Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trường lớp, thầy cô là “gốc”

Thống Nhất| 26/10/2010 07:43

(HNM) - Trong dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội lần thứ XV Đảng bộ TP Hà Nội, BCH Đảng bộ nhiệm kỳ vừa qua đã đánh giá: 5 năm qua, GD-ĐT tiếp tục phát triển toàn diện cả về quy mô và chất lượng; công tác đổi mới giáo dục phổ thông có nhiều tiến bộ…

Để có được thành quả ấy, ngành GD-ĐT đã tập trung mọi nguồn lực nhằm bảo đảm chất lượng giáo dục, đặc biệt là về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên.

Trường lớp được chuẩn hóa và ngày một hiện đại

Với quan điểm muốn có "sản phẩm" đạt chuẩn thì các điều kiện làm ra nó cũng phải đạt chuẩn, những năm qua, ngành giáo dục Hà Nội đã đặc biệt quan tâm tới việc xây dựng cơ sở vật chất trường học, đầu tư trang thiết bị cho các trường theo hướng đồng bộ, chuẩn hóa và từng bước hiện đại với đầy đủ các hạng mục phụ trợ cho dạy - học, từ phòng học, khu hiệu bộ, đến thư viện, nhà thể chất, khu vệ sinh, công trình chiếu sáng… Ở những nơi còn có sự khác biệt, đặc biệt ở khu vực mới hợp nhất về Hà Nội, ngành đã tham mưu và được thành phố cấp 1.546 tỷ đồng để xóa phòng học tạm, phòng học cấp 4 xuống cấp để đến nay, sau 2 năm triển khai, bộ mặt của các nhà trường đã có nhiều chuyển biến đáng kể nhờ hơn 5.000 phòng học được xây mới thay thế. Ngoài ra, Hà Nội còn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng để xây mới 24 trường học.

Học sinh Thủ đô luôn được đánh giá cao về mọi mặt. Ảnh: Viết Thành

Trường học Thủ đô không chỉ có "vỏ" đẹp mà "nội dung" bên trong cũng được đầu tư chu đáo. Năm 2010, hơn 300 tỷ đồng đã được đầu tư cho việc cải tạo chiếu sáng học đường và xây dựng công trình vệ sinh, nước sạch. Hà Nội cũng có thể tự hào với những ngôi trường đẹp và hiện đại như Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam (kinh phí hơn 400 tỷ đồng) vừa được khánh thành dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và trong tương lai Thủ đô sẽ còn có những ngôi trường như thế như THPT chuyên Nguyễn Huệ (kinh phí đầu tư 200 tỷ đồng), Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật đa ngành Sóc Sơn (157 tỷ đồng), trường Bồi dưỡng cán bộ giáo dục (126 tỷ đồng). Giai đoạn vừa qua đã đánh dấu bước chuyển biến mạnh mẽ trong việc đầu tư, cải thiện hệ thống trường lớp trên địa bàn thành phố.

Giáo viên giỏi về nghề, gương mẫu về đạo đức

Khắc phục tình trạng "xôi đỗ" về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên (GV) luôn được ngành GD-ĐT coi là nhiệm vụ hàng đầu. Dựa trên kết quả tổng điều tra tình hình đội ngũ cuối năm 2008, Hà Nội đã xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng của ngành theo hướng bám sát yêu cầu thực tế nhiệm vụ và các nội dung của Chỉ thị 40/CT-TƯ của Ban Bí thư, Chỉ thị 35/CT-TU của Thành ủy và Kế hoạch 79/KH-UB của UBND TP Hà Nội về phát triển đội ngũ nhà giáo.

Trong 5 năm qua, mỗi năm trung bình có khoảng 100 cán bộ quản lý, GV được cử đi học sau ĐH; hàng trăm lượt người được đi học nước ngoài để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Kinh phí phục vụ cho công tác đào tạo, bồi dưỡng liên tục tăng, từ 8,4 tỷ đồng (năm 2008) lên 13,4 tỷ đồng (năm 2010). Tổng kinh phí dành cho việc này trong 5 năm qua là 45,5 tỷ đồng. Những nỗ lực ấy đã góp phần đưa tỷ lệ GV đứng lớp ở các cấp học đều đạt chuẩn là 100%, trong đó tỷ lệ GV trên chuẩn ở cấp tiểu học chiếm tới 81%, THCS 56%...

Với nhiệm vụ giáo dục toàn diện, quan điểm của lãnh đạo ngành trong việc phát triển đội ngũ là không chỉ tuyển dụng những người giỏi chuyên môn mà còn giàu nhiệt huyết, thực sự là những tấm gương về đạo đức, lối sống. Việc đánh giá GV không chỉ căn cứ vào chuẩn đào tạo mà còn căn cứ vào "sản phẩm" đào tạo, các kiến thức, kỹ năng của chuẩn nghề nghiệp... Việc tuyển dụng trong giai đoạn qua tiếp tục được phân cấp mạnh mẽ cho cơ sở, tạo thuận lợi để người sử dụng lao động tuyển đúng người phù hợp với yêu cầu công việc. Trong 5 năm, chỉ riêng với khối trực thuộc, đã có hơn 4.000 GV được tuyển mới. Năm học 2010-2011, Hà Nội đã tuyển thêm gần 1.700 GV, kịp thời bổ sung cho số lượng còn thiếu và chưa đồng bộ của các trường.

5 năm qua cũng là thời điểm ghi dấu nhiều nỗ lực của Hà Nội trong việc thực hiện chế độ chính sách cho GV, đặc biệt là với GV mầm non. Một năm sau thời điểm hợp nhất, toàn bộ GV ngoài biên chế ở các trường mầm non khu vực nông thôn ở địa bàn mở rộng đã được hưởng phụ cấp, tham gia bảo hiểm xã hội, y tế từ nguồn ngân sách. Để các cô yên tâm gắn bó với nghề, ngành giáo dục đang tham mưu với UBND TP Hà Nội cơ chế tuyển dụng toàn bộ số GV (khoảng 14.000 người) đang làm việc tại các trường mầm non nông thôn và các cô giáo được hưởng mọi chế độ như một viên chức.

"Trường ra trường, lớp ra lớp", "thầy ra thầy" đã đem đến kết quả là "trò ra trò". Học sinh Hà Nội luôn được đánh giá cao ở mọi lúc, mọi nơi, không chỉ vì kết quả học tập, rèn luyện mà còn vì những phẩm chất cần có ở một con người Thủ đô mới, năng động, sáng tạo, văn minh và thanh lịch.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trường lớp, thầy cô là “gốc”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.