(HNM) - Năm 2014, Hà Nội
"Đầu tiên" và "duy nhất"
Cho đến nay, Hà Nội vẫn là địa phương đầu tiên, duy nhất trên cả nước ban hành quy định cụ thể về trường CLC với những tiêu chí bắt buộc về điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục và chất lượng "đầu ra".
Cơ sở pháp lý và thực tiễn đã phần nào hóa giải nỗi băn khoăn ban đầu về mô hình trường CLC. Việc áp dụng đúng các nguyên tắc khi triển khai trường CLC, nhất là việc bảo đảm cơ hội học tập công bằng đối với HS và chỉ xây dựng trường CLC ở nơi đã có trường công lập đáp ứng đủ chỗ học cho HS diện phổ cập đã giúp xóa đi nỗi nghi ngại về sự bất bình đẳng. Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ khẳng định, sự ra đời của trường CLC đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng đa dạng, ở mức cao của một số phụ huynh, không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của những HS khác bởi mạng lưới trường học hiện nay của Hà Nội có thể đáp ứng nhu cầu học của mọi HS. HS học trường CLC không được cấp định mức hằng năm, lại được hưởng nhiều dịch vụ giáo dục cao hơn nên đương nhiên phải đóng học phí nhiều hơn. Trong khi đó, HS diện đại trà theo học tại các trường công lập được Nhà nước cấp định mức (trên dưới 4 triệu đồng/HS/năm học, tùy theo từng cấp học) và mức học phí chỉ 40 nghìn đồng/HS/tháng; HS năng khiếu được theo học ở các trường chuyên, mức hỗ trợ từ ngân sách hằng năm gấp 3 lần đối với HS trường công lập. Như vậy, mọi HS, tùy theo hoàn cảnh đều được đáp ứng điều kiện học tập.
Hà Nội hiện có 4 trường CLC: Mầm non đô thị Sài Đồng (quận Long Biên), Mầm non 20-10 (quận Hoàn Kiếm), Tiểu học Đoàn Thị Điểm (quận Nam Từ Liêm) và THPT Nguyễn Siêu (quận Cầu Giấy). |
"Đầu ra" chất lượng cao
Thực ra, từ năm 2006, thực hiện Chương trình 07/CTr-TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển một số ngành cung ứng dịch vụ trình độ CLC, Hà Nội đã có 18 trường học thí điểm theo mô hình CLC. 4 trường được "đóng dấu" hiện nay đều nằm trong số này nên trước khi chính thức ra mắt đã có khoảng thời gian khá dài để thích ứng.
Để bảo đảm chất lượng "đầu ra" của "sản phẩm" CLC, trường CLC phải bảo đảm 5 tiêu chí về cơ sở vật chất, giáo viên, chương trình, phương pháp giảng dạy và dịch vụ giáo dục. Các trường CLC có trách nhiệm biên soạn tài liệu giảng dạy nâng cao, có phương pháp giáo dục theo hướng tiếp cận năng lực người học như tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện hiện nay. Mỗi trường phải xây dựng chuẩn "đầu ra" với mục tiêu HS được giáo dục toàn diện và có điều kiện phát huy năng lực cá nhân. Toàn bộ phần việc này đều phải qua thẩm định trước khi thực hiện, khâu hậu kiểm được làm nghiêm ngặt.
Quá trình triển khai một học kỳ năm học 2014-2015 tại các trường CLC ở Hà Nội đã phần nào khẳng định chủ trương xây dựng mô hình trường CLC là phù hợp với nhu cầu hiện nay. Không ít gia đình muốn con được học tập trong môi trường giáo dục tốt nên gửi con đi du học, hoặc theo học các trường quốc tế với mức học phí rất cao. Việc xây dựng trường CLC tại Thủ đô với chất lượng không thua kém "trường ngoại" nhưng mức học phí thấp hơn, đã mở ra sự lựa chọn đáng quan tâm đối với nhiều gia đình. Thực tế tại các trường đã được công nhận CLC và tại các trường đang trong quá trình làm đề án CLC ở quận Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, số lượng hồ sơ đăng ký dự tuyển hằng năm đều tăng, có trường chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu.
Điều làm nên sự khác biệt ở những trường CLC là HS được học theo phương thức trải nghiệm và khẳng định bản thân. Trong khi khá nhiều phụ huynh lo lắng về tình trạng HS hiện nay dường như chỉ biết nhiều về lý thuyết, những kiến thức trên sách vở thì HS ở Trường Nguyễn Siêu - một trong những trường CLC - lại được làm quen với lao động từ sớm. Một phụ huynh có con học lớp 7 tại trường kể rằng con chị có thể tương đối tự lập. Những giờ cả lớp học giặt là, ươm cây, trồng rau, chế biến món ăn hay tập làm thí nghiệm… đã trở thành thường xuyên, quan trọng không kém các bộ môn văn hóa. Với lứa tuổi mầm non, ngoài việc làm quen với tin học, ngoại ngữ, chương trình của các bé phần nhiều là tập nếp sinh hoạt, rèn cách thưa gửi, ứng xử có văn hóa thông qua những tình huống thực tế. Những việc tưởng chừng nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn đối với trẻ trong hành trình phát triển, hoàn thiện nhân cách và trí tuệ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.