(HNMO) - Họ đã xây dựng nó, nhưng người mua sắm chẳng bao giờ đến khu trung tâm này.
Trung tâm mua sắm nam Trung Quốc mới (New South China Mall) ở tỉnh Quảng Đông mở cửa từ năm 2005. Với khu mua sắm rộng hơn 1,5 triệu m2, khu chợ này đủ chỗ cho 2.350 cửa hàng, đưa nó trở thành trung tâm mua sắm lớn nhất thế giới về diện tích cho thuê – rộng hơn 2 lần diện tích của Mall of America, trung tâm mua sắm lớn nhất tại Mỹ.
Vấn đề duy nhất là trung tâm mua sắm này hầu như bị bỏ hoang. Bất chấp các kế hoạch thiết kế và khoa trương lớn, chỉ có một số ít các cửa hàng hoạt động. "Hầu hết các cửa hàng đều trống, với rất ít khách hàng lui tới và mật độ bỏ trống cao", theo một báo cáo năm ngoái của Emporis, một công ty xây dựng dữ liệu toàn cầu. "Khu chợ này đã được phân loại như là một trung tâm mua sắm chết".
Đi bộ giữa các cửa hàng tan hoang, các hành lang và thang cuốn bụi bặm của khu chợ giống như đi bộ giữa một trung tâm mua sắm ma. Các đống rác chất đống hai bên, lớp sơn đang trôi khỏi các bức tường và các biển hiệu và biển quảng cáo đã bị mờ.
Ở khu công viên giải trí trong nhà của trung tâm mua sắm, các nhân viên gục đầu trên quầy hoặc trò chuyện với nhau để giết thời gian.
Khai trương từ năm 2005, các nhà phát triển dự kiến sẽ thu hút khoảng 100.000 du khách tới đây mỗi ngày. Nhưng sau 8 năm, chỉ ít người tới trung tâm mua sắm này và họ thường tới các nhà hàng thức ăn nhanh của Mỹ gần cửa ra vào hoặc rạp chiếu phim IMAX bên ngoài trung tâm mua sắm. Một số phụ huynh lại đưa con cái họ đến Trung tâm giải trí Teletubbies.
Một phần của vấn đề là vị trí. Đông Quan là một thị trấn nhà máy và hầu hết trong số gần 10 triệu dân cư là những người lao động di cư đang phải vật lộn với cuộc sống hàng ngày. "Những người đến đây để làm việc trong các nhà máy không có thời gian hay tiền bạc để mua sắm hoặc chơi tàu lượn siêu tốc", Xiao một công nhân nhập cư và là người làm việc tại trung tâm mua sắm này cho biết.
Trung tâm mua sắm hoang vắng này cũng là một biểu tượng của quá trình đô thị hóa nhanh chóng của Trung Quốc và việc chạy đua đầu tư vào các dự án bất động sản.
"Với tôi, nhiều trong số các dự án này là một kết quả của việc dễ dàng tiếp cận nguồn vốn và sự kết hợp của sự mơ tưởng và hành vi đầu cơ hơn là sự tính toán kinh doanh hợp lý", ông Victor Teo, trợ lý giáo sư tại Đại học Hong Kong cho biết.
"Trung tâm mua sắm này không phải là duy nhất. Ở những nơi khác của Trung Quốc cũng có hiện tượng "thị trấn ma", cụm từ dùng để nói về các dự án hạ tầng, cả dân cư và thương mại, mà không có người", ông Teo nói thêm.
Sự bùng nổ tín dụng của gói kích thích kinh tế hậu khủng hoảng tài chính đã dẫn đến sự gia tăng tỷ lệ phát triển thương mại trống và các căn hộ được xây dựng với sự đầu cơ tràn lan. Tuy nhiên, tại sao nền kinh tế Trung Quốc vẫn đạt tốc độ tăng trưởng 7% tới 8% mỗi năm?
"Những gì Trung Quốc đã làm trong sự bùng nổ tín dụng kích cầu là tạo ra rất nhiều “các thành phố ma": các dự án không có nền tảng thương mại mạnh mẽ và các dự án không được triển khai", Jonathan Anderson của Nhóm các nhà cố vấn đang nổi đã viết hồi tháng trước trong một nghiên cứu mang tên "Sự vội vã cho các thành phố ma".
Tuy nhiên, trung tâm mua sắm trên đã có kế hoạch tăng số lượng người thuê mặt bằng, Ye Ji Ning, người đứng đầu đơn vị đầu tư New South China Mall cho biết. Ông tuyên bố, trung tâm đã đạt tỷ lệ lấp đầy là 20%. Mục tiêu của công ty là tăng tỷ lệ này lên 80% trong năm 2013.
"Từ tháng 3 trở đi, chúng tôi sẽ có các hoạt động quảng cáo để đạt được mục tiêu cho thuê mới của chúng tôi", Ye nói.
Đây không phải là lần đầu tiên các chủ sở hữu cố gắng thổi sự sống vào khu chợ khổng lồ đang ngủ. Lúc đầu, trung tâm mua sắm này do Alex Hu Guirong, người đã trở thành tỷ phú nhờ kinh doanh mì ăn liền, đứng đầu nhưng sau đó, nó đã bị bán cho Tập đoàn Founders, một tập đoàn được thành lập bởi Đại học Peking.
Mở lại vào năm 2007, khu chợ đã được đổi tên từ "Trung tâm mua sắm nam Trung Quốc" thành "Trung tâm mua sắm nam Trung Quốc mới, Thành phố sống" và một kế hoạch khôi phục đã được dựng lên. Nhưng sau khi khai trương lại, trung tâm này cũng chẳng được người mua sắm hay người thuê mặt bằng nào lui tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.