(HNM) - Mô hình ĐH ngoài công lập có từ gần 20 năm nay, song việc triển khai mô hình này luôn gặp trở ngại mà nguyên nhân quan trọng nhất là sự mâu thuẫn gay gắt trong vấn đề sở hữu nhà trường cũng như mối quan hệ giữa các nhà giáo dục với nhà đầu tư.
Mâu thuẫn khó dung hòa
"Tranh chấp quyền sở hữu trường diễn ra quyết liệt" là nhận xét của TS Đặng Văn Định, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường ĐH Chu Văn An khi nói về thực trạng vấn đề sở hữu tài sản tăng lên trong quá trình hoạt động của ĐH ngoài công lập. Theo ông, trí tuệ của các nhà sáng lập, các nhà giáo có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển của trường còn chưa được coi như một dạng đầu tư. Người sẵn tiền tìm cách thâu tóm quyền sở hữu vốn góp, còn nhà sáng lập, nhà giáo vốn không nhiều tiền bị loại dần khỏi trường bởi những thủ thuật đậm nét "thương trường như chiến trường". Vai trò quản trị nhà trường của đội ngũ sáng lập, nhà giáo, nhà khoa học mất dần, quyền ấy từng bước rơi vào tay người nhiều tiền.
Sinh viên học tập tại thư viện điện tử Trường đại học Thăng Long. |
Đề cập tới các nhà đầu tư, TS Lê Viết Khuyến, Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục ĐH của Hiệp hội Các trường ngoài công lập tỏ ra chưa yên tâm khi cho rằng, do tâm lý lo lắng, sợ không huy động đủ nguồn tài lực cho trường ĐH tư thục nên để thu hút các nhà đầu tư, "Quy chế tổ chức và hoạt động của trường ĐH tư thục" đã dành nhiều ưu ái cho họ, đặc biệt là cho họ quyền can thiệp trực tiếp vào hoạt động nhà trường như đối với một doanh nghiệp cổ phần.
Chi tiết hơn, GS Hoàng Xuân Sính, Trường ĐH Thăng Long chỉ rõ: Trong quy chế trường ĐH tư thục hiện nay của ta, đang được bổ sung, có nói đến tài sản chung và sở hữu chung do hoạt động của trường mang lại, thực chất của vấn đề là hạn chế cổ tức của cổ đông và hạn chế quyền sở hữu trường của cổ đông. Điều này chắc chắn sẽ gây nhiều rắc rối cho trường và làm tăng mâu thuẫn giữa nhà giáo dục và nhà đầu tư. Mâu thuẫn tiềm tàng ở hội đồng quản trị, nơi có nhà giáo dục và nhà đầu tư có quyền lực trong trường. Nhà giáo dục thì muốn làm sao cho giáo dục và khoa học phát triển tốt trong trường, đội ngũ giảng viên ngày càng được củng cố, nơi học và dạy khang trang, đầy đủ thiết bị... Còn nhà đầu tư thì phải xem hầu bao có còn hay đã vơi đi nhiều, bỏ ra tiền tỉ thì phải biết số lãi là bao nhiêu…
Ai là người sở hữu?
Để giảm nhẹ những mâu thuẫn nói trên, GS Hoàng Xuân Sính cho rằng nên có quy chế ĐH tư thục, không nên coi ĐH tư thục như một công ty theo nghĩa thông thường mà là một "công ty tri thức", Nhà nước cần giúp đỡ ĐH tư thục, nhất là trong mười năm đầu mới thành lập, vì các năm xây dựng thương hiệu đó bao giờ cũng “ăn” vào vốn rất nhiều.
Thẳng thắn cho rằng phần lớn rắc rối phát sinh trong trường tư thục là do mâu thuẫn giữa "quy định về sở hữu" theo mô hình doanh nghiệp với tư duy và các quy định "phi doanh nghiệp" trong nhà trường, ông Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng Trường ĐH FPT đưa ra mô hình áp dụng cho trường mình mà ông cho rằng giải quyết được vấn đề trên. Theo đó, thay vì các cá nhân thành lập trường một cách trực tiếp, sẽ thành lập một công ty giáo dục với vốn góp của các cá nhân, công ty này sẽ thành lập trường. Về sở hữu, trường chỉ có một nhà đầu tư duy nhất là công ty giáo dục. Ông Lê Trường Tùng khẳng định: Về tài chính, không có mâu thuẫn. Về nhân sự, công ty sẽ bầu ra hội đồng quản trị (hội đồng trường), bao gồm cả những người góp vốn hoặc không góp vốn.
Còn GS Trần Phương thì nêu ra ví dụ từ mô hình trường do ông sáng lập và làm hiệu trưởng: Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội không phải là một công ty TNHH, cũng không phải là một công ty cổ phần, mà là một tổ chức hợp tác (hay hợp tác xã) của những người lao động (nòng cốt là những người lao động trí óc), tự nguyện góp sức, góp vốn để xây dựng và phát triển trường. GS Trần Phương khẳng định nguyên tắc: Trường phải có chủ, song vấn đề là dựa vào tiêu chí nào để xác lập vị thế người chủ của trường. Có ý kiến cho rằng cả vốn góp và lao động đều là tiêu chí để xác lập vị thế người chủ. Về lý thuyết thì có thể chấp nhận như vậy. Nhưng, đi sâu hơn thì thấy rằng lao động là tiêu chí rất khó định lượng. Mỗi giáo sư hay người lao động sơ cấp phải làm việc không lương cho trường bao nhiêu thời gian thì được xem là góp vốn bằng lao động? Do tính chất phức tạp của việc góp vốn bằng lao động nên ý tưởng này đã bị gạt bỏ. Chỉ còn lại tiêu chí góp vốn bằng tiền.
Nguyên tắc nói trên đặt ra câu hỏi ai có quyền quyết định công việc của nhà trường? GS Trần Phương dẫn giải: Có ý kiến cho rằng quyền quyết định phải trao vào tay những người có số vốn góp lớn nhất. Ý kiến phản bác cho rằng thành công của một trường ĐH không phụ thuộc vào số vốn góp lớn, mà phụ thuộc vào trí tuệ. Vì vậy, điều lệ của trường quy định mỗi cổ đông có một phiếu biểu quyết tại Đại hội đồng cổ đông, không phụ thuộc vào số vốn góp nhiều hay ít.
Tuy nhiều quan điểm với các cơ chế hoạt động khác nhau, song các chuyên gia đều thống nhất rất cần thiết có sự minh bạch về khái niệm và cơ chế lợi nhuận với một quy chế hoạt động hoàn thiện cho các trường ngoài công lập để khu vực này phát triển, có lượng SV chiếm 40% vào năm 2020 như kỳ vọng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.