Trung Quốc đã triển khai máy bay ném bom chiến lược và chiến đấu cơ đặc biệt đến tham gia tập trận quân sự trên không và trên biển gần vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan và Philippines.
Đại diện Hải quân Trung Quốc Liang Yang cho biết máy bay ném bom và chiến đấu cơ từ lực lượng Hải quân và Không quân nước này đã tham gia vào cuộc tập trận gần eo biển Ba Sĩ, nằm giữa đảo Y’Ami của Philippines và đảo Phong Lan của Đài Loan.
Oanh tạc cơ H-6K của lực lượng PLA Trung Quốc. (Ảnh: CNS) |
Theo báo Want China Times, ảnh chụp cuộc diễn tập quân sự cho thấy có sự xuất hiện của máy bay ném bom chiến lược H-6G/K và máy bay chiến đấu J-11B.
Máy bay ném bom H-6K được coi là loại máy bay hiện đại nhất của dòng H-6 do Trung Quốc sản xuất. Theo ông Richard Fisher, chuyên gia hàng đầu về quân sự Trung Quốc, “H-6K là phiên bản cải tiến mới nhất. Mũi máy bay lắp đặt một loại rada lớn và hệ thống xác định mục tiêu. Nó sử dụng hai động cơ đẩy D-30-KP2 nặng 12 tấn do Nga chế tạo. Trọng lượng nhẹ hơn so với các phiên bản trước, cho phép máy bay ném bom nâng bán kính hoạt động lên tới 3.500km”.
Máy bay chiến đấu J-11B là phiên bản sao chép của phi cơ Su-27SK của Nga, nhưng được cải tiến đáng kể và được lắp đặt các thiết bị Trung Quốc.
Ông Liang cho hay cuộc tập trận là thường niên và “phù hợp với luật pháp và tập quán quốc tế”. Ông khẳng định “những cuộc tập trận tương tự sẽ tiếp tục được thực hiện”.
Cuộc tập trận của Bắc Kinh rất có thể sẽ khiến Đài Loan lo lắng. Lãnh đạo quốc phòng Đài Loan cho biết hòn đảo đã theo dõi sát sao cuộc tập trận sát vùng ADIZ của mình, đồng thời khẳng định đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc tiến hành tập trận tại đây.
Cuộc tập trận được thông báo lần đầu tiên hồi đầu tuần này trên trang chủ của Hải quân Trung quốc, trong đó khẳng định các nỗ lực nhằm tăng cường và củng cố huấn luyện tại mọi khu vực đang được tiến hành theo chỉ đạo của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, cho phép PLA “có khả năng chiến đấu và chiến thắng”.
Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ tại cả Biển Hoa Đông và Biển Đông, nơi cẳng thẳng đã tăng cao khi Bắc Kinh tiến hành các hoạt động bồi đắp đảo tại các quần đảo và rặng đá ngầm tranh chấp. Nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ, đã lên tiếng cáo buộc Trung Quốc cản trở tự do hàng hải tại khu vực.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.