(HNM) - 19h ngày 31-5, tại 465 Hoàng Hoa Thám - Hà Nội, Hãng phim Tài liệu và khoa học trung ương sẽ giới thiệu miễn phí 5 bộ phim tài liệu về biển, đảo Việt Nam. Khán giả và những người làm nghề có dịp tiếp cận những tác phẩm như
Các chiến sĩ trên đảo Trường Sa lớn (năm 1988 còn gọi là đảo Trường Sa). |
Thời gian ra đời của 5 bộ phim nói trên trải dài gần nửa thế kỷ. Mỗi thước phim thấm đẫm tình yêu biển, đảo của người Việt Nam, từ những ngư dân vừa bám biển mưu sinh, giữ chủ quyền thiêng liêng đến những người lính Trường Sa không ngại hiểm nguy gian khó, một lòng vì sự toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải của Tổ quốc. Những bộ phim cho chúng ta hiểu thêm về vùng Biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đã gắn bó máu thịt với người dân Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử đất nước.
Những thước phim quý giá về biển đảo được các đạo diễn tên tuổi của Việt Nam thực hiện. Trong đó, cố đạo diễn, NSND Nguyễn Ngọc Quỳnh là tác giả của hơn 50 phim tài liệu nghệ thuật, từng giành giải thưởng Bông sen Vàng, Bông sen Bạc, Huy chương Vàng trong các liên hoan phim Việt Nam và quốc tế. Bộ phim "Đầu sóng ngọn gió" của ông đã nhận Huy chương Vàng tại Liên hoan phim quốc tế Mátxcơva năm 1967, trước khi đoạt giải Bông sen Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ I - năm 1970. Bối cảnh phim là năm 1967, khi bom đạn còn giội như trút xuống miền Bắc, làng mạc ven biển, hải đảo của Việt Nam hứng chịu sự tàn phá nặng nề. Sau 9 tháng lặn lội cùng đi, cùng sống dưới làn bom đạn với người dân trên đảo - một hòn đảo nhỏ bé như bao hòn đảo trên Vịnh Bắc bộ, đoàn làm phim đã khái quát thành công hình tượng kiên cường của người dân Việt Nam trên vùng biển của Tổ quốc. Ở vị trí "đầu sóng ngọn gió", họ đã sống, lao động cùng lúc đương đầu với thử thách của thiên nhiên và bom đạn đế quốc. Có thể thấy lại bầu không khí hừng hực khí thế bám biển giữ chủ quyền của ngư dân qua lời thuyết minh vừa mạnh mẽ vừa đầy chất thơ của nhà biên kịch Bành Châu: "Mặt biển cùng một lúc bừng lên cả vạn ngọn đèn… cả vạn con thuyền đều mang theo súng và trong cả vạn cây súng đạn đã lên nòng". Các nhà phê bình nhận định: "Việc không xác định không gian của hòn đảo đã giúp mở rộng tầm khái quát của bộ phim. Ngôn ngữ hình ảnh chân thực, thấm đượm chất trữ tình, chứa đựng sự lạc quan, tin tưởng…".
"Đầu sóng ngọn gió" thậm chí được xem như dấu mốc về bước tiến của điện ảnh tài liệu chiến tranh Việt Nam. Một nhà điện ảnh Xô viết từng nói: "Không thể không xúc động và tự hào về nhân dân Việt Nam khi xem bộ phim này. "Đầu sóng ngọn gió" đã kể lại chân thực cuộc sống của những người dân chài bình thường…". Đóng góp cho sự thành công của bộ phim này, phải nói đến một nhà quay phim trẻ tài năng thời ấy là Kiều Thẩm. Lịch sử điện ảnh cách mạng Việt Nam đã dành những dòng trân trọng: "Với những hình ảnh tuyệt vời, mặc dù mới tốt nghiệp và được nhận là quay phim chính, Kiều Thẩm đã đóng góp cho thành công của bộ phim "Đầu sóng ngọn gió".
Người xem sẽ thấy lại dấu ấn tài năng của cố đạo diễn Lê Mạnh Thích, một gương mặt quen thuộc của điện ảnh tài liệu Việt Nam, từng là Giám đốc Hãng phim Tài liệu và khoa học trung ương. Bộ phim "Trường Sa tháng 4 năm 1988" của ông cho thấy một cách chân thực, xúc động về cuộc sống của những người chiến sĩ trên tàu HQ505, trên đảo Sinh Tồn, những người không quản sóng gió, bão biển, sự gian khổ thiếu thốn, "cướp biển", một lòng một dạ hoàn thành nhiệm vụ cao cả mà Tổ quốc giao phó.
Đạo diễn Công Thành Đức từng là lính, là quay phim của Điện ảnh Bội đội Biên phòng. Đạo diễn Đào Thanh Tùng từng viết kịch bản cho phim tài liệu "Đảo thép". Những bộ phim về biển đảo của các anh được chọn chiếu dịp này là "Đảo Lý Sơn", "Biển của người Việt", "Andre Menras - Một người Việt", góp cho người xem có cái nhìn sâu sắc hơn về biển trời Tổ quốc, về chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam đối với Trường Sa, Hoàng Sa.
Tối nay, hãy đến 465 Hoàng Hoa Thám - Hà Nội. Đến và dõi theo những "Trường Sa tháng 4 năm 1988", "Biển của người Việt", "Đầu sóng ngọn gió"…, những thước phim như còn mặn mòi vị biển, chất hiện thực hòa lẫn chất thơ chắc chắn cho ta thêm sức mạnh để bảo vệ vững chắc biển trời của Tổ quốc ta.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.