(HNMO) – Từ trưa 14-10, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão có tên quốc tế là Sonca, hướng vào Biển Đông và được dự báo sẽ ảnh hưởng đến khu vực từ Huế đến Quảng Ngãi. Các địa phương đang khẩn trương phòng chống bão, trong bối cảnh vẫn đang khắc phục hậu quả đợt ngập do mưa lớn vài ngày qua.
Trước khi áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão số 5, nhiều địa phương Trung Trung Bộ đã có mưa lớn từ sáng sớm ngày 14-10. Tại tỉnh Thừa Thiên – Huế, học sinh thành phố Huế và nhiều huyện, thị xã đã được nghỉ học từ chiều 14-10.
Chủ tịch UBND thị xã Hương Thủy Nguyễn Thanh Minh cho biết: “Mưa lớn tại địa bàn xuất hiện từ sáng sớm 14-10. Chúng tôi đã hoãn tất cả các cuộc họp không cần kíp để tập trung phòng chống mưa bão. Thị xã đã dự trữ 50 tấn gạo, 200 thùng mì ăn liền, 500 lít xăng dầu; huy động 12 xe cẩu, 7 xe múc, 5 xe ben; chuẩn bị hơn 1.100 phao, áo phao; 11 nhà bạt; 5 ca nô, 6 đò máy cỡ lớn, 29 máy phát điện, 92 xe chuyên dụng, 84 ghe, thuyền… phục vụ công tác này".
Trước dự báo tổng lượng mưa trên địa bàn từ ngày 14 đến ngày 16-10 lên đến 500-700mm, có nơi trên 800mm; mực nước các sông đang lên và từ chiều tối hôm nay (14/10) có khả năng đạt, trên báo động 3. Cấp đội rủi ro thiên tai: Cấp 3, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên – Huế đề nghị cơ quan chức năng các địa phương triển khai di dời dân các khu vực sạt lở đất theo các kịch bản, phương án có sẵn, bắt đầu từ 14h kết thúc trước 17h ngày 14-10.
Riêng các khu vực Phú Lộc, Nam Đông triển khai di dời dân trước 19h cùng ngày. Việc triển khai di dời dân các khu vực ngập lụt, hạ du sông Bồ, sông Hương kết thúc trước 16h ngày 14-10. Các sông khác tùy vào tình hình mưa lũ để chủ động sơ tán dân đảm bảo an toàn. Các đối tượng ưu tiên sơ tán gồm: Phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, người khuyết tật, người bị bệnh hiểm nghèo, trẻ em, người cao tuổi. Hiện tỉnh Thừa thiên – Huế còn hơn 1.860ha diện tích ao nuôi trồng thủy sản, hơn 2.800 lồng cá nuôi và hơn 2.500ha sắn, rau vụ đông chưa thu hoạch, có thể bị bão lũ ảnh hưởng.
Tại Đà Nẵng, mưa lớn từ sáng sớm 14-10 khiến nhiều nơi tại quận Sơn Trà bị ngập. Một số vùng trũng của huyện Hòa Vang, nước từ đợt ngập trước vẫn chưa rút hết, nay tiếp tục tăng. Nước trên một số sông, hồ thủy điện trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đang dâng. Dự báo từ chiều 14 đến chiều 15-10, Đà Nẵng có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa có thể lên đến 500mm. Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng đã liên hệ được với 1 tàu đánh cá duy nhất của thành phố trong vùng ảnh hưởng của bão, thông báo di chuyển đến nơi an toàn. Hơn 2.000 tàu thuyền khác đang neo đậu tại các khu tránh bão.
Tại Quảng Nam, từ sáng 14-10, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đã ký ban hành Công điện 06 nêu rõ do mưa lớn từ nay đến ngày 16-10, các sông trên địa bàn dự báo sẽ có lũ mức báo động 2, báo động 3. Cùng với đó, từ cuối tháng 9 đến nay, trên địa bàn tỉnh liên tiếp xảy ra mưa lớn, độ ẩm đất đã đạt trạng thái gần bão hòa, nguy cơ rất cao xảy ra lũ, lũ quét, tại các sông, suối vùng núi, sạt lở đất đá ở sườn dốc, ven sông, suối và ngập úng tại vùng trũng.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu cơ quan chức năng khẩn trương rà soát, kiểm tra ngay các khu vực có nguy cơ sạt lở, khu vực nguy cơ bị ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất, nhất là khu dân cư, trường học, trụ sở để chủ động sơ tán người khỏi khu vực nguy hiểm. Kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm; yêu cầu các đơn vị quản lý hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện thực hiện trực ban 24/24 giờ, kiểm tra, quan trắc đập, kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố.
Tại tỉnh Quảng Ngãi, dự báo tổng lượng mưa từ nay đến ngày 16-10 trên địa bàn có thể lên đến 500mm, từ ngày 13-10, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Ngãi đã yêu cầu các chủ công trình thủy điện đang thi công phải dừng tất cả các công việc, di dời ngay con người và thiết bị đến nơi an toàn. Tuyệt đối không để con người ở lại những lán trại của các đơn vị thi công nằm ở khu vực có mái taluy đào, đắp hay ở khu vực sườn dốc cao để phòng tránh lũ ống, lũ quét và sạt lở đất.
Đối với các công trình thủy điện đã vận hành, phải tổ chức quan trắc, theo dõi chặt chẽ diễn biến khí tượng thủy văn để chủ động thực hiện vận hành hồ chứa theo quy trình; tham gia cắt, giảm, làm chậm lũ (đối với các hồ chứa có chức năng điều tiết lũ) đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du.
Hiện Quảng Ngãi vấn đang khắc phục hậu quả đợt mưa lũ những ngày qua. Nam kỹ sư vận hành Nhà máy Thủy điện Kà Tinh 1 (xã Trà Lâm, huyện Trà Bồng) vẫn mất liên lạc, sau khi một vạt núi đổ sập xuống nhà điều hành của nhà máy đêm 10-10, đúng lúc nam công nhân sinh năm 1995 này đang trong ca trực.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.