(HNM) - Biển Đông mùa này biển động. Đã không ít lần tàu của chúng tôi chỉ cách các đảo chừng 1km mà không thể vào bờ. Trường Sa lớn là đảo duy nhất của huyện Trường Sa có cầu tàu, nhưng không vì thế mà muốn là có thể cập cảng.
"Thành phố nổi" Trường Sa
Đến với Trường Sa. Ảnh: Thu Giang
Hành trình từ cảng Cam Ranh (Khánh Hòa) tới đảo Trường Sa lớn (thị trấn Trường Sa), "thủ phủ" của huyện Trường Sa chỉ mất già hai ngày đêm. Ấy vậy mà, khi tới nơi, chúng tôi phải tiếp tục chờ đợi thêm quãng thời gian tương tự, chờ sóng yên, biển lặng để có thể cập cảng. Thế mà, khi vào cảng, con tàu tải trọng 1.000 tấn vẫn bị sóng xô thẳng vào cầu tàu rồi bật ra chừng 2m. Toàn bộ thời gian để đưa người cùng quà tặng lên đảo chỉ gói gọn trong 1 giờ để tàu lại nhổ neo ra ngoài khơi neo đậu. Biển thật bao la nhưng cũng thật khắc nghiệt!
Cảm giác chờ đợi thật khó chịu, đặc biệt là với những người lần đầu tới Trường Sa, nhất là khi hòn đảo thân yêu đã ở ngay trước mắt. Nhưng, trong cái rủi có cái may. Khoảng thời gian chờ đợi đó giúp chúng tôi cảm nhận được vẻ đẹp lung linh, huyền ảo của Trường Sa, đặc biệt khi màn đêm buông xuống. Càng gần, càng sốt ruột, càng thấy Trường Sa đẹp và chỉ muốn nhảy ngay xuống biển mà bơi vào với đảo.
Dù đã được đọc, được nghe nhiều, nhưng những gì từ đảo Trường Sa lớn đang hiện hữu trước mắt đám phóng viên trẻ trên boong tàu vẫn khiến chúng tôi ngạc nhiên, ngỡ ngàng. Trường Sa lung linh, huyền ảo giữa biển Đông sóng gió ồn ào. Màn đêm buông xuống, toàn bộ hệ thống đèn quanh đảo đồng loạt bừng sáng, giúp những người đang mệt mỏi sau nhiều ngày bị "sóng vật" - là chúng tôi - ngỡ mình đang tiến vào một thiên đường du lịch. Dù thiếu những hàng dừa duyên dáng, nhưng dám chắc chỉ cần thêm vài khách sạn chọc trời và đèn trang trí nhiều màu sắc, Trường Sa sẽ còn đẹp hơn một Haoai (Mỹ) giữa Thái Bình Dương, hay thiên đường du lịch Bali (Inđônêxia). Phó Chủ tịch UBND huyện Trường Sa Nguyễn Viết Thuân cho biết, thị trấn Trường Sa đã được lắp đặt hệ thống thiết bị sử dụng năng lượng gió, năng lượng mặt trời đồng bộ, tạo ra một "bộ mặt" đô thị của "thành phố nổi Trường Sa". Dãy đèn ven đảo được thắp sáng chính bằng năng lượng mặt trời và sức gió. Hệ thống thiết bị tạo năng lượng dùng sức gió, mặt trời không chỉ giúp Trường Sa đẹp hơn, lộng lẫy hơn mà còn giúp cho việc bảo vệ chủ quyền, phát triển kinh tế - xã hội trên đảo thuận lợi.
Mỗi ngày một sáng
Chiến sỹ hải quân đảo Trường Sa chắc tay súng bảo vệ biển đảo thiêng liêng. Ảnh: Thu Giang
Khi bước chân lên đảo, chúng tôi còn ngạc nhiên hơn với những gì mắt thấy, tai nghe. Đời sống của nhân dân ở thị trấn Trường Sa thực sự sung túc. Dẫn chúng tôi đến những dãy nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, Chủ tịch UBND thị trấn Vi Đức Thanh nói: "Những gì các nhà báo thấy là minh chứng sống động, chắc không cần diễn giải thêm?". Ngoài cơ sở hạ tầng được quy hoạch gọn gàng, hiện đại, chất lượng sống của người dân cũng được bảo đảm với đầy đủ hệ thống giáo dục, y tế, văn hóa… Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nguyễn Quốc Thiện tự hào giới thiệu thêm, nhiều năm nay, không tệ nạn xã hội nào thâm nhập vào được hòn đảo yên bình này.
Tiền nhân đã nói "Ngọc năng giũa, năng sáng". Không chỉ người dân Trường Sa, mà quân dân cả nước đang chung vai, góp sức xây dựng để bảo vệ và phát triển những "viên ngọc" quý nơi đầu sóng, ngọn gió. Trường Sa lớn hiện nay như một "đại công trường" với nhiều công trình dân dụng đang từng ngày mọc lên đáp ứng nhu cầu của quân dân trên đảo. Trong đó, đáng chú ý nhất là công trình "Nhà khách Thủ đô", quà tặng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Hà Nội dành cho Trường Sa thân yêu. Được khởi công xây dựng từ tháng 4-2009, đến nay công trình đã cơ bản hoàn thành, mang nhiều nét kiến trúc độc đáo của Thủ đô nghìn năm văn hiến. Nhà khách 2 tầng, rộng 560m2, gồm 21 phòng, 50 giường, tọa lạc trên vị trí rất đẹp, ngay cạnh cầu tàu - cửa ngõ chính ra vào đảo. Dự kiến, công trình sẽ được khánh thành trong tháng 3, tháng 4 tới. Phó Chủ tịch UBND huyện Trường Sa Nguyễn Viết Thuân đánh giá rất cao ý nghĩa của "Nhà khách Thủ đô", đặc biệt là khánh thành đúng dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Trước mắt, nhà khách sẽ giúp huyện đảo bố trí nơi ăn nghỉ chu đáo hơn cho các đoàn công tác, tham quan mỗi khi tới đảo. Về lâu dài, đây sẽ là một nhân tố quan trọng giúp địa phương có thể đẩy mạnh khai thác thế mạnh du lịch của hệ thống đảo thuộc quần đảo Trường Sa.
Bên cạnh "Nhà khách Thủ đô", giữa trung tâm thị trấn còn đang mọc lên nhiều công trình văn hóa đáp ứng nhu cầu của nhân dân như: Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh do UBND tỉnh Nghệ An tặng, dự kiến cũng sẽ hoàn thành trong năm 2010. Hệ thống năng lượng sạch trên đảo (do Tập đoàn Dầu khí tài trợ) đang được khẩn trương hoàn thành đồng bộ không chỉ ở Trường Sa lớn mà còn trên đảo khác…
Không xa đâu Trường Sa ơi! Cả nước đang dõi về Trường Sa, vì một Trường Sa ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, luôn vững vàng nơi đầu sóng, ngọn gió.