(HNMO) - Sáng nay 11-6, Hội Luật gia Việt Nam tổ chức họp báo công bố bản tuyên bố của Hội Luật gia Dân chủ quốc tế thể hiện sự quan ngại về tình hình căng thẳng leo thang ở Biển Đông...
Tại cuộc họp báo, ông Jitendra Sharma cho biết, ngày 2-5-2014, Trung Quốc đã tiến hành việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 tại khu vực nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. IADL hiểu rằng sau khi Việt Nam lên tiếng phản đối, Trung Quốc đã điều hơn 80 tàu, máy bay, bao gồm cả tàu quân sự tới khu vực trên. Tình hình trở nên nghiêm trọng hơn khi tàu Trung Quốc đâm và sử dụng vòi rồng bắn vào một số tàu cảnh sát biển và tàu kiểm ngư của Việt Nam gây thiệt hại về phương tiện và đe dọa tính mạng con người. IADL cũng được biết về một số vụ đâm vào tàu cá của Việt Nam, gây hư hại một số tàu, làm bị thương ngư dân và thậm chí khiến một tàu cá của Việt Nam bị chìm.
Sau khi xem xét sự việc này, IADL đã quyết định gửi thư tới chính quyền Trung Quốc. Bức thư gửi tới ông Tập Cận Bình, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đề ngày 28-5-2014, đồng thời được gửi tới Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon và 15 cơ quan của Trung Quốc liên quan trực tiếp như Bộ Ngoại giao, Tập đoàn Dầu khí quốc gia ngoài khơi CHND Trung Hoa, Cục Hải dương, Toà án Nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Quốc hội, Hội Luật học, Phái đoàn thường trú của Trung Quốc tại Liên hợp quốc... Bức thư do Chủ tịch Hội Luật gia Dân chủ quốc tế Jeanne Mirer ký.
Trong thư, IADL đề nghị phía Trung Quốc làm rõ 3 vấn đề: Thứ nhất là cơ sở pháp lý của việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Thứ hai là cơ sở pháp lý của việc Trung Quốc đưa tàu, máy bay và tàu quân sự tới hoạt động gần khu vực giàn khoan Hải Dương 981. Thứ ba là lý do của những hành vi khiêu khích của Trung Quốc như đâm, bắn vòi rồng vào các tàu chấp pháp của Việt Nam, gây thiệt hại về phương tiện và đe dọa đến tính mạng con người cũng như các vụ việc tấn công tàu cá của Việt Nam xảy ra kể từ ngày 7-5-2014.
Tại cuộc họp báo, ông Jitendra Sharma cho biết: "Cho đến nay, đáng tiếc là phía Trung Quốc chưa đưa ra bất cứ giải thích hay phản hồi nào".
Cũng trong bức thư trên, IADL đề nghị Trung Quốc tôn trọng pháp luật quốc tế, tôn trọng, tuân thủ và giữ gìn tuyệt đối Hiến chương Liên Hợp Quốc. IADL cũng đề nghị Trung Quốc xử sự đúng tư cách như một nước lớn cũng như đúng tư cách của một quốc gia thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc để đóng vai trò quan trọng trong việc giữ gìn và bảo vệ hòa bình, ổn định, an ninh khu vực và thế giới.
Ông Jitendra Sharma cũng thay mặt IADL khẳng định tổ chức này sẽ luôn luôn sát cánh và hỗ trợ hết mức cho Chính phủ và nhân dân Việt Nam khi có yêu cầu hỗ trợ pháp lý liên quan đến việc giải quyết vụ việc trên với Trung Quốc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.