(HNM) - Vụ việc sai phạm tại di tích quốc gia chùa Trăm Gian, xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) tạm thời lắng xuống. Song, những bất cập trong công tác quản lý, tu bổ, tôn tạo di tích hiện nay vẫn chưa hết
Nền móng mới cho gác khánh chùa Trăm Gian. Ảnh: Đỗ Doãn Hoàng |
Chính quyền cơ sở làm ngơ?
Vụ việc sai phạm tại chùa Trăm Gian có lẽ đã không nóng như vậy nếu các cấp chính quyền huyện Chương Mỹ không nhất nhất khẳng định là "không biết gì". Cho đến khi không thể né tránh, ông Vũ Văn Doãn, Chủ tịch UBND xã Tiên Phương mới thừa nhận chính quyền xã có biết việc này. Cụ thể là ngày 1-6 âm lịch (tức ngày 19-7-2012), trước ngày hạ giải nhà tổ và gác khánh một ngày, lãnh đạo xã đồng ý để nhà chùa phát đi thông báo kêu gọi nhân dân đến giúp nhà chùa hạ giải. Lý do xã Tiên Phương "bật đèn xanh" cho nhà chùa "vượt rào" tu bổ di tích theo cách giải thích của ông Vũ Văn Doãn là: "Nhiều hạng mục của chùa Trăm Gian đã xuống cấp, mùa mưa bão đang đến gần, nếu những hạng mục đó đổ sập thì chính quyền địa phương cũng phải chịu trách nhiệm", thế nhưng cho đến nay ông Doãn cũng như lãnh đạo xã Tiên Phương chưa giải thích được vì sao xã lại khẳng định "không biết gì" khi báo chí phát hiện ra sự sai phạm nghiêm trọng nói trên.
Đáng nói hơn, dự án tu bổ tường thành cổ Sơn Tây làm ngược hẳn văn bản thỏa thuận của Cục Di sản Văn hóa. Khi phát hiện ra, Cục yêu cầu UBND thị xã Sơn Tây (chủ đầu tư), Ban đầu tư xây dựng thị xã Sơn Tây (đơn vị thực hiện) tạm dừng thi công, tiếp tục nghiên cứu tìm phương án khả thi nhưng cuối cùng dự án vẫn được hoàn thành vào cuối năm 2011, như quan điểm của chủ đầu tư. Kể từ đó đến nay, chưa có cuộc hội thảo nào đánh giá việc trùng tu tường thành cổ Sơn Tây theo quan điểm của chủ đầu tư hay Cục Di sản văn hóa là khoa học, cũng chưa thấy ai phải chịu trách nhiệm về việc tu bổ sai thỏa thuận này.
Không nằm ngoài tình trạng trên, mấy năm trước, đình Yên Phụ (quận Tây Hồ), đình Xuân Tảo (huyện Từ Liêm) có giá trị kiến trúc nghệ thuật đặc biệt cũng bị loại bỏ một cách không thương tiếc những cấu kiện có thể tái sử dụng. Cục Di sản văn hóa nhiều lần có văn bản yêu cầu các đơn vị thi công các dự án tu bổ phải đưa những cấu kiện cũ có giá trị vào lắp dựng nhưng không được thực hiện. Kết quả là những công trình mới với những cấu kiện mới tinh được dựng lên.
Nói như ông Trần Lâm Biền (Cục Di sản văn hóa) thì "sai phạm trong công tác tu bổ di tích nhiều lắm, kể ra không hết đâu". Chưa bàn đến chuyện ai đúng, ai sai, song qua những ví dụ cụ thể kể trên cho thấy, nếu chính quyền cơ sở không làm ngơ thì nhà chùa hay đơn vị thi công liệu có dám "vượt rào" tu bổ di tích như thế?
Trùng tu di tích phải có nghề
Theo thống kê, cả nước có hơn 4 vạn di tích, trong đó riêng Hà Nội có tới hơn 5.000 di tích. Với "phong trào" làm mới di tích diễn ra trên diện rộng như hiện nay, chẳng bao lâu nữa những di tích rêu phong, cổ kính, giàu giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật sẽ chỉ còn là hoài niệm. Từ vụ việc chùa Trăm Gian, một lần nữa giới khoa học lên tiếng về việc bảo vệ vốn di sản quý giá của cha ông để lại.
Ông Phạm Đức Hân, Giám đốc Công ty CP Bảo tồn di sản văn hóa Việt nói: "Kể từ khi Nhà nước cho phép tôn tạo di tích bằng nguồn tiền xã hội hóa thì phong trào tôn tạo di tích nở rộ. Hiện cả nước chỉ có khoảng 30-35% các công ty nhận nhiệm vụ trùng tu là có chuyên môn thực sự về di tích, còn lại là các công ty xây dựng nói chung". Cách tốt nhất để khắc phục những bất cập trong công tác trùng tu di tích hiện nay là giao di tích cho những đơn vị có chuyên môn, tương tự như người có bệnh phải tìm đúng bác sĩ mà chữa.
Đồng quan điểm trên, ông Lê Thành Vinh, Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích nhấn mạnh: Để mọi người hiểu rằng di tích không phải của riêng nhà chùa, nhà đền, không phải của riêng địa phương nào, mà là tài sản quốc gia, không ai được tự ý tu bổ, tôn tạo thì về lâu dài, Nhà nước phải có chính sách giáo dục di sản một cách hữu hiệu. Học sinh và mọi người cần hiểu Luật Di sản và cách thức bảo vệ di sản như hiểu một môn học. Trong khi chờ đợi người dân nâng cao ý thức bảo vệ di sản, trước mắt các cơ quan hữu quan cần củng cố nguồn nhân lực trùng tu di tích.
KTS Hoàng Đạo Kính đã từng khẳng định: "Đầu tư lớn cho di tích đòi hỏi phải có lực lượng nhân sự là nhà khoa học và nghệ nhân. Không thể tính bằng giá thành vật liệu mà phải bắt đầu từ đào tạo đội ngũ. Nếu không, công trình sẽ chỉ còn là xây dựng cơ bản theo ý nghĩa kinh tế thuần túy". Vụ việc sai phạm tại di tích chùa Trăm Gian không phải là duy nhất, nhưng nó như giọt nước tràn ly. Có lẽ đã đến lúc các cơ quan hữu quan cần thực hiện các giải pháp khắc phục những bất cập trong công tác trùng tu di tích hiện nay chứ không thể dừng lại ở việc "rút kinh nghiệm" nữa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.