây, chăn nuôi, có hệ thống bảo vệ các đảo. Chúng ta có nhân dân cùng với các lực lượng quân đội chung tay bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Đặc biệt, ở tất cả các đảo nổi, đều có bệnh xá, có bác sĩ nội, ngoại khoa. Với các đảo chìm, chúng ta cũng có đội ngũ y sĩ có thể chữa các bệnh thông thường. Đây là lực lượng xung kích, không chỉ chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ khi cần thiết mà còn là những thầy thuốc thường xuyên chữa bệnh cho bà con ngư dân và cư dân trên đảo. Với quan điểm lấy con người làm trung tâm, tất cả vì sức khỏe cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, đã có rất nhiều người dân, nhiều chiến sĩ công tác, sinh sống trên các đảo, gặp bệnh hiểm nghèo được chở khẩn cấp bằng máy bay, hoặc theo những chuyến tàu gần nhất vào bờ, chăm sóc, cứu chữa bằng những thiết bị máy móc tốt nhất. Tương tự, các thiết chế văn hóa phục vụ đời sống tinh thần của quân và dân nơi đây cũng được xây dựng. Đi lại giữa đất liền và đảo gần gũi hơn. Lương thực, thực phẩm một năm đưa ra nhiều lần, lúc nào chiến sĩ cũng có lương thực, thực phẩm tốt. Về kinh tế, chúng ta phát triển từng bước, đầu tiên là hoàn thiện các âu tàu, để tạo điều kiện cho bà con ngư dân ra đánh bắt hải sản ở các khu vực thuộc quần đảo Trường Sa.
- Trong chuyến thăm quân, dân huyện đảo Trường Sa này, phóng viên Hànộimới ghi nhận được nhiều ý kiến của chiến sĩ cho biết: Đảng và Nhà nước có nhiều chính sách, không chỉ động viên về vật chất mà cả tinh thần đối với những người lính đang ngày đêm thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền Tổ quốc nơi đầu sóng, ngọn gió. Chuẩn Đô đốc có thể cho biết thêm về nhận định này?
- Có thể khái quát một câu là: Ngày càng tốt hơn! Hiện nay, cán bộ, chiến sĩ chỉ một năm công tác là được về nghỉ phép, kết hợp tiếp tục học tập, nâng cao trình độ, còn trước đây là 18 tháng, có khi tới 2 năm tùy tình hình thực tế. Dù vậy, vì chủ quyền, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, tình yêu biển đảo, rất nhiều chiến sĩ tình nguyện xin ở lại công tác lâu hơn. Chúng tôi động viên anh em yên tâm về với gia đình vì đã có lực lượng thay thế rất dồi dào. Hằng năm có đến hàng chục đoàn, với hàng nghìn lượt người, từ các đồng chí lãnh đạo cao cấp đến các cơ quan dân - chính - đảng, rồi các địa phương, kiều bào, các nhà tu hành, cựu chiến binh... ra với Trường Sa. Thấy Trường Sa thay da đổi thịt, ai cũng bày tỏ tin tưởng quân và dân nơi đây đủ khả năng, đủ sức để bảo vệ vững chắc vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
- Gắn bó phần lớn cuộc đời với vùng biển đảo của Tổ quốc, Chuẩn Đô đốc đánh giá thế nào về những đóng góp của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội đối với Trường Sa?
- TP Hà Nội luôn quan tâm đến cán bộ, quân, dân huyện đảo Trường Sa. Tôi được biết, ngoài động viên tinh thần, nhân dân Thủ đô đã đóng góp, hỗ trợ cho quân và dân huyện đảo các công trình, dự án có ý nghĩa thiết thực. Tính từ năm 2009 đến nay đã xây dựng được 5 công trình với số tiền là trên 140 tỷ đồng. Công trình điển hình, gần đây nhất là Nhà văn hóa đa năng trên đảo Tốc Tan B - quần đảo Trường Sa, với tổng mức đầu tư trên 34 tỷ đồng. Đây không chỉ là công trình văn hóa, bảo đảm đầy đủ tiện nghi phục vụ sinh hoạt thể thao của tập thể cán bộ, chiến sĩ, góp phần làm thay đổi diện mạo của đảo mà còn là nơi khi ngư dân đánh bắt xa bờ có thể đến nghỉ ngơi, tránh bão, tránh sóng lớn dài ngày.
Tôi cũng được biết, trong dịp Đoàn công tác TP Hà Nội ra thăm, động viên quân và dân Trường Sa, cũng có những đóng góp nằm ngoài kế hoạch. Cụ thể, đến thăm nhà giàn DK1, biết được thông tin 3 chiến sĩ đang công tác ở đây có con mắc bệnh hiểm nghèo, ngay lập tức Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu quyết định khi về tới đất liền sẽ cử đoàn đến thăm, tặng mỗi gia đình 10 triệu đồng. Hành động này sau đó tiếp tục được các thành viên trong đoàn hưởng ứng, số tiền quyên góp cho các cháu sau đó lên đến hơn 100 triệu đồng. Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Đỗ Thị Xuân Phương còn hứa, sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng dành cho các cháu những loại thuốc tốt nhất. Còn nhiều lắm những tấm lòng âm thầm hướng về biển đảo, tôi không có điều kiện, thời gian kể ra hết.
- Quân chủng Hải quân đã có những hoạt động gì để chào mừng kỷ niệm 40 năm Giải phóng Trường Sa?
- Chúng tôi đã sớm phát động thi đua sâu rộng trong các đơn vị để hướng tới kỷ niệm 40 năm Giải phóng Trường Sa bằng các hoạt động thiết thực như huấn luyện giỏi, rèn luyện nghiêm và an toàn tuyệt đối để góp phần xây dựng quần đảo Trường Sa và xây dựng Quân chủng Hải quân ngày càng vững mạnh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Nhiều chương trình giao lưu truyền thống nhằm tuyên truyền, giáo dục cán bộ, chiến sĩ, nhân dân hiểu ý nghĩa, mục đích, tầm quan trọng của sự kiện này cũng đã, đang tổ chức. Và một nội dung quan trọng nữa là hoạt động đền ơn đáp nghĩa, tri ân những thế hệ đi trước, những chiến sĩ đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo cũng được thực hiện hết sức chu đáo. Đảng, Nhà nước, Quân chủng Hải quân mãi mãi khắc ghi hành động cao đẹp của Anh hùng liệt sĩ như: Đại úy Vũ Quang Chương - Trạm trưởng và 8 chiến sĩ Nhà giàn DK1/16 Phúc Nguyên, trước sự hung dữ và tàn khốc của cơn bão số 8 năm 1998, nhà giàn bị nghiêng, rung chấn dữ dội, nhưng vẫn kiên trì bám trụ, giữ vững thông tin liên lạc với sở chỉ huy, với tinh thần còn người còn trạm, quyết bám trụ đến cùng. Nhưng sức người có hạn, nhà giàn bị đổ, cả 9 cán bộ, chiến sĩ bị hất tung xuống biển. Lực lượng cứu hộ đã làm hết sức mình nhưng 3 đồng chí của chúng ta: Đại úy Vũ Quang Chương, Chuẩn úy chuyên nghiệp Nguyễn Văn An, Lê Đức Hồng đã gửi lời chào vĩnh biệt đất liền để rồi mãi nằm lại biển khơi, hóa thân cùng sóng nước. Hay như Thượng úy Nguyễn Hữu Quảng - Phó trạm trưởng chính trị Nhà giàn DK1/3 Phúc Tần, trong đêm đen bão ập xuống mỗi lúc một mạnh, giữa cận kề sự sống và cái chết đã nhường chiếc phao cá nhân, miếng lương khô cuối cùng cho chiến sĩ yếu nhất để rồi thanh thản đi vào cõi vĩnh hằng... Còn nhiều lắm những tấm gương như thế cần tiếp tục được tôn vinh, hỗ trợ thân nhân không chỉ trong ngày này mà trong nhiều thời điểm khác.
- Trân trọng cảm ơn Chuẩn Đô đốc!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.