Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trung thu với những con tàu…

Vũ Ngọc| 25/09/2015 06:30

(HNM) - Trước những năm đầu thập niên 1990, tàu thủy bằng sắt là món đồ chơi của nhiều thế hệ trẻ em mỗi dịp Trung thu.


Chơi để học, học mà chơi

Trước đây, vào mỗi dịp Trung thu, cả làng Khương Hạ lại tất bật trong tiếng hàn, tiếng cắt, tiếng đục… sắt để làm đồ chơi. Mỗi nhà làm một món đồ chơi đặc trưng: Nào kèn, ô tô, tàu thủy như thật, thỏ ngọc đánh trống, súng lục tành tạch… Mặc dù làm từ cùng một loại nguyên liệu nhưng đồ chơi của mỗi hộ gia đình có hình dáng, mẫu mã riêng. Ngày đó, nhiều nhà có "của ăn, của để" nhờ nghề này.

Anh Nguyễn Văn Mạnh Hùng tỉ mẩn với những chiếc tàu thủy sắt tây thủ công.


Còn hôm nay, cả làng chỉ còn anh Nguyễn Văn Mạnh Hùng gắn bó với nghề làm tàu thủy thủ công. Đến nhà thấy anh Hùng miệt mài gò những chiếc tàu thủy bằng sắt. Anh Hùng cho biết, nếu như trước đây, khắp làng, nơi nào cũng ngổn ngang tôn, thiếc, rộn rã tiếng búa gia công thì nay yên ả hơn nhiều. Trong khung cảnh yên bình ấy, anh Hùng ngồi tỉ mẩn gò, cắt từng mảnh tôn, mảnh thiếc để làm nên những chiếc tàu như thật.

Anh Hùng sinh ra trong một gia đình đã có 6 đời làm tàu thủy bằng sắt tây. Bản thân anh đã gắn bó với nghề gần 40 năm. Ngày bé, anh chỉ phụ giúp bố mẹ những việc lặt vặt như quay bễ, sơn tàu, nhưng 10 tuổi, anh đã là một thợ lành nghề, đủ khả năng thực hiện mọi công đoạn sản xuất tàu thủy. Anh Hùng cho biết, theo ông cha kể lại, những ngày sôi động nhất, cả làng có trăm hộ làm nghề, nhưng từ năm 1975 giảm xuống chỉ còn 30 hộ. Hơn 10 năm trở lại đây, đồ chơi hiện đại với nhiều mẫu mã, chủng loại phong phú du nhập vào Việt Nam nên nhiều món đồ chơi Trung thu truyền thống như mặt nạ, giấy bồi, tiến sĩ giấy, đèn ông sao bị mất thị phần. Tàu thủy sắt tây không phải ngoại lệ. Nhiều người làng Khương Hạ gắn bó với tàu thủy sắt tây từ bé đành chấp nhận bỏ nghề, tìm việc khác mưu sinh.

Nhưng, anh Hùng thì khác dù không ít người thân từng khuyên anh nên chuyển nghề để có cuộc sống dư dả hơn. Đơn giản là anh rất tâm huyết với nghề, muốn gìn giữ những ký ức tuổi thơ đẹp đẽ và gửi gắm "thông điệp" cho thế hệ tương lai. "Quãng thời gian của tôi, Trung thu vui lắm. Bây giờ cũng vui nhưng mang sắc thái khác. Tôi mong muốn các cháu biết đến đồ chơi tàu thủy sắt, có kiến thức về tàu biển, nguyên lý chạy tàu, từ đó hiểu sâu hơn về vật lý học" - anh Hùng chia sẻ.

Nguyên liệu làm nên những chiếc tàu thủy là vỏ sữa bò, hộp thiếc đã qua sử dụng được rửa sạch, cán phẳng rồi cắt, ghép thành những hình thù theo ý muốn. Để hoàn thành một chiếc tàu thủy đòi hỏi người thợ phải kiên trì, nhẫn nại và thực sự yêu nghề. Anh Hùng cho hay, để làm ra những chiếc tàu thủy chạy trên mặt nước không hề đơn giản. Mỗi thợ có bí quyết riêng, phải tính toán cân đối giữa độ dài, chiều cao, chiều rộng của tàu, đặt phao hai bên thật hợp lý để tàu di chuyển tốt nhất.

Động cơ của tàu thủy nằm trong thân, gồm ba phần: Nồi hơi, bình dầu hỏa và ống dẫn nước. Muốn tàu thủy chạy, trước hết phải đổ đầy hai ống dẫn nước, sau đó đốt lửa tại bình dầu hỏa, khoảng 30 giây tàu sẽ bắt đầu chạy.

Anh Hùng cho biết, chi tiết khó nhất là nồi hơi và những lá đồng. Nhưng các chi tiết cũng quan trọng không kém. Tất cả đều đòi hỏi sự kiên nhẫn, độ chính xác cao. Nếu lắp không đúng, tàu không nổi, nghiêng, lệch. Nồi hơi và lá đồng hàn không chuẩn, tàu không chạy được, không phát ra tiếng động cơ. Toàn bộ các khâu đều làm thủ công. Tuy đơn giản, nhưng món đồ chơi này lại là bài học thú vị về khoa học vật lý như nhiệt, chuyển động, và cũng là thí dụ sống động về tái sử dụng vật liệu cũ. Vì vậy, nên thiết kế chiếc tàu thủy bao nhiêu năm nay vẫn vậy, không phải thay đổi gì ngoài những trang trí cho bắt mắt.

Duy trì "ngọn lửa" đam mê

Để có những chiếc tàu thủy cho mùa Trung thu năm sau thì vào ngay từ tháng chín âm lịch năm trước anh Hùng đã rục rịch bắt tay vào chuẩn bị, gia công. Trung bình mỗi ngày anh làm được 5 đến 6 chiếc. Giá bán của những chiếc tàu dao động từ 60 đến 300 nghìn đồng, tùy thuộc vào kích cỡ. Trước đây, anh còn làm cả tàu thủy bằng pin nhưng giá thành cao hơn, từ 1,5 đến 2 triệu đồng nên ít người mua nên anh chỉ sản xuất tàu thủy truyền thống chạy bằng động cơ hơi nước.

Cách đây vài năm, anh Hùng được lãnh đạo Bảo tàng Dân tộc học mời trình diễn làm đồ chơi nhân dịp Trung thu. Những sản phẩm của anh được trưng bày tại Bảo tàng đã thu hút được sự quan tâm của nhiều du khách, đặc biệt là khách nước ngoài. Lần đó, một công ty thương mại của Pháp đã đặt ngay một lô hàng hơn trăm chiếc tàu thủy.

Từ đó, nơi giới thiệu và tiêu thụ chính đồ chơi của gia đình anh là Bảo tàng Dân tộc học. Mấy năm trước, mỗi mùa Trung thu anh tiêu thụ vài trăm chiếc. Còn lại, anh mang lên phố Hàng Thiếc bán. Những chiếc tàu thủy nhỏ xinh làm thủ công mang sức hấp dẫn kỳ lạ với du khách nước ngoài. Họ thường mua để ngắm, làm đồ lưu niệm chứ không phải để chơi.

Nhưng mỗi năm mỗi vắng, những chiếc tàu thủy của anh ngày càng ít thu hút sự chú ý của khách hàng. Hai năm gần đây, mỗi dịp Trung thu anh chỉ bán được hơn trăm chiếc. Dù vậy, năm nay, gia đình anh vẫn làm gần 500 chiếc tàu thủy. Tết Trung thu đã cận kề nhưng vẫn chưa có đơn đặt hàng lớn. Điều này khiến anh suy nghĩ, chỉ vài năm nữa sẽ chẳng còn ai nhớ đến loại đồ chơi truyền thống này. Nhìn những con tàu băng băng trên mặt nước với lá cờ đỏ sao vàng, đôi mắt của người thợ đã gắn bó hàng chục năm với nghề vẫn ánh lên sự tự hào, niềm tin và hy vọng. Anh cho biết, mỗi chiếc tàu gắn với lá cờ Việt Nam thể hiện ý chí, quyết tâm vươn khơi, canh giữ, bảo vệ biển đảo quê hương.

Niềm tin của anh hoàn toàn có cơ sở khi cô con gái cũng rất say mê với tàu thủy sắt tây. Anh Hùng tin đặc trưng văn hóa truyền thống luôn cháy trong mỗi con người Việt Nam và điều đó càng làm anh yêu nghề, giữ gìn, truyền tiếp "ngọn lửa" đam mê cho thế hệ tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trung thu với những con tàu…

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.