(HNM) - Chỉ còn một tuần nữa, Tết Trung thu sẽ đến với các em nhỏ khắp mọi miền của đất nước. Nhưng những ngày này, nhiều con phố của Hà Nội đã tràn ngập không khí ngày hội đêm rằm với những chiếc mặt nạ thân quen của tuổi ấu thơ, những chiếc đèn ông sao muôn màu, những tiến sĩ giấy, ông đánh gậy…
Sau một thời gian thị trường đồ chơi trung thu tràn ngập hàng có xuất xứ Trung Quốc, giờ đây đồ chơi truyền thống lại lên ngôi... Trước hội Trăng rằm, quả thực có rất nhiều điều đáng để suy nghĩ về sức sống bền bỉ, mạnh mẽ của dòng chảy văn hóa dân gian.
Bà Tuyến say sưa làm đèn ông sao. |
Quen thay tiếng trống
Đã nhiều năm nay, người dân ở phố Hàng Lược, Hàng Mã (Hoàn Kiếm) đã quen với tiếng trống rộn rã vang lên tại gian hàng nhỏ bé của bà Nguyễn Thị Thụng (ở phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm) mỗi dịp Trung thu. Gian hàng như một địa chỉ quen thuộc với nhiều cô cậu học trò. Không ồn ào với những âm thanh lạ tai, cũng không sặc sỡ màu mè với đủ thứ ánh sáng phát ra như những loại đồ chơi xuất xứ Trung Quốc, gian hàng của bà Thụng giản đơn và có sức níu bước chân người qua đường đến lạ kỳ. Nhiều cháu bé xếp hàng, háo hức chờ đến lượt mình được đánh trống. Gian hàng lưu động chỉ chừng vài mét vuông chứa đủ các loại trống nhưng bà Thụng vẫn không ngại khi để nhiều cháu nhỏ sà vào ngồi đánh trống. Tiếng trống vang lên khiến khu phố sầm uất hơn, thu hút sự chú ý của khách tham quan. Vừa bán hàng, bà Thụng vừa vui vẻ kể chuyện: Tôi bán hàng ở khu phố này từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước. Ngày ấy, những gian bán hàng trung thu chỉ đơn sơ với những quả bưởi tỉa hình chó, mèo, quả dưa hấu tỉa hình bông hoa… Dần dần, tôi bán thêm cả đèn ông sao, đèn cù… Nhưng theo dòng thời gian, hòa với cơ chế thị trường, các đồ trò chơi dân gian dần nhường chỗ cho các loại đèn Trung Quốc sặc sỡ đủ sắc màu kèm theo những tiếng nhạc chói tai… Ấy vậy mà bà Thụng vẫn kiên trì, chỉ bán những đồ chơi dân gian. Trống của bà Thụng do người dân làng nghề làm trống ở làng Đọi Tam (xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) sản xuất với chất liệu là gỗ mít, da trâu… Số lượng trống bán qua các mùa trung thu không đều. Mùa Trung thu năm trước, bà Thụng bán khoảng 5.000 chiếc, nhưng mùa Trung thu năm nay mới bán khoảng 2.000 chiếc.
15 năm chưa phải đã nhiều, nhưng đủ đi qua ký ức thời thơ ấu của mỗi con người. 15 năm qua, tiếng trống rộn ràng nơi góc phố nhỏ Hàng Lược đã quen lắm và thân thương lạ! Hình ảnh bà Thụng tranh thủ lúc bán hàng hướng dẫn cách đánh trống cho những khách nhí đã làm nhiều người yêu quý bà hơn. Chẳng thế mà mỗi độ Trung thu, nhiều ông bố, bà mẹ vẫn thường xuyên mang con đến nhờ bà chỉ bảo cách đánh trống. Có lẽ vì vui, lạ, nhiều cháu nhỏ ở các phố quanh đó vẫn ngóng, sau giờ học bài buổi tối lại kéo đến cửa hàng của bà. Thậm chí, có cháu theo bà từ ngày học lớp 1, đến giờ học lớp 10 vẫn “say” gian hàng trống của bà. Rảnh lúc nào lại ghé qua hàng của bà gõ mấy tiếng cho đỡ nhớ. Bé Vy ở phố Hàng Chai, bé Sang ở phố Hàng Lược… là những “tay trống” quen thân của cửa hàng…
Chị Lê Thị Quang ở phố Quang Trung (Hoàn Kiếm) cho hay: Mùa Trung thu nào tôi cũng cho hai con trai đến đây. Con tôi rất háo hức vì được xếp hàng đánh trống. Tiếng trống ấy thân thuộc, gần gũi, kéo tôi về tuổi thơ. Gian hàng của bà Thụng không có mặt hàng gì đặc biệt, nhưng thu hút được mọi người bởi trong không gian ấy, tiếng trống như làm con người ta bừng tỉnh, trở về với cội nguồn… Bà Thụng chia vui: Vì yêu trống nên tôi tự mày mò, tích lũy cho bản thân. Biết đến đâu, tôi bảo các cháu đến đó chứ làm gì có kiến thức sách vở. Trung thu là Tết của các cháu nhỏ, bán được nhiều hay ít hàng không quan trọng. Tôi chỉ mong các cháu nhớ về cội nguồn, biết được truyền thống ông cha và không quên tiếng trống lễ hội với sức sống đã hàng ngàn đời nay…
Gìn giữ nét xưa
Trước ngày hội Trăng rằm, quả thực có rất nhiều điều đáng để suy nghĩ về sức sống bền bỉ, mạnh mẽ của dòng chảy văn hóa dân gian. Trở về làng Hậu Ái, xã Vân Canh (huyện Hoài Đức) hỏi bà Tuyến làm đèn ông sao hầu như ai cũng biết. Ngôi nhà nhỏ tràn ngập tre, nan, giấy bóng… Hàng dài những ông tiến sĩ giấy đang chờ được làm lọng, những đèn ông sao, đèn tôm, cá đang chờ dán giấy bóng. Những chiếc đèn được làm chắc chắn, các cánh ngôi sao được buộc rất cẩn thận. Bàn tay thoăn thoắt bôi hồ lên từng cạnh của ngôi sao, từng mảnh giấy được đặt lên, vuốt thẳng… Cứ thế, từng cánh sao của chiếc đèn được dần hoàn thiện.
Bà Nguyễn Thị Tuyến bắt đầu câu chuyện với chúng tôi về ký ức của làng Hậu Ái, ngôi làng từng được coi là chiếc nôi chuyên làm đèn, đồ chơi truyền thống trong mỗi dịp Tết Trung thu. “Tôi không biết nghề làm đèn trung thu bắt đầu ở làng Hậu Ái từ bao giờ, chỉ biết tôi đã là đời thứ 3 làm nghề này. Mấy chục năm trước, cả làng có khoảng 20 hộ chuyên làm đèn các loại phục vụ cho trung thu. Hàng làm đến đâu, hết sạch đến đó. Cả làng tấp nập, nhộn nhịp mỗi độ thu về. Nhưng khi nền kinh tế mở cửa, đồ chơi Trung Quốc tràn ngập thị trường, đồ chơi dân gian bị lép vế, mai một dần. Từ đó, nhiều người bỏ hẳn nghề, không mấy người còn vương vấn. Sự xao nhãng với đồ chơi dân gian ngày càng hiển hiện rõ. May thay, đầu những năm 2000, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã về gia đình tôi đặt hàng làm đèn ông sao. Dần dà, một số địa chỉ trong các phố cổ Hà Nội cũng đến đặt hàng, mời tôi về thể hiện cách làm các loại đèn trung thu truyền thống để khách tham quan thưởng ngoạn. Từ đó, tôi lại gắn với nghề và càng yêu nghề hơn. Trước đây, trong ngày trông trăng không thể thiếu ông tiến sĩ giấy và hai ông đánh gậy, bởi đây là những hình ảnh tượng trưng cho sự ham học, cầu tiến… Nhưng đến nay, hình ảnh này đã bị lu mờ. Thậm chí, nhiều người còn không biết đến những ông tiến sĩ giấy để làm gì… Một số viện bảo tàng và trường học đã khơi lại nét văn hóa này. Cũng đáng mừng, nét văn hóa ấy đã tác động đến ý thức khá nhiều người. Gần đây, nhiều người ở tận Hải Dương, Vĩnh Phúc đến tận nhà, đặt hàng tôi làm tiến sĩ giấy và hai ông đánh gậy để gửi về quê. Dẫu sao, những nét văn hóa này vẫn còn đất sống...
Vì nghề làm đèn ông sao và các loại đèn trung thu chỉ tập trung vào dịp Rằm tháng Tám, cả làng lại không còn ai làm nên bà Tuyến phải lặn lội hàng chục cây số mua tre, nứa về làm nguyên liệu. Những chiếc đèn được làm hoàn toàn thủ công, nguyên liệu thân thiện, gần gũi với cuộc sống con người. Từ chẻ tre, vót nan, tạo hình, dán giấy, mỗi ngày một người thợ lành nghề cũng chỉ làm khoảng 5 đến 7 đèn ông sao… Tuy thế, giá bán một chiếc đèn chẳng được là bao nên không ai mặn mà với nghề. “Tôi rất mừng khi được làm nghề, nhưng lại lo vì không có ai theo nghề. Tôi muốn truyền nghề, nhưng chẳng mấy người kiên trì theo được. Nghề chỉ có một mùa, thu nhập lại thấp trong khi người lao động phải tỉ mẩn, mất nhiều thời gian… khiến ít người quan tâm” - Bà Tuyến đôi hồi.
Cái nôi làm đèn trung thu một thuở giờ đã rơi vào quên lãng, ít người bận tâm. Thế nhưng, người phụ nữ ấy vẫn âm thầm gìn giữ nét quê. Những dịp được các đơn vị mời đến giới thiệu cách làm đèn, bà Tuyến lại háo hức. Hình ảnh những cô, cậu học trò thích thú xuýt xoa, những khách du lịch nước ngoài trầm trồ thán phục như một sự động viên, khuyến khích. Để rồi về với cuộc sống bình dị, bà Tuyến lại tận tụy sống với thế giới của đèn ông sao, của những ông tiến sĩ giấy… Qua nhiều kênh tuyên truyền, vài năm trở lại đây những trò chơi dân gian ít nhiều đã được người dân lưu tâm hơn, trở thành động lực, tiếp sức cho những người như bà Thụng, bà Tuyến gìn giữ, vun đắp thêm sức sống của dòng chảy văn hóa dân gian thắm đượm hồn quê.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.