(HNM) - Cảnh tượng hoang tàn khiến nhiều người không biết dự án xây dựng Trường THPT Khương Đình có tiếp tục được thực hiện hay không...
Cảnh tượng hoang tàn khiến nhiều người không biết DA này có tiếp tục được thực hiện hay không, trong khi đó hàng chục căn hộ nằm trong vùng DA đã bị xuống cấp nghiêm trọng nhưng không được cải tạo, sửa chữa… Càng bức xúc hơn khi tại một số ngõ nhỏ ở phường này lại được cấp phép xây dựng chung cư mi ni, gây bức xúc cho người dân địa phương.
Nhà hiệu bộ “ngủ đông” suốt 10 năm nay. |
Từ dự án "ngủ đông"...
Năm 2002, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định 2586/QĐ-UB thu hồi 14.524m2 tại phường Khương Đình, giao Ban Quản lý DA quận Thanh Xuân để xây dựng Trường THPT Khương Đình và làm đường theo quy hoạch. Năm 2003, DA đã giải phóng mặt bằng (GPMB) hơn 10.000m2 và nhà thầu đã xây xong nhà hiệu bộ. Hiện nay, nhà hiệu bộ đã trở thành nơi tá túc của một số người di cư tự do. Diện tích còn lại khoảng 3.000m2 là đất nông nghiệp, chưa GPMB của 42 hộ dân trong những năm qua đã bị mua đi, bán lại và một trong số đó đã biến thành nhà ở.
Khoảng năm 2005, UBND quận Thanh Xuân đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (BT, HT, TĐC) đối với 37/42 hộ, trong đó 14 hộ được xét mua nhà TĐC và phải trả tiền mua nhà ngay một lần. Tuy nhiên, các hộ không nhận tiền và đồng loạt có đơn kiến nghị vì số tiền BT, HT không đủ mua nhà TĐC. Những trường hợp còn lại không đồng thuận với phương án BT, đề nghị được HT theo giá đất ở và được mua nhà TĐC. Trước tình hình trên, UBND quận đã nhiều lần có văn bản gửi cơ quan chức năng có biện pháp tháo gỡ và đến năm 2010, quận Thanh Xuân mới ban hành được quyết định phê duyệt, bổ sung chính sách BT, HT cho 35/37 trường hợp (nhưng chỉ có 5/35 hộ nhận tiền). Các trường hợp còn lại vẫn kiến nghị về phương án BT và chính sách TĐC… Hơn 2 năm sau, một lần nữa UBND quận Thanh Xuân lại phải phê duyệt bổ sung phương án BT, HT cho 17 trường hợp, nhưng DA vẫn "dậm chân tại chỗ". Trước thực trạng đó, người dân tiếp tục kiến nghị các cấp điều chỉnh hoặc "xóa sổ" DA để cuộc sống của họ đỡ gặp khó khăn bởi phần lớn các căn hộ đều trong tình trạng xuống cấp nhưng không thể tu sửa, cải tạo vì nằm trong quy hoạch của DA. Trước kiến nghị của người dân, Ban Quản lý DA quận đã làm việc với lãnh đạo các sở, ngành và hiện nay Sở Tài nguyên và Môi trường đang trình UBND thành phố điều chỉnh Quyết định 2586. Sau khi có điều chỉnh, Ban Quản lý DA sẽ báo cáo UBND quận để công khai quy hoạch và kế hoạch triển khai DA.
... Đến việc cấp phép xây dựng "nhà ở riêng lẻ" có nhiều nghi vấn
Khẳng định với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Chủ tịch UBND phường Khương Đình Vương Tiến Hải cho biết, địa bàn phường không có chỗ nào được cấp phép xây dựng chung cư mi ni. Tuy nhiên, tại ngách 29/6 và 29/78 phố Khương Hạ hiện có hai công trình xây dựng dưới vỏ bọc "nhà ở riêng lẻ", nhưng thực chất là chung cư mi ni. Điển hình là công trình của ông Tạ Doãn Ninh (số nhà 26, 28 ngách 29/6 phố Khương Hạ). Theo giấy phép xây dựng (GPXD) do UBND quận Thanh Xuân cấp ngày 3-10-2012 thì đây là công trình nhà ở riêng lẻ, được xây 8 tầng, với chiều cao 25m trên tổng diện tích 140,9m2. Tương tự, công trình tại ngách 29/78 cũng vừa hoàn thiện và khoảng cuối tháng 7-2013 sẽ có gia đình đầu tiên chuyển đến sinh sống. Với mức giá từ 888 triệu đồng đến 1,1 tỷ đồng/căn; mỗi tầng được chia thành 3 căn hộ khép kín. Theo GPXD do UBND quận Thanh Xuân cấp ngày 15-5-2012 thì đây cũng là nhà ở riêng lẻ gồm 6 tầng và 1 tầng bán hầm trên tổng diện tích 198,68m2.
Trong khi mặt bằng chung của khu dân cư chỉ là 4, 5 tầng thì việc cấp phép cho hai công trình này đã gây nhiều bất bình cho người dân. Bởi theo quy định tại phần 5.6.4, Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam (TCXDVN) 353-2005 "Nhà ở liên kế - Tiêu chuẩn thiết kế" do Bộ Xây dựng ban hành kèm Quyết định số 42 ngày 29-11-2005, trong mọi trường hợp nhà ở liên kế không được xây cao hơn 6 tầng. Trong các đường hẻm nhỏ hơn 6m, nhà ở liên kế không được xây cao quá 4 tầng. Thực tế tại ngách 29/6, đường chỉ rộng khoảng 3m và lòng hẻm nơi công trình định vị cũng chỉ rộng khoảng 2m và đường ngách 29/78 cũng chỉ rộng khoảng 5m. Tại phần 6.1, TCXDVN cũng yêu cầu về kiến trúc khi thiết kế nhà ở phải căn cứ vào các hoạt động trong công trình, đối tượng sử dụng… để xác định cơ cấu buồng, phòng. Tuy nhiên, tại bản thiết kế của cả hai công trình trên, nội dung này đều không thể hiện? Bên cạnh đó, theo định nghĩa tại Quy chuẩn xây dựng Việt Nam 03-2009/BXD ban hành kèm Thông tư 33/2009/TT- BXD ngày 30-9-2009, thì "số tầng của ngôi nhà bao gồm toàn bộ các tầng trên mặt đất (kể cả tầng kỹ thuật, tầng áp mái, mái tum) (phần 1.3.9). Vậy nhưng, theo thiết kế, hai công trình trên vẫn được phép có thêm tầng lửng (bán hầm). Vậy tầng lửng tại các công trình này có phải là một tầng riêng biệt? Bởi nếu theo các quy định trên thì hai công trình này thực chất là 7 tầng và 9 tầng! (Những tồn tại đối với công trình tại số 26, 28 ngách 29/6 phố Khương Hạ đã được Báo Hànộimới phản ánh ngày 19-1-2013 - "Việc cấp phép xây dựng công trình tại phường Khương Đình: Nhiều uẩn khúc cần phải làm rõ").
Trước những nghi vấn đối với công trình tại ngách 29/6, người dân đã nhiều lần gửi đơn đến các cơ quan chức năng. Tại văn bản trả lời người dân số 237 ngày 21-3-2013, UBND quận Thanh Xuân chỉ viện dẫn những tài liệu chung chung mà không lý giải về việc vi phạm các quy chuẩn xây dựng hiện hành. Chưa kể, theo văn bản số 2283/QHKT-P8 ngày 9-8-2012 thì công trình này chỉ được xây dựng với mật độ tối đa là 76%, nhưng theo người dân sống ở ngách 29/6 thì công trình đã xây dựng với mật độ 100%... Với việc bố trí 3 căn hộ/tầng, công trình này có sức chứa khoảng 24 hộ gia đình và hiện đã có nhiều người đến sinh sống.
Trong khi nhiều căn hộ nằm trong DA để xây dựng trường học không được cải tạo, sửa chữa mặc dù DA đã "nằm đắp chiếu" từ lâu thì việc hai chung cư mi ni vẫn được bỏ qua nhiều quy định của pháp luật để được cấp phép. Để làm sáng tỏ sự việc, phóng viên Báo Hànộimới đã đặt lịch làm việc với UBND quận Thanh Xuân từ ngày 27-6-2013, nhưng đến nay vẫn không nhận được hồi âm. Không lẽ, quận Thanh Xuân không có câu trả lời thỏa đáng về những khuất tất này?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.