Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trước mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2015: Quy chế mới, nỗi lo mới

Quỳnh Phạm| 03/03/2015 06:58

(HNM) - Quy chế kỳ thi THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) vừa được Bộ GD-ĐT công bố cho thấy, nhiều quy định đã được thay đổi theo hướng thực tế và đơn giản hơn cho công tác tổ chức kỳ thi cũng như cho việc chuẩn bị của thí sinh.


So với những điều đã từng được bàn luận, quy chế không nêu việc áp dụng mã vạch trong phiếu đăng ký xét tuyển hay là việc xử lý dữ liệu tuyển sinh cho tất cả các trường ĐH, CĐ trong cả nước bằng một phần mềm dựa trên thuật toán của nhà toán học đoạt giải Nobel. Tuy nhiên, nhiều trường ĐH, CĐ lại đang lo lắng với một số vấn đề mới nảy sinh.

Thí sinh làm bài thi tại Hội đồng thi Trường Đại học Ngoại thương năm 2014. Ảnh: Ngọc Châu



Thực tế hơn

Quy chế mới ban hành được lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định là tạo nhiều thuận lợi cho thí sinh so với trước đây. Thí sinh chỉ phải dự thi một lần, kết quả được sử dụng theo các tổ hợp môn thi khác nhau để xét tuyển sinh ĐH, CĐ chứ không phải thi thành các đợt khác nhau như các năm trước đây. Khoảng cách di chuyển của thí sinh được rút ngắn hơn so với những năm trước khi các em dự thi tại trường ĐH, CĐ trong cả nước hoặc tại bốn cụm thi quốc gia ở Hải Phòng, Vinh, Quy Nhơn và Cần Thơ. Đặc biệt, thí sinh được đăng ký xét tuyển sau khi có kết quả thi nên có cơ sở để lựa chọn ngành, trường phù hợp.

Năm nay, mỗi thí sinh sẽ nhận được 4 giấy chứng nhận kết quả thi. Với mỗi giấy chứng nhận kết quả, các em được đăng ký tối đa 4 nguyện vọng vào 4 ngành hay nhóm ngành khác nhau của một trường. Ở đợt xét tuyển đầu tiên, các em được phép thay đổi nguyện vọng xét tuyển trong thời hạn cho phép là 20 ngày, còn các năm trước, thí sinh không có quyền này. Bộ GD-ĐT yêu cầu, cứ 3 ngày 1 lần, các trường phải công bố tình hình xét tuyển của trường sau khi đã cập nhật và sắp xếp danh sách thí sinh theo điểm từ cao xuống thấp để thí sinh theo dõi và lựa chọn. Với 3 giấy chứng nhận kết quả còn lại, thí sinh sử dụng để xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Từ đợt 2 trở đi, trong mỗi đợt, các em có thể sử dụng cả 3 giấy chứng nhận kết quả này. Cần lưu ý là điểm xét tuyển đợt sau không được thấp hơn điểm trúng tuyển đợt trước.

Theo Quy chế tuyển sinh, ngoài các đối tượng tuyển thẳng vào ĐH, CĐ như năm trước, năm nay có thêm một số đối tượng thuộc diện này: Thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, học 3 năm và tốt nghiệp THPT tại các huyện nghèo (học sinh học phổ thông dân tộc nội trú tính theo hộ khẩu thường trú), tính đến ngày nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển theo quy định của Chính phủ và thí sinh 20 huyện nghèo biên giới, hải đảo thuộc khu vực Tây Nam bộ. Những thí sinh này phải học bổ sung kiến thức 1 năm học trước khi vào học chính thức.

Người có bằng trung cấp loại giỏi trở lên và người có bằng trung cấp loại khá có ít nhất 2 năm làm việc theo chuyên ngành hoặc nghề đã được đào tạo (nếu chưa có bằng tốt nghiệp THPT thì phải học và được công nhận hoàn thành các môn văn hóa trong chương trình giáo dục THPT theo quy định của Bộ), được tuyển thẳng vào cùng chuyên ngành trình độ CĐ. Người có bằng tốt nghiệp trung cấp giành một trong các giải nhất, nhì, ba tại các kỳ thi tay nghề quốc gia (nếu chưa có bằng tốt nghiệp THPT phải học và được công nhận hoàn thành các môn văn hóa trong chương trình giáo dục THPT theo quy định của Bộ) được tuyển thẳng vào trường CĐ để học ngành, nghề phù hợp với nghề đã đoạt giải.

Sẽ có hai mức điểm chuẩn cho một ngành?

Bên cạnh những nội dung thể hiện được tinh thần đổi mới, một số chuyên gia cho rằng có một số quy định trong Quy chế tuyển sinh mới ban hành sẽ sớm phải thay đổi. Đó là quy định: Những trường sử dụng tổ hợp môn thi mới ngoài các khối thi truyền thống để xét tuyển cho một ngành hoặc nhóm ngành cần dành ít nhất 75% chỉ tiêu của ngành hoặc nhóm ngành đó để xét tuyển theo các tổ hợp môn thi tương ứng với các khối thi truyền thống. Theo chủ trương đổi mới, các khối thi truyền thống được khuyến khích thay thế bằng các tổ hợp môn cho phù hợp với nhu cầu đào tạo của thí sinh, của nhà trường cũng như yêu cầu của xã hội. Tuy nhiên, việc các trường đưa ra nhiều tổ hợp xét tuyển dễ gây "loạn" cho thí sinh, Bộ GD-ĐT đã siết lại bằng các quy định ưu tiên cho khối thi truyền thống và "chốt" tỷ lệ 75% chỉ tiêu xét tuyển theo khối thi truyền thống. Ngay sau khi quy chế được ban hành, Báo Hànộimới đã có bài phân tích về nội dung này mà theo đó, với quy định nói trên, sự "công bằng" dành cho thí sinh thi theo khối thi truyền thống sẽ phải trả bằng cái giá quá đắt.

Về mặt kỹ thuật, điều bất cập mà quy định này đem lại là sẽ có ít nhất hai mức điểm chuẩn cho cùng một ngành, một mức điểm dành cho khối truyền thống và một mức điểm dành cho các tổ hợp môn mới. Đó là chưa kể, nếu điểm sàn của mỗi khối khác nhau thì điểm chuẩn theo khối cũng sẽ chênh lệch theo. Theo các chuyên gia, điều này không chỉ tạo sự rắc rối khi xét tuyển mà còn gây nên sự thiếu công bằng trong tuyển sinh. Trước mắt, để tránh tình trạng này, đã có trường đề xuất bãi bỏ các tổ hợp môn mới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trước mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2015: Quy chế mới, nỗi lo mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.