Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trung Quốc đang muốn chiếm dần Biển Đông

14/05/2014 04:05

Phó Giáo sư Wei Min (Viện Nghiên cứu Á - Phi tại Đại học Bắc Kinh) cho rằng Trung Quốc sẽ là

* Theo Báo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (bản tiếng Anh) số ra ngày 11-5, nhận định về tình hình căng thẳng Biển Đông, Phó Giáo sư Wei Min (Viện Nghiên cứu Á - Phi tại Đại học Bắc Kinh) cho rằng Trung Quốc sẽ là "nạn nhân lớn nhất" nếu như vụ việc này không được giải quyết sớm. Phó Giáo sư Wei Min nhấn mạnh: "Nếu không giải quyết sớm, cho dù lời giải thích mà Chính phủ Trung Quốc đưa ra là gì đi chăng nữa thì uy tín và lòng tin đối với Chính phủ Trung Quốc sẽ sụt giảm mạnh mẽ. Và điều này sẽ làm tồi tệ hơn tình hình bất ổn ở Biển Đông". Trước đó, học giả hàng đầu Trung Quốc Lý Lệnh Hoa nói rằng Trung Quốc là nước ký Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, do vậy phải tôn trọng chủ trương thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của các nước xung quanh.

Nhận định trên tờ "New York Times" (Mỹ) ngày 12-5, ông David Zweig, Giám đốc Trung tâm Quan hệ xuyên quốc gia của Trung Quốc tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong cho rằng, quan điểm cứng rắn của Trung Quốc trong việc đưa giàn khoan Haiyang Shiyou - 981 (Hải Dương - 981) vào hoạt động trái phép ở vùng biển Việt Nam có thể khiến các mục tiêu ngoại giao của Bắc Kinh tại khu vực bị đẩy vào tình trạng nguy hiểm. Ông David Zweig cho rằng nếu Trung Quốc không thể hợp tác với Việt Nam sau khi hai nước đã có thỏa thuận song phương (về giải quyết các vấn đề trên biển), vậy thì Trung Quốc sẽ thuyết phục các nước khác như thế nào để họ đồng ý về các thỏa thuận song phương với Trung Quốc?

Ngày 13-5, tàu Trung Quốc dàn hàng ngang dày đặc cản đường tàu Việt Nam tiến vào khu vực Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép.


* Giáo sư Franois Godement, Giám đốc phụ trách về Châu Á - Trung Quốc của Hội đồng quan hệ đối ngoại Châu Âu (ECFR) cho rằng, Trung Quốc đang có những bước đi nguy hiểm trên Biển Đông một mặt nhằm thực hiện chiến lược tranh giành lãnh thổ trên biển, mặt khác hù dọa Việt Nam và Philippines.

Giáo sư Godement cho rằng bước đi trên thể hiện sự liên tục mang tính chiến lược trong các hành động của Trung Quốc, mặc dù thời gian và địa điểm của các hành động do Trung Quốc tiến hành có khác nhau. Giáo sư Godement cho rằng nguy cơ từ các hành động như vậy dẫn đến leo thang thành xung đột trong khu vực rất lớn. Trung Quốc rõ ràng đã thể hiện thái độ không tôn trọng các thỏa thuận quốc tế, sẵn sàng sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp lãnh thổ. Họ đang cố gắng thực hiện một khái niệm mà hiện nay đã rất lỗi thời, chỉ phổ biến từ thế kỷ XIX, đó là cố gắng thiết lập một "phạm vi ảnh hưởng khu vực".

Cùng với việc đánh giá cao thái độ kiềm chế của Việt Nam trước các hành vi "tấn công" từ phía các tàu Trung Quốc, Giáo sư Godement cho rằng ngoài việc xây dựng các mối liên kết mới, Việt Nam nên nghiên cứu giải pháp pháp lý và cố gắng tránh một cuộc xung đột quân sự. Theo ông, Việt Nam nên xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với các đối tác lớn, như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, ASEAN và cả Liên minh Châu Âu (EU) để phát huy sức mạnh ngoại giao. Giáo sư Godement nhận định rằng qua vụ việc này, các nước Châu Á khác thêm một lần nữa hiểu rõ các tham vọng ngày càng lớn của Trung Quốc trên biển.

* Tờ "The Diplomat" đăng bài phân tích của Giáo sư Carl Thayer từ Học viện Quốc phòng Australia nêu rõ sự việc này đánh dấu lần đầu tiên Trung Quốc đặt một giàn khoan dầu trong vùng đặc quyền kinh tế của nước khác mà không có sự cho phép. Đây là một động thái bất ngờ vì mối quan hệ Trung Quốc - Việt Nam đã ở trên một quỹ đạo đi lên kể từ chuyến thăm Hà Nội của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường vào tháng 10-2013. Vào thời điểm đó, cả hai bên cho biết đã đạt được thỏa thuận để tiếp tục thảo luận các vấn đề hàng hải. Động thái của Trung Quốc cũng bất ngờ vì Việt Nam đã không có bất kỳ khiêu khích nào để có thể dẫn đến hành động chưa từng có của Trung Quốc.

* Ngày 13-5 , Giáo sư G.V.C Naidu, giảng viên tại Trung tâm nghiên cứu Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, thuộc Đại học Tổng hợp Jawaharlal Nehru ở New Delhi nhận định rằng Trung Quốc đang theo đuổi chiến lược "cắt lát salami" chiếm dần Biển Đông.

Giáo sư Naidu nhận định tiến trình công nghiệp hóa làm tăng nhu cầu năng lượng đã góp phần thúc đẩy các hành động hiếu chiến của Trung Quốc ở Biển Đông. Giáo sư Naidu cho rằng trong bối cảnh này, điều cần thiết là ASEAN giữ lập trường kiên định, buộc Trung Quốc chấm dứt tất cả hành vi chiếm dần các đảo và đơn phương áp đặt các chính sách tại các vùng tranh chấp, cố ý trì hoãn COC, từ chối đưa vấn đề lên một ủy ban trọng tài quốc tế.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trung Quốc đang muốn chiếm dần Biển Đông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.