Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trung Quốc - Ấn Độ: Nỗ lực cho hòa bình đường biên

Đình Hiệp| 25/07/2013 05:58

(HNM) - Dù chưa đạt bước đột phá cụ thể nào, nhưng cuộc đàm phán cấp thứ trưởng quân sự và ngoại giao giữa Trung Quốc và Ấn Độ - vừa khép lại ở thủ đô New Delhi - vẫn mở ra hy vọng mới.

Với tên gọi "Cơ chế làm việc tham vấn và phối hợp về các vấn đề biên giới Ấn - Trung", cuộc đàm phán 48 giờ qua tiếp tục đặt trọng tâm ưu tiên giải quyết những vi phạm lãnh thổ ở khu vực Ranh giới kiểm soát thực tế (LAC). Bên cạnh đó, làm thế nào để đẩy nhanh thông qua một thỏa thuận hợp tác biên phòng giữa hai nước nhằm điều hòa những quan điểm bất đồng về phân định lãnh thổ biên giới đất liền cũng đã được các quan chức hai bên đặt lên bàn nghị sự. 

Quân đội Ấn Độ tăng cường an ninh tại khu vực biên giới với Trung Quốc.


Đây là vòng đàm phán thứ 16 về biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ kể từ năm 2003 đến nay, diễn ra hơn ba tháng sau "sự cố" ngày 15-4 vừa qua ở thung lũng Depsang thuộc khu vực Ladakh - vùng lãnh thổ phía bắc do Ấn Độ kiểm soát - khi binh sĩ Trung Quốc xâm nhập và đóng trại ở khu vực này trong 21 ngày. Truyền thông Ấn Độ ghi nhận trong 3 năm trở lại đây đã có hơn 600 vụ binh sĩ Trung Quốc xâm nhập biên giới dọc LAC. Cùng với việc triệu Đại sứ Trung Quốc tại New Delhi đến để phản đối, Bộ Ngoại giao Ấn Độ cũng đề nghị Trung Quốc rút binh sĩ khỏi vùng lãnh thổ tranh chấp mà Ấn Độ tuyên bố chủ quyền. Trong một bước đi mới nhất nhằm tăng cường an ninh cho khu vực biên giới Ấn - Trung, Ủy ban An ninh thuộc Hội đồng Bộ trưởng Ấn Độ đã quyết định triển khai thêm 50.000 binh sĩ đến đây. Chính phủ Ấn Độ cho biết sẽ chi hơn 10 tỷ USD để điều quân đến các bang ở khu vực biên giới như Tây Bengal, Bihar, Assam, Jammur và Kashmir, hỗ trợ cho lực lượng bộ binh là máy bay vận tải quân sự C-130.

Song, cùng với bác bỏ những cáo buộc của Ấn Độ, mới đây Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra tuyên bố khẳng định quân đội nước này không bao giờ vượt ra khỏi khu vực biên giới được phép. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh nhấn mạnh, lực lượng biên phòng luôn hành động trên tinh thần tôn trọng các thỏa thuận song phương đã ký với Ấn Độ, luôn tuân thủ LAC khi chỉ tiến hành tuần tra thường xuyên tại phần lãnh thổ thuộc về Trung Quốc. Với Trung Quốc, việc tổ chức các cuộc đối thoại nhằm duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực biên giới hai nước là cần thiết; đồng thời là mối quan tâm cơ bản của cả hai quốc gia đông dân nhất thế giới. Trên tinh thần đó, Trung Quốc sẽ tiếp tục làm việc với Ấn Độ để giải quyết triệt để các vấn đề biên giới trong khuôn khổ các cơ chế đã có và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bền vững quan hệ song phương.

Là hai nền kinh tế lớn hàng đầu khu vực, Trung Quốc và Ấn Độ có đường biên giới chung dài khoảng 3.500km, xuyên qua cả dãy núi Himalaya hùng vĩ. Mặc dù, quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng Trung Quốc - Ấn Độ được cải thiện nhiều trong những năm gần đây, song hai bên vẫn tồn tại bất đồng xung quanh đường ranh giới không chính thức phân định lãnh thổ hai nước vào năm 1962, vẫn gọi là LAC. New Dehli cho rằng Trung Quốc đã kiểm soát bất hợp pháp 38.000km2 lãnh thổ thuộc bang Kashmir trong khi Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền với 90.000km2 diện tích bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ, đặc biệt là khu vực Tawang. Dù hai nước đã ký hai thỏa thuận nhằm duy trì hòa bình tại khu vực tranh chấp này, nhưng một loạt "sự cố" xảy ra thời gian qua liên quan đến LAC tiếp tục là trở ngại trong quan hệ hai nước.

Bất chấp những bất đồng trong giải quyết tranh chấp biên giới liên quan đến LAC, hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai đầu tàu kinh tế của khu vực có số dân lớn nhất thế giới vẫn không ngừng được cải thiện. Sự kiện Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường chọn Ấn Độ làm điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi nhậm chức - vào giữa tháng 5 vừa qua - cho thấy quốc gia láng giềng "chung vách" Himalaya vẫn là trọng tâm ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh. Theo đó, mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương từ 66 tỷ USD năm 2012 lên 100 tỷ USD vào năm 2015 hoàn toàn có cơ sở.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trung Quốc - Ấn Độ: Nỗ lực cho hòa bình đường biên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.