Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trung thu với trẻ em nơi "ốc đảo"

Tuệ Diễm| 30/09/2012 07:12

(HNM) - Đối với những em bé thiểu năng trí tuệ, có hoàn cảnh khó khăn ở trường chuyên biệt Cần Thạnh, miếng ăn cái mặc còn chưa xong thì nói gì đến chuyện vui Tết Trung thu. Nên khi đoàn cán bộ Bảo tàng Chứng tích chiến tranh đến tổ chức Tết Trung thu, các em rất thích thú…


Do trường nằm lọt thỏm trong rừng đước giữa huyện Cần Giờ (huyện đảo Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh) nên chúng tôi phải để xe ô tô ngoài đường rồi vác đồ lội bộ gần nửa km mới vào tới nơi. Quang cảnh lớp học yên bình, không có tiếng học bài râm ran, đứa bé 6 tuổi đến đứa 15 tuổi vẫn ngồi chung… lớp một. Thoạt nhìn qua những nét mặt, ánh mắt trong veo của trẻ thơ, sẽ chẳng ai biết các em mắc căn bệnh bại não, tự kỷ…

Nhà thiết kế Sĩ Hoàng và bà Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh hướng dẫn các em vẽ tranh.

Chúng tôi phân công mỗi người mỗi việc, nam thì căng dây cáp, treo 100 bức tranh vẽ trưng bày cho các em, nữ thì trang trí hội trường, treo đèn lồng xanh đỏ. Trong chốc lát căn phòng của trường đã trở thành thế giới đầy sắc màu. Khi tiếng nhạc rộn ràng bật lên, các em được phép nghỉ học ùa vào phòng như bầy chim non. Chúng chào chúng tôi bằng những hành động rất lạ, đứa

thì gật đứa thì lắc, đứa thì cười ngộ nghĩnh. Giáo viên phụ trách bắt nhịp "Chúng em chào các anh chị" để các em nói theo. Những tiếng chào từ cái miệng xinh xắn vẫn không thể suôn sẻ, có bé chỉ nói được từ em, có bé không thể nói… Thế rồi bầy trẻ thơ ùa tới những bức tranh nhiều mằu sắc, ngô nghê chỉ chỏ rất lạ lẫm. Đó là những bức vẽ với chủ đề "Chiến tranh và hòa bình" do thiếu nhi ở TP vẽ được mang đến đây trưng bày.

Sau khi đoàn phát quà bánh, nhà thiết kế Sĩ Hoàng lôi ra nhiều giấy, hộp màu và khuấy động cuộc thi vẽ trang trí áo dài trên giấy cho những đứa bé thiểu năng chưa bao giờ biết cầm sáp màu. Chúng tôi phải nắn từng đôi bàn tay cầm sáp, chỉ từng nét vẽ cho các em. Và rồi mọi người hết sức bất ngờ khi những trẻ thơ tưởng ngây dại và ngờ nghệch trong học toán, viết chữ nhưng lại vẽ không kém cạnh trẻ bình thường. Một tiếng đồng hồ gần 50 bức tranh vẽ áo dài của các em hoàn thiện với những hình ảnh ngộ nghĩnh, nào là gà, cua cá trên áo dài khiến nhà thiết kế Sĩ Hoàng phải sững sờ: "Tranh thể hiện tâm hồn. Tâm hồn các em rất sáng, rất đẹp, những bức vẽ chẳng thua những đứa trẻ phát triển bình thường!".

Hiệu trưởng Lý Thị Hồng nghẹn lời cho hay, trường được thành lập năm 1993, học sinh được học bán trú, chi phí ăn ở đưa đón các em ở xa đều do các cô giáo ở trường vận động tài trợ từ các tấm lòng hảo tâm. Hiện trường có 15 giáo viên chăm sóc các em bằng tình thương và cả trái tim. Mỗi lớp học tại trường chỉ có 8 em học sinh, nhưng giáo viên chủ nhiệm phải soạn tới 8 giáo án vì mỗi em có một triệu chứng bệnh khác nhau và sự phát triển trí tuệ không đồng đều. Ví như bé Na, 12 tuổi rồi nhưng chỉ có thể làm được bài toán lớp 2, bé Nhân 15 tuổi nhưng cô giáo dạy 5 năm vẫn không thể tốt nghiệp lớp 1, bé Hiếu Hiền không tính toán được trên giấy nhưng nhẩm nút ăn điểm rất chính xác… "50 học sinh ở trường vừa kém phát triển trí tuệ lại có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bố mẹ đi mò cua, bắt ghẹ hay đi biển biền biệt nên chẳng ai quan tâm được đến việc học của các em nói gì đến Trung thu. Hôm nay đoàn về tổ chức Trung thu, cho quà bánh, cho các em chơi đủ trò, thi vẽ tranh chúng tôi vui lắm! " - bà Lý Thị Hồng xúc động.

Quà của các em dành tặng đoàn khi chia tay là một bài thể dục nhịp điệu. 50 em lập thành một đội hình ngồ ngộ từ 6 tuổi đến 16 tuổi, dù những động tác lộn xộn, cái xoay người vụng về nhưng nụ cười trong sáng và cánh tay vẫy chào đã ám ảnh chúng tôi.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trung thu với trẻ em nơi "ốc đảo"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.