Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trường ĐH tự phong GS, PGS: Cần giai đoạn chuyển tiếp

Khánh Vũ| 22/09/2015 07:31

(HNM) - Việc Trường ĐH Tôn Đức Thắng ban hành quyết định tự bổ nhiệm chức vụ Giáo sư, Phó giáo sư (GS, PGS) cho cán bộ, giảng viên trong và ngoài nhà trường đã thu hút nhiều ý kiến của giới chuyên môn trong tuần qua.


Dễ gây nhầm lẫn


Chuẩn bị cho việc bổ nhiệm GS, PGS, Trường ĐH Tôn Đức Thắng cho biết đã nghiên cứu, tìm hiểu rất kỹ các tiêu chí, quy trình phong GS, PGS ở nhiều nước khác. Việc bổ nhiệm nhằm phân công nhiệm vụ các thành viên ở các khoa, phòng rõ ràng hơn, hướng đến phát triển khoa học của nhà trường. Các nội dung, quy định về việc bổ nhiệm GS, PGS sẽ được thông báo rộng rãi trên website của trường để các nhà khoa học, cán bộ trong và ngoài trường có thể đăng ký.

Việc tự bổ nhiệm Giáo sư, Phó giáo sư đối với cán bộ, giảng viên đang thu hút sự chú ý của dư luận. Ảnh: Bảo Kha



Trên thực tế, việc tự phong GS, PGS là điều phổ biến ở nhiều nước có nền giáo dục ĐH tiên tiến. Ở Nhật, một giảng viên ĐH chỉ cần có bằng ĐH và giảng dạy liên tục tại một trường 3 năm trở lên là đủ tiêu chuẩn xét công nhận PGS, đủ 5 năm trở lên thì được xét công nhận GS. Tại Mỹ, giảng viên không có bằng tiến sĩ, không có trình độ ĐH cũng có thể là GS nếu được Hội đồng GS trong trường công nhận. Tất cả những quyết định phong hàm, bổ nhiệm đều do các cơ sở giáo dục quyết định. Chức danh GS, PGS tại các nước nói trên đều được đi kèm tên trường chứ không chung chung như tại Việt Nam. Theo thông lệ của nhiều nước, đây là chức danh nghề nghiệp để làm việc, tương tự như các chức danh khác như bác sĩ, luật sư…

Tuy nhiên, đại diện Hội đồng Chức danh GS Nhà nước, Chánh văn phòng Bùi Mạnh Nhị thì cho rằng việc tự phong của Trường ĐH Tôn Đức Thắng là không có cơ sở pháp lý. Nếu muốn làm thí điểm, nhà trường cần phải có văn bản đề nghị, có đề án trình bày rõ mục đích, tiêu chuẩn, quy trình và được cấp có thẩm quyền cho phép. Song Trường ĐH Tôn Đức Thắng khẳng định việc bổ nhiệm GS, PGS của trường được thực hiện dựa trên quyền tự chủ cho phép thí điểm bởi Quyết định 158 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Trường ĐH Tôn Đức Thắng giai đoạn 2015 - 2017. Đại diện nhà trường cũng đưa ra sự phân biệt với chức danh do Hội đồng phong tặng: GS của trường bổ nhiệm là GS chức vụ, GS của Hội đồng chức danh Nhà nước phong là học hàm.

Đáng lưu ý, mặc dù ủng hộ việc các trường ĐH được thêm quyền tự chủ, nhiều ý kiến vẫn bày tỏ lo ngại về chất lượng và nguy cơ lạm phát GS, PGS trong tương lai. Trao đổi với báo chí, GS Ngô Bảo Châu cho rằng: Chúng ta nên trả lại từ GS về đúng nghĩa của nó, tức là một vị trí làm việc. Nhà nước cũng nên trao quyền bổ nhiệm này cho các cơ sở giáo dục bởi phù hợp với chủ trương chung là giao quyền tự chủ cho các trường ĐH. GS Châu cũng cho rằng, nếu như trường tự phong giảng viên xuất sắc thì không có vấn đề gì, nhưng, việc làm của Trường ĐH Tôn Đức Thắng là đánh đồng nghĩa của từ GS ở nước ngoài với GS ở Việt Nam, gây hiểu nhầm với học hàm GS do Nhà nước phong.

Cần cân nhắc kỹ

Việc tự xác định GS, PGS, mặc dù được khuyến khích làm theo thông lệ quốc tế, song nhiều người e ngại rằng nếu thực hiện ngay như Trường ĐH Tôn Đức Thắng sẽ dẫn tới "lạm phát" GS, PGS.

PGS Nguyễn Thiện Tống, nguyên giảng viên Trường ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh cho rằng: Việc giao quyền tự phong cho các trường cần qua sự chuyển tiếp, quá độ để có thể kiểm soát, nếu không sẽ hỗn loạn. Hội đồng phong GS của các trường phải có những thành viên là GS của Nhà nước để chọn ra người. Như vậy sẽ không có trường hợp vì không đủ tiêu chuẩn GS của Nhà nước mà đăng ký vào trường để được phong GS. GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, một mặt khẳng định ủng hộ việc các trường tự xét công nhận chức danh, mặt khác cho rằng việc thí điểm ở một trường không thuộc top đầu như Trường ĐH Tôn Đức Thắng cần được cân nhắc nhiều hơn.

Ở khía cạnh pháp lý, các chuyên gia cho rằng mặc dù Luật Giáo dục ĐH không đề cập tới vấn đề này, song luật cũng không cấm các trường tự phong GS. Tuy nhiên, việc này cần được điều hành có tính pháp lý và Nhà nước phải sửa lại Luật Giáo dục ĐH. Bên cạnh đó, trước mắt, còn có rất nhiều quy định sẽ liên quan trực tiếp tới vấn đề này cần được cân nhắc. Ví dụ Bộ GD-ĐT quy định mỗi một ngành muốn đào tạo tiến sĩ thì phải bảo đảm được tiêu chí về số lượng GS, PGS theo một tỷ lệ nhất định. Vậy yêu cầu này sẽ được áp dụng thế nào với các GS, PGS do trường tự phong? Chất lượng GS, PGS cũng như chất lượng đào tạo tiến sĩ sẽ ra sao khi các trường lao vào tăng quy mô đào tạo, tăng số lượng GS, PGS? Ngoài ra, việc cấp bách và quan trọng nhất mà các trường cần làm hiện nay là chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo, chất lượng giảng viên thay vì tập trung vào việc tự phong các chức danh.

Chấp thuận việc tự phong chức danh GS, PGS thì phải sửa đổi Luật Giáo dục đại học
Ngày 22-9, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đã triệu tập lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ GD-ĐT để lấy ý kiến về việc Trường ĐH Tôn Đức Thắng tiến hành tự phong chức danh GS, PGS cho các giảng viên trong và ngoài nhà trường. Bộ cho biết đã yêu cầu Trường ĐH Tôn Đức Thắng báo cáo sự việc. Đồng thời, Bộ GD-ĐT cũng đề nghị các đơn vị chức năng của Bộ thu thập ý kiến nhiều chiều, rà soát lại các văn bản pháp quy, trên cơ sở đó, tham mưu cho lãnh đạo Bộ về việc có nên trao quyền phong tặng chức danh GS, PGS cho các cơ sở giáo dục ĐH cũng như đánh giá hiệu quả của quyền tự chủ nói trên. Bộ GD-ĐT cho biết cũng sẽ xin ý kiến của các bộ, ngành và các cơ quan chức năng bởi nếu chấp thuận cho các cơ sở giáo dục ĐH được tự phong GS, PGS thì cần sửa đổi Luật Giáo dục đại học.


(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trường ĐH tự phong GS, PGS: Cần giai đoạn chuyển tiếp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.