Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trường đại học không vì lợi nhuận: Chật vật gỡ khó

Quỳnh Phạm| 18/08/2015 06:46

(HNM) - Điều lệ trường đại học (ĐH) có hiệu lực từ cuối năm 2014 vừa qua được coi như hành lang pháp lý tạo điều kiện thuận lợi cho các trường ĐH hoạt động không vì lợi nhuận. Tuy nhiên, nhiều trường, dù khẳng định theo cơ chế không vì lợi nhuận nhưng vẫn gặp khó khăn để được công nhận và hoạt động đúng theo cơ chế này.


10 năm mới có hành lang pháp lý

Từ năm 2005, tại Nghị quyết 05, Chính phủ đã khẳng định phát triển mạnh các cơ sở ngoài công lập, trong đó Nhà nước khuyến khích phát triển các cơ sở phi lợi nhuận. Để định hướng cho hoạt động của các cơ sở giáo dục ĐH ngoài công lập, cũng trong năm đó, Thủ tướng đã ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường ĐH tư thục, sau này được thay thế bằng quy chế mới ban hành tại Quyết định số 61/2009/QĐ-TTg, được sửa đổi và bổ sung tại Quyết định số 63/2011/QĐ-TTg. Tuy nhiên, trong cả hai quy chế nói trên, trường ĐH tư thục chỉ mới được hiểu theo mô hình công ty cổ phần, điển hình cho kiểu trường ĐH tư thục đi theo cơ chế vì lợi nhuận. Phát hiện thấy sự bất hợp lý nói trên, nhiều đề xuất đã được đưa ra nhằm sớm xác lập sự hiện diện của mô hình trường ĐH không vì lợi nhuận.

Một giờ thực hành trên máy tính của sinh viên Trường Đại học Hoa Sen. Ảnh: Bách Sen



Theo PGS Chu Hảo, đại diện của Trường ĐH Phan Châu Trinh, sự tồn tại trong hơn 10 năm của Quy chế 61 đã tạo thuận lợi cho những người nhiều tiền có cơ hội sở hữu một trường ĐH dễ hơn chiếm đoạt một doanh nghiệp (vì chỉ cần thỏa mãn điều kiện sở hữu 51% vốn góp). Mô hình đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển nhượng cổ phần giữa các cổ đông, làm thay đổi thành phần cổ đông và do đó, dễ làm cho đường hướng phát triển của trường ĐH tư thục có sự bất ổn định. Trong một thời gian quá dài, do chưa có quy chế cho trường hoạt động không vì lợi nhuận, nhiều trường đã phải thuận theo Quy chế 61 để trường được ra đời.

Đáp ứng sự mong mỏi trong suốt nhiều năm của xã hội, cuối năm 2014, Điều lệ trường ĐH ban hành tại Quyết định 70/2014/QĐ-TTg đã dành Mục 4 - Chương 3 quy định về tổ chức và quản lý của trường ĐH tư thục hoạt động không vì lợi nhuận. Điều 29 khẳng định Hội đồng quản trị đại diện cho quyền sở hữu chung của cộng đồng nhà trường, là cơ quan quyền lực cao nhất của nhà trường. Ngoài ra, đại diện cho các thành viên góp vốn sẽ không chiếm tỷ lệ cao mà chỉ chiếm không quá 20% tổng số thành viên của Hội đồng quản trị. Tuy nhiên, những trường tư thục ngay từ đầu đã quyết định đi theo hướng không vì lợi nhuận, nhưng đã buộc phải chấp nhận Quy chế 61 thì gặp khó khăn rất lớn, thậm chí vô vọng khi muốn chuyển về loại hình trường không vì lợi nhuận như mong muốn ban đầu. Nút thắt nằm ở quy định tại Điểm b, Khoản 2 - Điều 34: Muốn chuyển đổi phải thu đủ sự ủng hộ của đại diện tối thiểu 75% tổng số vốn góp của các thành viên góp vốn.

Theo PGS Chu Hảo, quy định này có thể là thích hợp với các công ty cổ phần hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhằm bảo đảm lợi ích của các cổ đông nhỏ, nhưng hoàn toàn không phù hợp với hoàn cảnh của các trường ĐH tư thục hiện đang hoạt động theo Quyết định 61 (2009) và Quyết định 63 (2011).

Không phải cá biệt

Trước những bất cập nói trên, một số trường kiến nghị Thủ tướng cho phép những trường tư thục ngay từ khi thành lập đã định hình đi theo hướng hoạt động không vì lợi nhuận (thể hiện trong Đề án xin mở trường và trong Quy chế tổ chức, hoạt động) được đặc cách chuyển qua cơ chế hoạt động không vì lợi nhuận mà không bị lệ thuộc vào quy định tại Điểm b, Khoản 2 - Điều 34 của Điều lệ trường ĐH, với yêu cầu trường thoái vốn (bảo toàn vốn góp, kể cả chấp nhận tỷ lệ lãi suất hợp lý) cho những cổ đông không có ý định đi theo hướng không vì lợi nhuận. Trường ĐH Hoa Sen, sau nhiều kiến nghị lên Thủ tướng, hiện đang được Thủ tướng yêu cầu làm hồ sơ để được xem xét, quyết định công nhận là trường không vì lợi nhuận.

Đề xuất nói trên của một số trường đã nhận được sự chia sẻ của nhiều nhà quản lý giáo dục. Tuy nhiên, bên cạnh đó, GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội cho rằng việc đáp ứng kiến nghị này là rất khó khăn, vì làm như thế nghĩa là Nhà nước "lờ" đi quyền lợi của những người phản đối. Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, có hai cách để giải quyết vấn đề. Thứ nhất là thương lượng để mua lại cổ phiếu của những cổ đông phản đối, chấp nhận đưa ra quyền lợi cao để họ đồng ý bán lại cổ phần. Thứ hai, cực chẳng đã thì tách trường theo 2 cơ chế hoạt động - vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận.

Phản hồi lại ý kiến trên, Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen Bùi Trân Phượng nhấn mạnh là Hoa Sen không yêu cầu được ngoại lệ mà chỉ đề nghị chấp nhận một thực tế là trường đang hoạt động không vì lợi nhuận. Tại đại hội cuối cùng của trường trước khi Điều lệ đại học 2014 có hiệu lực, sau rất nhiều tranh cãi, 100% thành viên góp vốn của trường đều đồng ý giữ nguyên quy chế tổ chức và hoạt động phi lợi nhuận của trường. Tại Trường ĐH Phan Châu Trinh, Hội đồng quản trị của trường đã khẳng định thực hiện cơ chế không vì lợi nhuận, đồng thời cho biết đang đề nghị Chính phủ cho phép phối hợp với Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam tiến hành thí điểm tại trường mô hình trường ĐH tư thục không vì lợi nhuận. Đề xuất này đã được Bộ GD-ĐT ủng hộ và trình lên Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh ý kiến đóng góp để giải quyết những khó khăn của các trường ĐH không vì lợi nhuận, nhiều nhà quản lý giáo dục cũng cho rằng, các trường tư cần chặt chẽ hơn trong việc mời cổ đông, nên quy định rõ ràng thay vì trông chờ quá nhiều vào lòng tốt của nhà đầu tư. Đồng thời, nên tìm những cổ đông thực sự có "hằng sản", "hằng tâm", không nên tìm cổ đông mong muốn góp vốn để chia lợi nhuận.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trường đại học không vì lợi nhuận: Chật vật gỡ khó

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.