Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trung Quốc rộ mốt phẫu thuật thay đổi giọng

Theo Tuấn Anh| 20/11/2014 14:35

Nhiều người ở Trung Quốc đang trải qua các cuộc phẫu thuật đầy mạo hiểm nhằm khiến giọng nói của họ trở nên nam tính hoặc nữ tính hơn.

Phẫu thuật thay đổi giọng nói là loại hình "dao kéo" mới nhất trong thị trường phẫu thuật thẩm mỹ đang phát triển thịnh vượng của Trung Quốc. Các chuyên gia thẩm mỹ tiết lộ, nhu cầu về dạng phẫu thuật này đang tăng lên không ngừng trong vài năm trở lại đây.

Bất chấp các nguy cơ được cảnh báo trước, nhiều người Trung Quốc vẫn đổ xô đi đăng ký phẫu thuật thay đổi giọng nói. Ảnh minh họa: Corbis


Nhiều cơ sở y tế hiện đang chào mời phẫu thuật thay đổi giọng, một loại hình dịch vụ theo truyền thống từng chỉ được tiến hành ở các bệnh nhân đang trải qua quá trình thay đổi giới tính. Nhiều người Trung Quốc vẫn đổ xô đăng ký thực hiện loại phẫu thuật này, bất chấp rủi ro đã biết về nguy cơ mất giọng hoàn toàn và bệnh viêm phổi.

Các học giả nhận định, việc phẫu thuật giọng nói ngày càng được ưa chuộng cho thấy, người Trung Quốc đang đối mặt với áp lực phải phù hợp với các khuôn mẫu giới tính. Một người từng mạo hiểm trải qua loại hình phẫu thuật này là anh Lu Xiang, 23 tuổi, sau thời gian dài bị chế nhạo vì giọng the thé như con gái của mình.

"Suốt nhiều năm, các bạn học và đồng nghiệp đã chế giễu tôi vì giọng nói. Họ gọi tôi là kẻ ẻo lả. Tôi không thể có bạn gái vì điều đó. Phụ nữ không coi tôi là đàn ông đích thực và thay vào đó, đối xử với tôi như một trong những người bạn đồng giới của họ vì giọng nói nữ tính của tôi", anh Lu bộc bạch.

Giọng của Lu đã không trầm khàn như các bạn đồng trang lứa lúc dậy thì. Và với công việc là nhân viên tổng đài, anh thường xuyên bị nhầm lẫn là phụ nữ. Mọi người thậm chí còn kết luận Lu là dân đồng tính (gay) vì cách anh nói.

Do đó, bất chấp các nguy cơ tiềm tàng, anh vẫn quyết định nhờ cậy đến dao kéo để khiến giọng mình trở nên trầm và nam tính hơn. Ca phẫu thuật bao gồm việc cắt bỏ một mẩu sụn khỏi thanh quản và tiêm Botox vào các dây thanh âm của Lu.

Theo Alasdair Mace, một chuyên gia phẫu thuật thẩm mỹ tại bệnh viện Charing Cross ở London, Anh, Botox khiến các dây thanh âm trở nên ngắn hơn và lỏng hơn, làm trầm giọng nói. Ông Mace đang tiến hành khonagr 2 ca phẫu thuật giọng nói mỗi tháng, thường ở những bệnh nhân muốn chuyển đổi giới tính hay mắc dị tật về giọng nói do bẩm sinh hoặc chấn thương.

Ông Mace nói, trường hợp của Lu là khác thường, vì thông thường, những phụ nữ chuyển đổi giới tính thành nam, với mong muốn sở hữu giọng trầm khàn hơn, sẽ trải qua liệu pháp testosterone. Liệu pháp này sẽ làm trầm giọng của họ một cách hiệu quả. Lu phải nhờ cậy tới phẫu thuật có lẽ vì anh đã là nam giới và liệu pháp testosterone sẽ không thích hợp.

Bác sĩ Mace giải thích: "Cây dây thanh âm gắn vào một mẩu sụn hình móng ngựa gọi là sụn tuyến giáp. Nếu bạn cắt bỏ một mẩu sụn bé, nó sẽ ngắn đi, làm cứng các dây thanh âm và giọng nói trở nên trầm hơn. Tiêm Botox khiến các dây thanh âm ngắn hơn, nhẵn hơn và mềm hơn, làm trầm khàn giọng nói.

Tuy nhiên, tiêm Botox thường chỉ mang tính tạm thời. Botox làm tê liệt các cơ. Chúng tôi thường sử dụng nó cho các vết nhăn và nó chỉ phát huy tác dụng trong 3 - 6 tháng. Đó là lí do tại sao mọi người phải tiếp tục tiêm Botox nhiều lần. Điều tương tự cũng sẽ xảy ra nếu bạn tiêm chất này vào các dây thanh âm".

Bác sĩ Mace nói thêm rằng, các bệnh nhân cũng có nguy cơ mất giọng tạm thời và nhiễm trùng vùng ngực. Điều này là vì, tiêm quá nhiều Botox làm suy yếu các dây thanh âm, khiến chúng không còn gắn kết nữa và làm chủ nhân mất giọng. Làm tê liệt các dây thanh âm dễ dẫn đến nguy cơ viêm phổi.

Trong khi đó, tại Trung Quốc, một bác sĩ tiết lộ ông đã tiến hành hơn 200 ca phẫu thuật thay đổi giọng trong suốt 4 năm qua. Các bệnh nhân của ông phần lớn là các nam giới giống anh Lu, những người sở hữu giọng the thé và muốn "dao kéo" để có giọng nam tính hơn. Ngược lại, một số bệnh nhân nữ được trời phú cho chất giọng "trầm khàn" lại muốn bác sĩ can thiệp để có giọng nữ tính hơn.

Một số bệnh nhân tiết lộ, họ phẫu thuật vì muốn tăng khả năng cạnh tranh khi tìm việc làm. Tuy nhiên, đa phần những người khác, kể cả các đối tượng sở hữu giọng nói bình thường, vẫn muốn dao kéo để đáp ứng các tiêu chuẩn về quan niệm giới tính của xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trung Quốc rộ mốt phẫu thuật thay đổi giọng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.