Sáng 29-4, Trung Quốc đã phóng module đầu tiên để xây dựng Trạm vũ trụ (CSS) của riêng nước này.
Tên lửa đẩy Trường Chinh 5B Y2 ngày 29-4 đã mang module có tên gọi Thiên Hà lên không trung từ Trung tâm phóng vũ trụ Văn Xương, tỉnh Hải Nam.
Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, vụ phóng được thực hiện vào lúc 11h22 giờ địa phương. Sau khoảng 30 phút rời bệ phóng, tên lửa đẩy đã đưa module Thiên Hà đi vào quỹ đạo vũ trụ như kế hoạch.
Cơ quan Không gian vũ trụ có người điều khiển của Trung Quốc (CMSA) cho hay, Trạm vũ trụ hình chữ T trọng lượng 100 tấn của Trung Quốc dự kiến bao gồm 3 module chính: 1 module dài 16,6m có tên Thiên Hà và 2 module dài 14,4m có tên Vấn Thiên và Mộng Thiên.
Theo hãng thông tấn Xinhua, module Thiên Hà trọng lượng 22,5 tấn và là module vũ trụ lớn nhất Trung Quốc từng phát triển. Giới phân tích đánh giá, đây là thành công lớn, một bước đột phá trong chương trình không gian vũ trụ của Trung Quốc.
Hãng thông tấn AP (Mỹ) đưa tin, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và nhiều quan chức khác đã theo dõi trực tiếp quá trình phóng module Thiên Hà từ Bắc Kinh.
Bắc Kinh lên kế hoạch đưa 3 phi hành gia lên Trạm vũ trụ của riêng nước này - đặt tên là Thiên Cung - trong giai đoạn đầu tiên. Họ dự kiến sống trong CSS 6 tháng. Hiện Trung Quốc đang đào tạo hơn 12 phi hành gia để thực hiện sứ mệnh trên CSS.
Trung Quốc dự định thực hiện thêm 10 vụ phóng module và nhiều thiết bị khác để hoàn thành việc thi công Trạm vũ trụ Thiên Cung của nước này trước cuối năm 2022. Đến khi được hoàn thiện, CSS sẽ trở thành trạm vũ trụ thứ hai hoạt động trên không trung, bên cạnh Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) hiện nay.
Trạm vũ trụ Thiên Cung sẽ hoạt động ở quỹ đạo thấp của Trái đất, ở độ cao 340-450km. Công trình này được thiết kế bảo đảm tuổi thọ 10 năm nhưng các chuyên gia ước tính nếu được bảo trì và sửa chữa tốt, CSS có thể hoạt động trong khoảng 15 năm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.