Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trường hợp nào doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh?

22/10/2013 06:56

Xin hỏi quý báo, pháp luật hiện hành quy định những trường hợp nào doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và bị xóa tên trong sổ đăng ký kinh doanh? Lê Văn Thắng (Quận Long Biên, Hà Nội)

Xin hỏi quý báo, pháp luật hiện hành quy định những trường hợp nào doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và bị xóa tên trong sổ đăng ký kinh doanh?
Lê Văn Thắng (Quận Long Biên, Hà Nội)

Thạc sĩ, luật sư Quản Văn Minh (Công ty Luật số 5 - Quốc gia; ĐT: 04.37622619- 37622620; website: www.luatsuvietnam.vn) trả lời:
- Căn cứ khoản 1, điều 59 Nghị định 43/2010/NĐ-CP ngày 15-4-2013 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp thì: Các trường hợp thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được quy định tại khoản 2, điều 165 Luật Doanh nghiệp; điểm g, khoản 1, điều 93 Luật Quản lý thuế.

Tại khoản 2, điều 165 Luật Doanh nghiệp năm 2005 quy định doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và bị xóa tên trong sổ đăng ký kinh doanh trong các trường hợp sau đây: a) Nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký kinh doanh là giả mạo; b) Doanh nghiệp do những người bị cấm thành lập doanh nghiệp theo khoản 2, điều 13 luật này, đó là: + Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình; + Cán bộ, công chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức; + Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam; + Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong các doanh nghiệp 100% vốn sở hữu Nhà nước, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác; + Người chưa thành niên, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự; + Người đang chấp hành hình phạt tù hoặc đang bị Tòa án cấm hành nghề kinh doanh; + Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật về phá sản; c) Không đăng ký mã số thuế trong thời hạn một năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; d) Không hoạt động tại trụ sở đăng ký trong thời hạn 6 tháng liên tục, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc chứng nhận thay đổi trụ sở chính; đ) Không báo cáo về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp với cơ quan đăng ký kinh doanh trong 12 tháng liên tục; e) Ngừng hoạt động kinh doanh một năm liên tục mà không thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh; g) Doanh nghiệp không gửi báo cáo về tình hình kinh doanh của doanh nghiệp khi xét thấy cần thiết cho việc thực hiện các quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005 đến cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn 3 tháng, kể từ ngày có yêu cầu bằng văn bản; h) Kinh doanh ngành, nghề bị cấm.

Ngoài ra, căn cứ quy định tại điểm g, khoản 1, điều 93 Luật Quản lý thuế thì: "Thu hồi giấy chứng nhận kinh doanh, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề" là một trong các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trường hợp nào doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.