Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trung thu 2009: Vầng trăng không chỉ trong cổ tích

VANCHIEN| 03/10/2009 07:01

(HNM) - Khi sắc vàng, sắc đỏ của đồ chơi, của bánh Trung thu, của những quả hồng, quả thị, của "bộ cánh" chú rồng, chú lân tràn ngập khắp nẻo, ấy là Tết Trung thu đã về. Trung thu năm nay có khác, nhất là với trẻ em nơi cơn bão số 9 vừa đi qua…

Thiếu nhi Thủ đô vui Tết Trung thu. Ảnh: Nhật Nam

Tình người thắp sáng uớc mơ

Khu nhà cấp 4 giữa cánh đồng rau xanh Khê Hồi, xã Hà Hồi (Thường Tín), nơi Trung tâm Bảo trợ nhân đạo Đại Phúc đang nuôi dưỡng và dạy nghề trồng nấm cho hơn 30 cháu khuyết tật, những ngày Trung thu thật nhộn nhịp. "Thích quá các cô nhỉ. Đây là lần đầu tiên cháu được đón Tết Trung thu"- cô bé người Dao tên Phàn Mùi Pham, đến từ huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) vừa gật gù theo nhạc bài hát "Chiếc đèn ông sao" vừa nói chuyện với "các cô, chú trên tỉnh".

Còn cô em út bị thiểu năng trí tuệ Lương Thị Minh, 12 tuổi, người dân tộc Mường (Hòa Bình) lại tỏ ra thích thú với chùm bóng bay đủ màu sắc và tiếng trống ếch rộn ràng. Chỉ có thể cảm nhận niềm vui bằng mắt, nhưng cháu Lường Thị Lả, đến từ xã Màn Chung, huyện Tuần Giáo (Điện Biên) lúc nào cũng cười... Để có thể mang đến cho các cháu niềm vui bình dị, hơn một năm nay chị Đỗ Thị Tuyết, Giám đốc Trung tâm đã tất bật lo cho các cháu từng miếng ăn, giấc ngủ, việc làm, rồi lại đôn đáo tìm các "Mạnh Thường Quân" cùng chị nâng cao chất lượng cuộc sống cho đàn con khuyết tật.

14 năm đã qua, chưa năm nào cháu Bùi Thị Giang ở thôn Đa Thâm, xã Đông Xuân (Quốc Oai) lại có mùa trăng ý nghĩa như năm 2009. Cháu tự điều khiển chiếc xe 3 bánh, vừa được tặng nhân dịp Tết Trung thu, ra sân vận động vui chơi cùng các bạn. Kể về hoàn cảnh gia đình Giang, anh Đinh Công Vụ, cán bộ văn hóa xã Đông Xuân ngậm ngùi: "Thật tội nghiệp. Bố cháu bị nhiễm chất độc da cam - đi-ô-xin, di chứng sang mấy chị em cháu. Mẹ cháu thì ốm yếu. Mong cho cuộc sống của cháu tươi đẹp hơn, xã đã tặng cháu chiếc xe đạp 3 bánh".

Không bị tật nguyền, nhưng ngay từ khi sinh ra, cháu Lê Hoàng Duy, xóm Vạn, thôn Trung Hà, xã Thái Hòa (Ba Vì) đã theo cha mẹ ngược xuôi sông Đà đánh cá mưu sinh. Chưa bao giờ Duy có ý niệm về quà bánh, đồ chơi Trung thu, nhưng năm nay niềm vui bất ngờ đến với cháu cùng lũ trẻ vạn chài khi được các cô, chú cán bộ Đoàn xã lặn lội chèo thuyền ra giữa sông tổ chức Tết Trung thu cho các cháu.

Trung thu với thiếu nhi thành phố là đêm trăng tròn, là ngày được bố mẹ đưa đi chơi, được tặng quà, được phá cỗ, ngắm trăng, được hát đồng dao, múa sư tử, rước đèn ông sao... Còn với các cháu có hoàn cảnh đặc biệt, mà những trường hợp trên đây chỉ là ví dụ, Tết Trung thu sẽ bớt ý nghĩa nếu thiếu sự quan tâm của xã hội, sự chia sẻ của cộng đồng.

Tùng rinh… vùng bão

Miền Trung gắng gượng sau bão dữ. Nơi chúng tôi qua, còn bao khốn khó là thế mà đây đó đã văng vẳng nhịp trống rộn ràng, tiếng trẻ vui đùa ríu rít. Trong niềm hạnh phúc đơn sơ của con trẻ mới thấy nội lực vượt khó của khúc ruột miền Trung mãnh liệt làm sao.

Hôm nay (3-10), trên địa bàn Thủ đô diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật hấp dẫn hứa hẹn mang đến cho các cháu một ngày hội Trung thu vui vẻ: Chương trình nghệ thuật "Xứ sở diệu kỳ" tại Thiên đường Bảo Sơn (đường Láng - Hòa Lạc); "Vầng trăng em mơ" tại Công viên Hồ Tây; "Ông trăng ơi xuống đây" tại Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam (số 2 Hoa Lư); "Đêm hội Trung thu" tại Khu phố cổ... Nhà hát múa rối Việt Nam (361 Trường Chinh) giới thiệu vở rối "Vầng trăng mơ ước"; Liên đoàn xiếc Việt Nam có chương trình biểu diễn dành tặng trẻ em nghèo, khuyết tật, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt - Xô. Ngoài ra, 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn Thủ đô cũng tổ chức đêm Trung thu cho các cháu.

Sân nhà chị Trương Thị Xi ở thôn Phò Nam, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) cao nhất vùng, mấy ngày nay trở thành nơi cho lũ trẻ tập múa lân đón Tết Trung thu. Bão dữ vừa quét qua, nhà nhà còn lo khắc phục hậu quả, đường sá nhiều nơi trong xã Hòa Bắc còn nhoe nhoét bùn đất… Nhưng chỉ nghe tiếng tùng rinh từ phía nhà chị Xi là đám trẻ từ xóm bờ sông đi lên, từ những ngôi nhà trên cao chạy xuống quây quần tập múa sư tử.

Thầy Trần Ngọc Thành, phụ trách Đội của Trường THCS Nguyễn Tri Phương ngậm ngùi nói: "Mọi năm, Trung thu nơi vùng cao của TP Đà Nẵng chúng tôi vui lắm. Sân trường rộng rãi được các thầy, cô trang trí đẹp để cùng các em vui đón trăng. Nhưng năm nay, bão số 9 làm trường thiệt hại nghiêm trọng. Chúng tôi đã phải vất vả khắc phục hậu quả để kịp đón các con đến trường vào ngày 5-10".

Vui rước đèn ông sao phá cỗ.

Khó khăn vậy đấy, nhưng ai nỡ để trẻ xa tiếng trống ếch trong ngày Tết Trung thu cả năm mới có một lần. Ông Thái Văn Hân, Phó GĐ Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng khẳng định: "Dù còn đó nhiều khó khăn nhưng Sở đã chỉ đạo các trường cố gắng lo cho các con một cái Tết Trung thu đầm ấm, không để trẻ em vùng bão lũ phải chịu thiệt thòi".

Bão số 9 phá tan tành gần 20 nóc nhà ở thôn An Hải Đông, xã Tam Quang, huyện Núi Thành (Quảng Nam). Dù thiệt thòi, phải chung nhau góp gạo thổi cơm mấy bữa nay nhưng bà con ai cũng muốn lo cho lũ trẻ một cái Tết Trung thu thật tươm. Chị Võ Thị Thanh, ở thôn 2, xã Tam Quang cho biết: "Lũ trẻ đâu đáng thiệt thòi. Chúng tôi vẫn bảo nhau người lớn ráng chịu chút chứ không để trẻ em không có tết". Nói vậy, nghĩ vậy, hai vợ chồng chị Thanh quyết chí vét những đồng tiền cuối cùng mua sẵn bưởi, hồng làm mâm cỗ trông trăng. Người trong thôn cũng bảo nhau góp mỗi nhà một món thành bữa cỗ cho trẻ.

Trung tá Nguyễn Văn Mỹ, Chỉ huy trưởng Hải đội 2 Biên phòng Quảng Nam cũng cho biết: "Đơn vị đã cử cán bộ, chiến sỹ đến các thôn, vừa lo giúp dân khắc phục hậu quả bão lũ vừa giúp các cháu làm đèn ông sao và trang trí đón Tết Trung thu".

Trên những nẻo đường nơi cơn bão vừa đi qua, đâu đó chúng tôi vẫn nghe vẳng tiếng tùng rinh dẫn nhịp cho điệu múa sư tử vờn trăng. Nhịp trống khoan hòa khua vang như muốn xoa dịu nỗi đau mà người dân nơi đây vừa trải.

Thu Hiền - Dương Hiệp

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trung thu 2009: Vầng trăng không chỉ trong cổ tích

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.