Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trước “hố đen” mới

Trung Hiếu| 04/04/2010 03:49

(HNM) - Sức ép từ phía các cường quốc phương Tây, đứng đầu là Mỹ với Iran về một lệnh trừng phạt mới ngày một tăng. Bất chấp việc ngày 1-4, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương khẳng định, Bắc Kinh sẽ cố hướng đến một nghị quyết hòa bình, nhưng các nhà quan sát cho rằng, dường như "gươm đã rút khỏi vỏ" và khó có thể dừng lại quá trình này.

Trong dự thảo được Mỹ và các nước phương Tây gửi tới Nga và Trung Quốc cách đây ít ngày đề xuất các biện pháp trừng phạt chủ yếu nhằm vào lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo - lưỡi gươm của lực lượng quân sự Iran; ngành bảo hiểm và hàng hải của nước này... Nếu đề xuất này thành hiện thực, Iran sẽ bị cô lập với thế giới qua đường biển, nền kinh tế sẽ bị đóng băng trên hầu hết các lĩnh vực.

Bên trong nhà máy hạt nhân của Iran ở Busê.

Sau sự kiện Trung Quốc nhất trí sẽ bắt đầu đàm phán về các biện pháp trừng phạt cụ thể đối với Têhêran, Nhà Trắng đã lên tiếng xem đây là bước đi quan trọng và hy vọng quốc tế sẽ sớm có một lệnh trừng phạt mới với Iran.

Dự kiến tuần tới, Nhóm P5+1, gồm 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên hợp quốc và Đức, sẽ gặp nhau tại Niu Yoóc (Mỹ) thảo luận biện pháp trừng phạt mới; sau đó sẽ thống nhất với 10 Ủy viên không thường trực trong HĐBA. Nếu được thông qua, kết quả sẽ là nghị quyết thứ 4 của Liên hợp quốc đối với chương trình hạt nhân của Têhêran.

Từng bước một, vòng vây đang siết chặt chính quyền của Tổng thống M.Amađinêgiát. Tuy nhiên, phương Tây có được sự đồng thuận của Trung Quốc hay Nga, hai quốc gia luôn phản đối trừng phạt Iran là không hề đơn giản. Để giành được sự ủng hộ của Nga và Trung Quốc, theo báo chí Mỹ, hồi cuối tháng 3-2010, Nhà Trắng đã phải "xuống thang" trong đề xuất các biện pháp trừng phạt. Theo đó, các biện pháp phong tỏa hành lang vận chuyển hàng không cũng như đường biển của Iran đã giảm thiểu. Ngoài ra, Mỹ cũng thu hẹp "đối tượng" trừng phạt và chủ yếu chỉ nhằm vào "các trung tâm quyền lực lớn ở Iran, đặc biệt là lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo", đồng thời tăng sức ép hiện có đối với Têhêran.

Về phần mình, Iran đã có những tìm kiếm "hóa giải". Chuyến công du tới Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Têhêran, do Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Iran Xaít Gialili dẫn đầu, ngay trong đầu tháng 4 này nằm trong cuộc tìm kiếm đó, sẽ diễn ra ngay sau cái "gật đầu" của Trung Quốc với đề xuất trừng phạt của phương Tây. Khẳng định lại quan hệ với đối tác mà Iran cung cấp tới 11% nhu cầu năng lượng là Trung Quốc, không chỉ tạo chỗ dựa cho Têhêran về kinh tế mà còn giúp quốc gia Hồi giáo này có thêm thuận lợi trên trường đối ngoại trong bối cảnh hiện nay. Ngay sau chuyến thăm, ngày 2-4, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì, một lần nữa kêu gọi tất cả các bên liên quan tiến hành đàm phán thêm và "chứng tỏ sự linh hoạt" để giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran thông qua đối thoại và thương lượng". Về phần mình, ông X.Gialili cũng kêu gọi phương Tây đàm phán và không đi kèm các đe dọa trừng phạt.

Hiện tại, Trung Quốc, nước có quyền phủ quyết tại HĐBA tiếp tục hối thúc các bên liên quan có thêm các cuộc đàm phán để giải quyết những bất đồng và tái khẳng định nước này sẽ nỗ lực để đạt được một "nghị quyết hòa bình" cho vấn đề hạt nhân của Iran. Người phát ngôn Tần Cương cũng vừa thông báo Chủ tịch Hồ Cẩm Đào sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh về an ninh hạt nhân do Tổng thống Mỹ Barắc Ôbama chủ trì tại Oasinhtơn ngày 12 và 13-4 tới. Nhật Bản, nước giữ vai trò Chủ tịch HĐBA trong tháng này, cũng cho biết sẽ chú trọng các nỗ lực ngoại giao với chương trình phát triển hạt nhân gây tranh cãi của Iran...

Dẫu vậy, với những gì đang diễn ra, cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran chẳng những vẫn chưa tìm được lối thoát, mà còn đang đứng trước một hố đen mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trước “hố đen” mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.